Điện thoại thông minh ngày càng bị hờ hững
Ngày nay không ít người chê bai điện thoại thông minh ngày càng giống nhau và các hãng không còn đổi mới nữa. Hãng sản xuất tất nhiên có một phần trách nhiệm, nhưng thật ra chính người tiêu dùng cũng góp phần dẫn đến tình trạng này.
Năm 1973, kỹ sư Martin Cooper của hãng Motorola thực hiện cuộc gọi lịch sử ngoài đường phố New York bằng nguyên mẫu điện thoại di động thương mại đầu tiên trên thế giới. Điện thoại DynaTAC 8000X to đến mức trông giống viên gạch, nhưng vào thời điểm đó là “kỳ quan” công nghệ đưa con người bước vào kỷ nguyên mạng không dây.
Gần 20 năm sau, điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới tên IBM Simon ra mắt. Thiết bị có màn hình cảm ứng điện trở và được cài đặt sẵn vài ứng dụng đơn giản như máy tính, lịch, danh bạ, email.
Sự đổi mới diễn ra chậm vì 3 lý do. Thứ nhất là hạn chế về vật lý của công nghệ thời điểm đó. Thứ hai là hạn chế về hiểu biết công nghệ. Thứ ba là thị trường toàn cầu chưa phù hợp với sản phẩm như vậy.

Điện thoại IBM Simon - Ảnh: Mobile Phone Museum
Phải đến năm 2007 ngành điện thoại thông minh mới thực sự có được chỗ đứng với sự ra mắt của chiếc iPhone đầu tiên. Thiết bị được đón nhận nồng nhiệt đến nỗi mọi công ty công nghệ đều muốn trở thành “kẻ giết iPhone” nên thử nghiệm đủ loại tính năng lẫn công nghệ nhằm vượt qua Apple. Tâm lý này vẫn tồn tại đến ngày nay.
Hầu hết thử nghiệm đều không đem lại kết quả. Nhưng cạnh tranh đem lại lợi ích cho người tiêu dùng vì nó thúc đẩy đổi mới diễn ra nhanh hơn. Kể từ khi iPhone trình làng, gần như mỗi năm lại có điều gì đó mới mẻ chẳng hạn bút cảm ứng đi kèm, tốc độ làm mới màn hình cao, sạc nhanh…
Người dùng quyết định tốc độ đổi mới
Một phần lý do khiến sự đổi mới diễn ra nhanh chóng trong 20 năm qua là nhờ loạt vấn đề mà người dùng gặp phải gồm sạc chậm, chất lượng hình ảnh kém, khả năng thu sóng kém, viền màn hình lớn, video rung lắc, không thể chụp ảnh cận cảnh. Chúng giúp các hãng sản xuất vạch ra định hướng phát triển thiết bị rõ ràng.
Vấn đề mà hãng xử lý được càng nhiều, khả năng người tiêu dùng mua hàng càng cao. Nhưng hiện tại chúng ta không còn nhiều thứ để phàn nàn nữa, ít nhất về mặt phần cứng. Nhiều lời chê bai ngày nay không phải về thiếu hụt công nghệ mà xoay quanh chất lượng dịch vụ chẳng hạn số lượng bản cập nhật phần mềm, thời gian cập nhật, tính khả dụng của trung tâm dịch vụ, chi phí sửa chữa.
Chuyên gia hoặc người đam mê công nghệ thích tìm kiếm tính năng mới và suy đoán về đột phá tiếp theo. Tuy nhiên người tiêu dùng bình thường xem điện thoại như công cụ thực hiện tác vụ cơ bản thì không như vậy. Tất cả những gì họ muốn là điện thoại hoạt động như mong đợi, không xuất hiện vấn đề gì.
