Điện Nước Lắp Máy Hải Phòng (DNC): Cổ phiếu không 'nhúc nhích' 2 tháng qua, thanh khoản chỉ từ giao dịch nội bộ

Dữ liệu thị trường cho thấy, cổ phiếu DNC của Công ty Cổ phần Điện Nước Lắp Máy Hải Phòng đã không có biến động về giá suốt hai tháng qua, từ 15/5 đến 11/7, duy trì ở mức 51.500 đồng/cổ phiếu và gần như không có thanh khoản.

Giá cổ phiếu DNC không biến động trong 2 tháng, thanh khoản rất thấp

Ông Đỗ Huy Đạt, Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Điện Nước Lắp Máy Hải Phòng (mã: DNC), đã thành công trong việc mua thêm 36.684 cổ phiếu DNC, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu từ 1.594.816 (tỷ lệ 24,83%) lên 1.631.500 cổ phiếu, tương đương 25,4% cổ phần công ty.

Giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 5/7 đến 9/7. Với mức giá 51.500 đồng/cp, ông Đạt đã chi gần 1,9 tỷ đồng để hoàn thành thương vụ.

Năm 2005, DNC chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Năm 2005, DNC chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Số cổ phiếu mà ông Đạt mua vào được bán ra từ bà Mai Thị Thanh Hà, Kế toán trưởng của DNC. Sau giao dịch, bà Hà chỉ còn giữ 816 cổ phiếu DNC, tương đương 0,01% vốn điều lệ.

Dữ liệu thị trường cho thấy, cổ phiếu DNC đã không có biến động về giá suốt hai tháng qua, từ 15/5 đến 11/7, duy trì ở mức 51.500 đồng/cổ phiếu và gần như không có thanh khoản. Trong tháng 6, lượng giao dịch cao nhất chỉ đạt 900 cổ phiếu. Tuy nhiên, trong tháng 7, có 36.684 cổ phiếu được giao dịch, tất cả từ thương vụ của ông Đỗ Huy Đạt.

Biến động giá cổ phiếu DNC, thanh khoản chỉ xuất trong nội bộ. Giá DNC đứng ở mức 51.500 đồng/cp suốt 2 tháng qua. Biểu đồ: Vietstock

Biến động giá cổ phiếu DNC, thanh khoản chỉ xuất trong nội bộ. Giá DNC đứng ở mức 51.500 đồng/cp suốt 2 tháng qua. Biểu đồ: Vietstock

Các giao dịch gần đây của DNC chủ yếu là nội bộ. Cụ thể, từ 2/7 đến 4/7, bà Nguyễn Thị Thu Trang, liên quan đến ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Kiểm toán Nội bộ kiêm Ủy viên HĐQT Công ty, đã đăng ký bán 315.201 cổ phiếu. Ông Kiên đã đăng ký mua lại số cổ phiếu này từ bà Trang - em vợ của ông Kiên.

Sơ lược về DNC

Công ty Cổ phần Điện Nước Lắp Máy Hải Phòng, tiền thân là Đội điện nước lắp máy, được thành lập năm 1992 với nhiệm vụ lắp đặt điện nước cho các công trình. Đến năm 2005, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Hiện nay, DNC hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh điện nước và xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp.

Vốn điều lệ ban đầu của công ty là hơn 10,8 tỷ đồng. Qua nhiều lần tăng vốn, đến cuối tháng 3/2024, DNC đã nâng vốn điều lệ lên hơn 64,2 tỷ đồng.

Trên website của DNC cho biết, doanh nghiệp đang quản lý hơn 60.000 khách hàng bao gồm cả khách hàng sử dụng điện và sử dụng nước; trong đó có 17 xã tại 3 huyện An Dương, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo và gần 20 khu đô thị trên địa bàn thành phố.

Năm 2019-2020 Công ty đã mở rộng thị trường, thực hiện quản lý kinh doanh điện – nước tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, bao gồm: Dự án Công viên Đại dương - Sunworld tại Bãi Cháy, Cụm công nghiệp Hoành Bồ; Dự án Ecopark Hải Dương. Tháng 10/2020, Công ty chính thức tiếp nhận bàn giao từ chủ đầu tư để quản lý vận hành hệ thống điện và kinh doanh điện tại dự án Ecopark Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Công ty đã thành lập các chi nhánh để triển khai công việc kinh doanh các dự án tại các tỉnh.

Hiện doanh nghiệp có 6 xí nghiệp và chi nhánh trải dài ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Tại Báo cáo thường niên năm 2023, DNC có 5 cổ đông lớn thì nội bộ Công ty và người có liên quan đã có 4 người gồm: Đỗ Huy Đạt (Chủ tịch HĐQT, Đại diện pháp luật); Nguyễn Trung Kiên (thành viên HĐQT; Trưởng Ban kiểm toán nội bộ); Lê Hữu Cảnh (thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc) và bà Lại Thị Dinh (vợ ông Lê Hữu Cảnh).

Tình hình kinh doanh của DNC (ĐV: tỷ đồng). Đồ họa: O.L

Tình hình kinh doanh của DNC (ĐV: tỷ đồng). Đồ họa: O.L

Những năm gần đây, Điện nước Lắp máy Hải Phòng ghi nhận tăng trưởng khá tốt. Giai đoạn từ 2016 - 2019, doanh thu thuần của DNC lần lượt đạt 196,4 tỷ đồng, 218,4 tỷ đồng, 357,7 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng ghi nhận tăng tưởng tốt, lần lượt đạt: 9,4 tỷ đồng, 10,5 tỷ đòng, 15,7 tỷ đồng và 20,6 tỷ đồng.

