Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp triển khai chậm vì còn nhiều vướng mắc
Phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp, khu chế xuất còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến các quy định phát triển, nguồn vốn đầu tư, hạ tầng cùng những vấn đề về tài chính và khả năng thu hồi vốn…
Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) khi được triển khai với quy mô lớn và tập trung, không chỉ giúp các doanh nghiệp (DN) tự chủ nguồn điện, ổn định giá điện còn tiết giảm chi phí sản xuất và vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Dù vậy, hiện nay tỷ lệ sử dụng, tiếp cận nguồn điện mặt trời mái nhà tại các nhà máy trong khu công nghiệp (KCN) còn rất thấp.
Doanh nghiệp vẫn còn loay hoay
Phản hồi từ đại diện các KCN tại nhiều tỉnh, thành cho thấy, mặc dù các chính sách mới về ĐMTMN đã được ban hành, như Nghị định số 57/2025/NĐ-CP của Chính phủ về Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); Nghị định số 58/2025/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, đã tạo hành lang pháp lý để phát triển thị trường ĐMTMN, nhưng đa phần khối DNNVV trong KCN vẫn còn loay hoay chưa thể tiếp cận được nguồn năng lượng sạch.

Thực trạng vướng mắc được ông Vũ Quốc Nghị, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp Hưng Yên cho biết, theo quy định đối với nguồn điện tự sản - tự tiêu như ĐMTMN, do các dự án đang hoạt động trong các KCN đã hoạt động trong thời gian dài, để đảm bảo điều kiện lắp đặt sẽ cần cải tạo nâng cấp nhà xưởng khiến gia tăng chi phí đầu tư. Trong khi đó, nguồn điện tự sản - tự tiêu chỉ được bán sản lượng điện dư nhưng không quá 10% sản lượng điện thực phát.
“Chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án phát triển điện MTMN chủ yếu tập trung vào ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất, nên chưa đủ sức hấp dẫn các DN. Điều này sẽ giảm sức hút khiến các nhà đầu tư chưa quyết tâm đầu tư chuyển dịch sang năng lượng xanh, sử dụng ĐMTMN tại các nhà máy trong KCN”, ông Nghị nêu.
Dệt may là một trong những lĩnh vực tiêu thụ điện cho sản xuất rất lớn, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là vấn đề hết sức cần thiết của nhiều DN, nhằm đáp ứng yêu cầu Xanh hóa đối với sản phẩm xuất khẩu được quy định từ nhiều thị trường lớn.
Tuy nhiên thời gian qua, nhiều DN trong ngành dệt may đã bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về vốn để phát triển ĐMTMN vì đa phần là DNNVV, nhưng đến nay, số DN trong ngành dệt may triển khai mô hình ĐMTMN vẫn còn rất hãn hữu. Trong khi đó, các KCN vẫn chưa có cơ chế và mô hình tích điện tái tạo vào giờ thấp điểm, bán lại vào giờ cao điểm nên chưa ổn định nguồn cung điện, cũng như tối ưu hóa sử việc dụng năng lượng.
Rào cản chi phí đầu tư ban đầu
Việt Nam hiện có hơn 380 KCN và khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động. Đây là những "điểm nóng" tiêu thụ điện năng, nhưng đồng thời cũng là nơi giàu tiềm năng phát triển ĐMTMN tập trung với quy mô lớn.
Nhận rõ việc triển khai ĐMTN tại các KCN còn chậm, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách - chiến lược Trung ương cho biết, hiện nay hành lang pháp lý chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong các thủ tục đấu nối và vận hành. Quan trọng hơn là chi phí đầu tư ban đầu cho ĐMTMN vẫn là một rào cản lớn, nhất là với các DNNVV chiếm tỷ trọng cao tại các KCN.
Bên cạnh đó, hầu hết hạ tầng kỹ thuật ở nhiều KCN chưa đáp ứng được yêu cầu của nguồn điện phân tán, nhất là khi các thiết bị đo đếm hai chiều còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng của nhiều DN về năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế. Vì vậy, ông Trung đề xuất cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết cho các Nghị định mới, đặc biệt là với mô hình điện tự sản - tự tiêu thụ trong KCN. Song song, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể như miễn giảm thuế, tín dụng xanh, khấu hao nhanh tài sản đầu tư.

Chi phí đầu tư ban đầu cho ĐMTMN vẫn là một rào cản lớn
Theo ông Phan Duy Phú, Phó Trưởng phòng Thủy điện và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), ĐMTMN không chỉ là giải pháp công nghệ, còn là một phần của chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, theo Nghị định 58, các hệ thống ĐMTMN tự sản - tự tiêu thụ được phép bán lượng điện dư không quá 20% sản lượng điện thực phát trong tháng là một tín hiệu tích cực.
Ông Phú cũng cho biếtTrong thời gian tới, Cục Điện lực sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản ánh từ DN và người dân, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng cởi mở, minh bạch và phù hợp hơn với thực tiễn. Đảm bảo mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, công bằng cho tất cả các chủ thể tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà.
Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho hộ gia đình lắp đặt ĐMTMN, dự kiến ban hành trong năm 2025. Đây sẽ là bước đi tiếp theo nhằm phổ cập mô hình điện mặt trời tới quy mô nhỏ, góp phần lan tỏa hành vi tiêu dùng xanh.