Thiết bị ngày nay không nhất thiết phải có yếu tố gây ấn tượng mạnh để bán chạy. Chúng chỉ cần đáng tin và thân thiện với người tiêu dùng, đảm bảo mọi người chẳng cần nhọc công tìm hiểu mỗi khi nâng cấp điện thoại. Do đó điện thoại chẳng thay đổi nhiều về giao diện, ứng dụng, biểu tượng hay phần mềm.
Tóm lại người tiêu dùng muốn điện thoại mới mẻ và thú vị, nhưng không phải đánh đổi bằng việc mất đi độ tin cậy lẫn tuổi thọ. Cuối cùng iPhone và điện thoại Android đều trở nên nhàm chán. Khi không thể thay đổi quá nhiều về phần mềm còn phần cứng đã đạt đến đỉnh cao, các hãng sản xuất không còn cách nào khác ngoài cạnh tranh hệ sinh thái.

Điện thoại thông minh ngày càng nhàm chán - Ảnh: Zarif Ali / How-To Geek
Lợi nhuận giảm dần, thói quen tiêu dùng thay đổi
Vô số thứ trước đây chỉ có ở điện thoại cao cấp hiện cũng xuất hiện trên mẫu tầm trung như mặt lưng bằng kính, chip mạnh mẽ, khả năng chống nước lẫn chống bụi. Lý do là bởi lợi nhuận từ điện thoại thông minh giảm dần (như bất kỳ sản phẩm công nghệ nào khác) và mẫu cao cấp thường giảm “sức nóng” khá nhanh.
Không gian trong khung máy hạn chế nên hãng sản xuất không thể chạy đua trang bị pin hay cảm biến lớn hơn mãi được. Dần dần họ chuyển trọng tâm sang xây dựng hệ sinh thái riêng kèm cung cấp phụ kiện (tai nghe không dây, đồng hồ thông minh) chất lượng tốt.
Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng điện thoại Mỹ Verizon Hans Vestberg cho biết: “5 - 10 năm qua độ bền cùng chất lượng điện thoại được cải thiện đáng kể, nên mọi người giữ chúng lâu hơn nhiều”. Thói quen tiêu dùng thay đổi khiến hãng sản xuất phải chờ lâu hơn mới bán được sản phẩm, gây áp lực lớn lên tiềm năng kinh doanh dẫn đến khả năng chấp nhận rủi ro giảm. Vì vậy dù họ muốn thử nghiệm công nghệ mới thì thực tế sẽ cản trở. Minh chứng tiêu biểu là iPhone Mini thất bại về mặt thương mại mặc dù được giới công nghệ đánh giá cao.
Hệ sinh thái
Ở thời còn nhiều cải tiến phần cứng, điện thoại được so sánh chỉ dựa trên tính năng. Giờ đây người tiêu dùng mua điện thoại một phần dựa trên mức độ khó khăn khi chuyển sang hệ sinh thái khác.
Ví dụ người sử dụng iPhone có thể muốn thử camera cùng loạt tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) của Google Pixel, nhưng lại ngần ngại thay đổi vì sợ mất FaceTime, iMessage cùng nhiều dịch vụ Apple khác.
Vẫn còn đổi mới có thể thực hiện
Dù điện thoại thông minh trông khá nhàm chán và tăng trưởng lợi nhuận chậm lại, công nghệ vẫn đang phát triển hứa hẹn đem lại đổi mới.
Vài năm tới pin silicon-carbon có thể tăng đáng kể thời lượng sử dụng. Hiện tại đã có điện thoại sở hữu pin 8000 mAh. Apple và Samsung chuẩn bị ra mắt iPhone 17 Air và S25 Edge – hai thiết bị mỏng nhất từ trước đến nay.
Công ty LG Innotek phát minh ra module camera zoom quang liên tục 4x đến 9x, hứa hẹn cải thiện đáng kể khả năng chụp ảnh trên điện thoại.
Công nghệ màn hình cũng không ngừng nâng cấp. Ta có thể sớm thấy điện thoại có camera trước ẩn dưới màn hình. Điện thoại gập sẽ ngày càng phổ biến.