Điện mặt trời mái nhà ở Mỹ gặp biến động lớn, triệu gia đình bị phá vỡ cam kết
Giám đốc điều hành của Hiệp hội Năng lượng Mặt trời và Lưu trữ California (CALSSA) cho biết, dự luật AB 942 về điện mặt trời đã 'phá vỡ các cam kết hợp đồng với hàng triệu người dùng'.
Ủy ban Tiện ích và Năng lượng của Hạ viện bang California đã bỏ phiếu với tỷ lệ 10-4 để thông qua phiên bản sửa đổi của Dự luật Hạ viện 942 (Assembly Bill 942 - AB 942), nhằm giảm mức bồi thường cho người dùng điện mặt trời mái nhà và cung cấp điện trở lại cho lưới điện.
Dự luật quy định rằng khi một căn nhà có lắp điện mặt trời được chuyển nhượng, chủ mới buộc phải áp dụng chính sách đo đếm điện năng mới, làm giảm khoản tiết kiệm điện so với trước đây.
Ban đầu, AB 942 đề xuất chấm dứt cơ chế đo đếm điện năng hai chiều (NEM) đối với các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời theo các chương trình NEM 1.0 và 2.0 trong vòng 10 năm.
Theo cơ chế NEM 3.0, khách hàng chỉ nhận được khoảng 20% giá trị so với trước cho điện năng gửi lên lưới, khiến đầu tư điện mặt trời kém hấp dẫn hơn về tài chính.

Hệ thống điện mặt trời được lắp trên mái nhà các hộ dân. Ảnh: Kindel Media
Tuy nhiên, phiên bản sửa đổi của dự luật đã loại bỏ thời hạn 10 năm đối với tất cả khách hàng, nhưng vẫn giữ nguyên quy định buộc các ngôi nhà khi được bán hoặc sang tên phải chuyển sang áp dụng cơ chế NEM 3.0.
Brad Heavner, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Năng lượng Mặt trời và Lưu trữ California (CALSSA), cho biết, dự luật này "phá vỡ các cam kết hợp đồng với hàng triệu người dùng".
Trung bình một khách hàng lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà sẽ phải đối mặt với mức tăng hóa đơn tiền điện khoảng 63 USD mỗi tháng sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà của họ, điều này có thể gây phức tạp các giao dịch bất động sản.
Ông Heavner nói rằng, AB 942 sẽ "khó có thể triển khai được trên thực tế, đặt các công ty tiện ích vào vị trí phải xác minh các giao dịch bất động sản... ".
Lisa Calderon, một thành viên Hạ viện, đã đệ trình dự luật này. Trước đây, bà Calderon có 25 năm phụ trách các vấn đề của chính phủ tại Southern California Edison, một trong những công ty tiện ích lớn thuộc sở hữu tư nhân ở bang này.
"Những người ủng hộ AB 942 tuyên bố rằng mục đích của nó là để giảm giá điện, nhưng thực tế nó được thiết kế để bảo vệ lợi nhuận của các công ty tiện ích", ông Heavner nói. Theo ông, lý do thực sự khiến giá điện ở California liên tục tăng vọt là do chi tiêu không kiểm soát của các công ty tiện ích cho cơ sở hạ tầng truyền tải.
Ủy ban Tiện ích Công cộng California báo cáo rằng ba công ty điện lực lớn nhất của bang - PG&E, SCE và SDGE - đã tăng giá đối với khách hàng lần lượt là 110%, 90% và 82% trong thập kỷ qua. Mặc dù mức sử dụng điện tương đối ổn định, nhưng chi tiêu cho truyền tải và phân phối của các công ty tiện ích đã tăng 300%.
"Các công ty tiện ích luôn được đảm bảo để nhận lợi nhuận hấp dẫn từ việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, điều này tạo ra động lực liên tục để họ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn," ông Heavner bày tỏ.
Chỉ riêng trong năm 2024, năng lượng mặt trời trên mái nhà ước tính đã giúp người tiêu dùng tại California - kể cả những hộ không sử dụng - tiết kiệm được 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, nó cạnh tranh trực tiếp với mô hình lợi nhuận của các công ty tiện ích lớn nhất của bang, điều này khiến nó trở thành mục tiêu của những chỉ trích về mặt pháp lý.
"California dẫn đầu về năng lượng mặt trời. Nếu dự luật này được trình lên Thống đốc California Newsom, chúng tôi hy vọng các bang khác sẽ mạnh dạn thực hiện các hành động tương tự", nhà nghiên cứu cấp cao Fox Swim tại Aurora Solar, cho biết.
Vị này cũng nhấn mạnh, những gì chúng ta thực sự nên làm là khuyến khích việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời dân dụng kết hợp lưu trữ vì những lợi ích về môi trường và độ tin cậy của nó.
Theo PV