Từ 2020-2023, doanh thu của doanh nghiệp đạt lần lượt: 396,4 tỷ đồng, 567,6 tỷ đồng, 658,7 tỷ đồng và 802,5 tỷ đồng; Lãi sau thuế đạt: 20,4 tỷ đồng, 26,3 tỷ đồng, 29,2 tỷ đồng và 37,4 tỷ đồng.

Trong quý I/2024, Điện nước Lắp máy Hải Phòng ghi nhận doanh thu thuần đạt 183 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế đạt gần 8,6 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản tính tới cuối tháng 3/2024 đạt 178 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Nợ phải trả của Công ty tăng 11,7% so với đầu năm lên hơn 67,6 tỷ đồng, trong đó toàn gần như toàn bộ là nợ ngắn hạn với gần 67,4 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn ở mức 13,3 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm.

Mới đây, HĐQT Điện nước Lắp máy Hải Phòng đã thông qua Quyết địn về việc phát hành hành cổ phiếu để trả cổ tức tăng vốn điều lệ. Theo đó, doanh nghiệp sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%/VĐL (1 cổ phiếu nhận được thêm 0,25 cổ phần mới). Vốn điều lệ dự liến tăng thêm hơn 16 tỷ đồng, theo đó vốn của DNC sẽ tăng từ 64,2 tỷ đồng lên gần 80,3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý III/2024.

Năm 2024, DNC đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.006 tỷ đồng, trong đó kinh doanh điện đạt 985,5 tỷ đồng, kinh doanh nước sạch 12,5 tỷ đồng, kinh doanh khác đạt 8 tỷ đồng; lãi trước thuế đạt 50,5 tỷ đồng, nộp ngân sách dự kiến 20,5 tỷ đồng; cổ tức dự kiến tiền mặt thấp nhất 20%; cổ phiếu thưởng thấp nhất 25%; lương bình quân đạt 13,8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2024, DNC dự kiến chi 32 tỷ đồng để đầu tư: Xây dựng bổ sung 12 trạm biến áp tại các xã (7,8 tỷ đồng); Nâng công suất 8 trạm biến áp tại các xã (1,5 tỷ đồng); Bổ sung, cải tạo nâng cấp đường dây hạ thế và cột điện (3,55 tỷ đồng); Xây dựng hệ thống quản trị Server DNC (0,35 tỷ đồng); Thay định kỳ, mua sắm công tơ điện, nước (11,5 tỷ đồng)' Xây dựng Văn phòng Xí nghiệp Điện Thủy Nguyên (2 tỷ đồng); Chi phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị chi nhánh (1 tỷ đồng); Xây dựng văn phòng quản lý điện xã Hồng Thái và xã Lập Lễ (1,5 tỷ đồng).

Theo các chuyên gia tài chính, cổ phiếu DNC có một số vấn đề cần lưu tâm: việc tăng cường sở hữu của cá nhân chủ chốt, thanh khoản thấp, giao dịch nội bộ chiếm tỷ trọng lớn, và rủi ro từ việc tập trung quyền lực

Bên cạnh đó, khi các cổ đông lớn đều là người nội bộ và không có nhiều cổ phiếu lưu hành tự do trên thị trường, thanh khoản của cổ phiếu sẽ bị giảm. Điều này làm cho việc mua bán cổ phiếu trở nên khó khăn và nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro khi muốn thoát khỏi vị trí đầu tư của mình.

Thanh khoản thấp cũng có thể dẫn đến việc giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực của công ty, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc đánh giá và đầu tư vào công ty.

Khi các cổ đông lớn đều là người nội bộ, quyền lực sẽ tập trung vào một nhóm nhỏ, thường là ban lãnh đạo và người thân cận. Điều này có thể dẫn đến việc các quyết định quan trọng bị chi phối bởi lợi ích cá nhân thay vì lợi ích chung của công ty và các cổ đông nhỏ lẻ.

Sự tập trung quyền lực có thể gây ra xung đột lợi ích và tạo ra môi trường thiếu minh bạch trong việc ra quyết định.

Bài sau: Công ty Cổ phần Điện Nước Lắp Máy Hải Phòng (mã: DNC) chi trả lương, thưởng cho lãnh đạo khá hậu hĩnh. Chủ tịch HĐQT kiêm Đại diện pháp luật của là ông Đỗ Huy Đạt. Ông Đạt từng gắn bó với DNC từ 20 năm trước và trải qua nhiều nhiệm vụ quan trọng tại doanh nghiệp này. Số liệu cho thấy, ông Đạt là một trong các lãnh đạo có mức thu nhập đáng mơ ước - cao nhất tại DNC. Bài sau Thị trường Tài chính sẽ giới thiệu chân dung Chủ tịch HĐQT DNC Đỗ Huy Đạt.

O.L

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/dien-nuoc-lap-may-hai-phong-dnc-co-phieu-khong-nhuc-nhich-2-thang-qua-thanh-khoan-chi-tu-giao-dich-noi-bo-124050.html
Zalo