Diện mạo mới, sức sống mới
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Phú Lộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhờ thế, diện mạo vùng đất ở cửa ngõ phía nam của Thừa Thiên Huế đã có nhiều thay đổi, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên.
Thay đổi từ sự đồng thuận
Từ 1 xã miền núi thuần nông khó khăn của huyện Phú Lộc, Xuân Lộc đã nỗ lực chuyển mình, hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Mới đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã rất phấn khởi khi đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc chia sẻ, nhìn lại hành trình xây dựng NTM, địa phương đã có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt không ít khó khăn. Là xã miền núi, toàn xã có 751 hộ, 3.262 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều có 166 hộ, 749 nhân khẩu. Xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn khó khăn nên việc hưởng ứng thực hiện theo các tiêu chí cũng như đóng góp đầu tư xây dựng các công trình xây dựng cơ bản còn hạn chế. Song, từ sự đồng thuận của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của các cấp, ngành, đơn vị, bức tranh kinh tế - xã hội của địa phương có nhiều “gam màu sáng".
Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm ở xã Xuân Lộc đạt từ 8 - 10%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 53,9 triệu đồng/người/năm, tăng 4 - 5 lần so với năm 2011. Hơn 10 năm qua, từ sự hỗ trợ kích cầu, đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện, sự chung tay góp sức của Nhân dân trong xã, các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn đã được bê tông hóa đạt 100%; các trục đường ở thôn, xóm được bê tông hóa, cứng hóa trên 90%; đường trục chính nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa trên 90%. Hệ thống thủy lợi do xã quản lý đã kiên cố hóa đạt 100%. “Người dân đã thay đổi, nhất là trong tư duy phát triển kinh tế. Trước đây, có tình trạng người dân đi làm rẫy về hết việc là rượu chè; tiệc tùng cưới hỏi thì đủ thứ lễ, rất tốn kém. Hiện nay, người dân đã xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, quyết chí làm ăn, tích góp xây dựng nhà cửa, cùng đóng góp xây dựng quê hương”, ông Hồ Văn Yên, Trưởng bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc cho hay.
Xuân Lộc chỉ là một trong nhiều điểm sáng về xây dựng NTM của huyện Phú Lộc. Ông Phạm Văn Đào, Phó Trưởng phòng Phụ trách phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thông tin, đến nay, toàn huyện có 10/14 xã đã có quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Điều đáng mừng là diện mạo nông thôn ở Phú Lộc đã khang trang rất nhiều, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Người dân đồng lòng cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng NTM, nổi bật là đã hiến đất để làm hơn 100 tuyến đường làng, ngõ xóm, tạo diện mạo mới đẹp hơn.
Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho biết, một tiêu chí rất khó nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân giúp cho Vinh Hưng thực hiện tốt việc xây dựng NTM nâng cao, đó là giảm nghèo bền vững. Cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 0,69%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 0%. Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã đã kêu gọi, vận động và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, từng hộ dân trên địa bàn và con em địa phương đi làm ăn xa hướng về quê hương để xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Hiện nay, trên địa bàn xã có 99% số hộ có nhà ở đạt chuẩn, không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Tiếp tục nỗ lực
Ngoài việc tập trung nguồn lực để hoàn thành chương trình xây dựng NTM ở các xã, huyện Phú Lộc xác định phải luôn đổi mới không ngừng, tiếp tục để thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng đi lên, đời sống người dân tốt hơn. Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí của giai đoạn trước, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025; chủ động rà soát xác định nội dung tiêu chí, chỉ tiêu thiếu hụt so với bộ tiêu chí mới, có giải pháp cụ thể bảo đảm duy trì đạt chuẩn bền vững.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, việc Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một động lực rất lớn để mỗi địa phương quyết tâm hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam. Huyện Phú Lộc sẽ tiếp tục tăng cường và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân trong công tác xây dựng NTM. Tập trung nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững. Huyện cũng nghiên cứu và vận dụng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn…