Công nghiệp Bình Thuận: Đến hồi nhộn nhịp

Bài 2: Sự tự tin từ miền công nghiệp mới

Mới vì đó là nơi có giá đất cho thuê rẻ hơn nhưng lại có đầy đủ các yếu tố cần thiết cho phát triển công nghiệp. Còn nữa, có cả nơi nghỉ dưỡng vui chơi ở cự ly rất gần, phục vụ tốt cho việc tái tạo sức lao động của chuyên gia, công nhân mà không gây trở ngại cho kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.

Quyết tâm đầu tư…

Để tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 40% trong năm nay theo yêu cầu của UBND tỉnh, tính ra có khoảng 120 ha đất công nghiệp được các nhà đầu tư thứ cấp thuê. Với thời gian ngắn như vậy là con số áp lực nhưng nếu so với tỷ lệ lấp đầy bên các cụm công nghiệp (CCN) hiện tại trong tỉnh thì các KCN phải phấn đấu. Mấy tháng đầu năm nay, sản xuất kinh doanh tại các CCN trong tỉnh diễn ra thuận lợi, các doanh nghiệp đang triển khai với hy vọng cuối năm đạt tỷ lệ lấp đầy 50%. Tại cuộc họp UBND tỉnh mới đây, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, từ đầu năm đến nay, các CCN trên địa bàn tỉnh có những chuyển động tích cực, các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư hạ tầng CCN đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục như CCN Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc), CCN Tân Hà (Đức Linh). Còn CCN Gia Huynh (Gia Huynh – Tánh Linh) thì có 2 nhà đầu tư hạ tầng cùng đăng ký đầu tư. Riêng tại CCN Nam Hà 2 (Đông Hà – Đức Linh), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hòa Long đang xây dựng dự án nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn LEED gần xong giai đoạn 1. Sau khi hoàn thành, công ty sẽ kêu gọi các nhà đầu tư trong hệ sinh thái, đồng thời tiếp tục xây dựng giai đoạn 2…

Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam. Ảnh: N.Lân

Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam. Ảnh: N.Lân

Khu dân cư trong cụm công nghiệp Nam Hà, Đức Linh

Khu dân cư trong cụm công nghiệp Nam Hà, Đức Linh

Công ty Hòa Long đang xây dựng dự án nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn LEED tại CCN Nam Hà 2

Công ty Hòa Long đang xây dựng dự án nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn LEED tại CCN Nam Hà 2

Công ty Hòa Long đang xây dựng dự án nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn LEED tại CCN Nam Hà 2

Công ty Hòa Long đang xây dựng dự án nhà xưởng xây sẵn đạt tiêu chuẩn LEED tại CCN Nam Hà 2

Theo Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hòa Long, đến thời điểm này, nhiều hạng mục quan trọng của Dự án HLI EcoHub Nam Hà đã được triển khai đồng bộ. Dự án đang bước vào giai đoạn tăng tốc thi công, hướng đến mục tiêu sẵn sàng bàn giao vào đầu tháng 7/2025. Theo kế hoạch, công ty tiếp tục triển khai giai đoạn 2 vào tháng 6/2025. Thời gian hoàn thành dự kiến vào tháng 4/2026 (thời gian thi công 10 tháng) với quy mô 40 nhà xưởng, tổng diện tích hơn 8,2 ha.

Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam

Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam

Công nhân nhà máy giày Nam Hà giờ tan ca.

Công nhân nhà máy giày Nam Hà giờ tan ca.

Việc đẩy nhanh xây dựng dự án trên theo đúng “phong cách” mà các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất ở các CCN ở xã Đông Hà này đã triển khai. Chỉ một thời gian ngắn sau dịch bệnh, tại CCN Nam Hà, Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam đã triển khai dự án có mức đầu tư khoảng 170 triệu USD, thu nhận khoảng 27.000 công nhân bằng nhà máy giai đoạn 1, đã giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Còn CCN Đông Hà rộng 38 ha, hiện đã thu hút 5 nhà đầu tư Hàn Quốc và 2 doanh nghiệp trong nước với 5 nhà máy sản xuất Inox, phụ tùng ô tô, đồ gỗ đang hoạt động với quy mô 1.500 lao động; 2 nhà máy khác chuẩn bị hoạt động.

Tương tự, tại các KCN, cụ thể là KCN Tân Đức, dù chưa hoàn thiện để khánh thành nhưng đến thời điểm này đã có 9 doanh nghiệp thuê 40 ha đất tại KCN. Trong khi đó, tại các KCN Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2, các dự án mới vào từ đầu năm đến nay cũng đã lần lượt khởi công, đã tạo thêm khởi sắc ở khu vực công nghiệp vẫn còn vướng mắc nhưng cũng là nơi có nhiều hy vọng sẽ góp phần đẩy tỷ lệ lấp đầy các KCN trong năm nay.

Sản xuất ở khu công nghiệp Hàm Kiệm 2

Sản xuất ở khu công nghiệp Hàm Kiệm 2

Tại 1 cuộc họp UBND tỉnh tổ chức mới đây, ông Phan Dương Cường, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, do nhiều nguyên nhân nên đến giờ, cả 2 KCN Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2 với tổng diện tích 700 ha, còn quỹ đất sạch khoảng 250 ha. Ban sẽ có Kế hoạch xúc tiến đầu tư vào các KCN vào cuối tháng 5 tại TP.HCM với sự tham gia cùng các chủ đầu tư hạ tầng của 9 KCN. Đồng thời cũng tham gia vào chương trình xúc tiến đầu tư chung của tỉnh ở Hà Nội trong thời gian tới. Mục đích nhằm đẩy tỷ lệ lấp đầy KCN năm 2025 theo yêu cầu của UBND tỉnh.

Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1

Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1

Kỳ vọng gà đẻ trứng vàng

Trong bối cảnh phát triển, điều kiện hiện tại của các KCN trong tỉnh, nhất là các KCN đang có quỹ đất sạch cùng nhiều lợi thế, ví như gà đẻ trứng vàng, lần đầu tiên, BQL các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư tại TP.HCM vào cuối tháng 5/2025. Điều đáng chú ý, theo kế hoạch của cuộc xúc tiến đầu tư này, cho thấy có tính chuyên biệt chứ không bị hòa loãng trong các chương trình xúc tiến đầu tư chung với tỉnh lâu nay. Đúng thành phần, đúng đối tượng nên hy vọng cuộc gặp gỡ cho đầu tư này hiệu quả. Vì có 9 chủ đầu tư hạ tầng tham gia kêu gọi đầu tư cho chính KCN của mình với các doanh nghiệp, các cơ quan có chức năng thu hút, kết nối đầu tư ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Đức… mà BQL mời. Trong đó có một số cơ quan đã ra tìm hiểu thực địa tại các KCN, CCN ở tỉnh như Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM; Hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam; Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh (JETRO)…

Du lịch biển gần với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Du lịch biển gần với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Phan Thiết

Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Phan Thiết

Theo BQL các Khu công nghiệp tỉnh, thông qua hội nghị này, ngoài giới thiệu tiềm năng cơ hội, kết nối đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã phát triển, Ban cũng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, tổ chức có chức năng xúc tiến đầu tư, doanh nghiệp nhằm khơi thông những ách tắc, những tồn tại yếu kém trên các lĩnh vực có liên quan để sẵn sàng tiếp nhận, phục vụ nhà đầu tư triển khai dự án thuận lợi nhất.

Đây cũng là sự tự tin của 1 địa phương vốn đã phát triển công nghiệp lâu nay nhưng bây giờ khi đã hội đủ yếu tố thuận lợi, nhất là tạo ra được thế “nhất cự ly” trong đi lại, vận chuyển hàng ra cảng, sân bay, Bình Thuận mới thực sự bước chân vào thị trường công nghiệp ở kề bên, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… Lúc này, với thương hiệu là nơi du lịch nổi tiếng, Bình Thuận không dừng là nơi vui chơi cho các tỉnh phát triển công nghiệp nữa, mà bước vào vận hội mới như nhiều nhà đầu tư nhận định rằng có một miền công nghiệp mới ở Bình Thuận.

Mới vì đó là nơi có giá đất cho thuê rẻ hơn nhưng lại có đầy đủ các yếu tố cần thiết cho phát triển công nghiệp. Còn nữa, có cả nơi nghỉ dưỡng vui chơi ở cự ly rất gần, phục vụ tốt cho việc tái tạo sức lao động của chuyên gia, công nhân mà không gây trở ngại cho kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Mới nữa còn vì kề bên các địa phương có tỷ lệ lấp đầy KCN hơn 80%, thu hút hàng ngàn doanh nghiệp FDI như trên nên xu hướng các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng và hệ thống nhà máy vệ tinh qua Bình Thuận là lý tưởng.

Vì các KCN đang và sẽ hình thành ở Bình Thuận có quỹ đất rộng. Ngoài ra, còn có thành khu kinh tế ven biển phía nam tỉnh nằm trên địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi với diện tích khoảng 27.000 ha. Nơi này sẽ thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn về cảng biển và dịch vụ cảng biển, năng lượng, điện khí LNG, công nghiệp chế biến, chế tạo… gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, dịch vụ hiện đại. Thế nên, đủ không gian, bảo đảm hạ tầng cho các nhà đầu tư đại bàng về làm tổ. Với quyết tâm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 trong năm 2025; riêng tại khu vực dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II và dự án Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ hoàn thành trước tháng 9/2025, lúc này đã thêm tín hiệu công nghiệp Bình Thuận vào hồi nhộn nhịp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu Huy chỉ đạo trong cuộc họp xây dựng kịch bản tăng trưởng quý II/2025, bằng nhiều biện pháp phải tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN trong tỉnh vào cuối năm 2025 là 40%. Xác định phát triển công nghiệp là chủ đạo, để tăng tỷ trọng cao hơn nữa, thành nguồn lực quyết định thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 2 con số.

Bài 1: Xung quanh chuyện lấp đầy các khu công nghiệp

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cong-nghiep-binh-thuan-den-hoi-nhon-nhip-130394.html
Zalo