Điện khí - câu trả lời của châu Phi cho bài toán năng lượng
Điện khí từ khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) là câu trả lời của châu Phi trước bài toán năng lượng đang đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19.
Thời gian qua, khan hiếm nhiên liệu, nhu cầu tiêu thụ cao do thời tiết cùng nỗ lực khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng năng lượng nhiều nơi trên thế giới, rõ nét nhất là Trung Quốc và châu Âu.
Trong khi đó, việc tiếp tục sử dụng năng lượng hóa thạch để sản xuất điện không còn phù hợp với xu thế phát triển bền vững của thế giới và thời đại. Khi đại dịch Covid-19 dần được đẩy lùi, thế giới càng cảm nhận rõ nét tầm quan trọng của môi trường và sự cần thiết trong hành động bảo vệ môi trường, để nhân loại tận hưởng cuộc sống không bị dịch bệnh, biến đổi khí hậu hay thiên tai đe dọa.
Ngoài ra, trong nỗ lực hướng tới Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) cuối tháng 10/2021, nhiều quốc gia đang cố gắng tìm kiếm, bổ sung những giải pháp năng lượng sạch, thực hiện quyết liệt các cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của mình.
Những năm gần đây, nhiều quốc gia và các tập đoàn năng lượng có xu hướng giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Cùng sự thay đổi này, ngành điện trên thế giới cũng bắt đầu có những sự chuyển mình. Trong bối cảnh đó, năng lượng điện từ khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) là giải pháp tiềm năng để các quốc gia giảm phụ thuộc vào điện than thời gian tới.
Việc tiếp tục sử dụng năng lượng hóa thạch để sản xuất điện không còn phù hợp với xu thế phát triển bền vững của thế giới và thời đại.
Trữ lượng khổng lồ
Trước thách thức lớn về năng lượng, châu Phi, với trữ lượng khí tự nhiên dồi dào lên tới 22,6 nghìn tỷ m3, đang được nhiều quốc gia phát triển nói chung và cường quốc nói riêng đặc biệt quan tâm.
Thời gian gần đây, bên cạnh hai nhà xuất khẩu khí tự nhiên lớn là Nigeria và Algeria, một số quốc gia khác tại châu Phi như Mozambique, Tanzania, Senegal, Mauritania cũng được nhắc tới với trữ lượng khí tự nhiên lớn đang được các tập đoàn năng lượng đa quốc gia thăm dò, kiểm chứng
Ước tính, khí tự nhiên tại đây có thể đáp ứng 2/3 nhu cầu thế giới trong 20 năm tới. Đặc biệt, lưu vực Rovuma của Mozambique có trữ lượng 2,8 nghìn tỷ m3, đủ để cung cấp cho Đức, Anh, Pháp và Italy trong 15 năm tới.
Với nguồn tài nguyên khí tự nhiên dồi dào, châu Phi xứng đáng có điện năng giá rẻ, ổn định và điện khí LNG là bước đi đúng đắn nhằm thay đổi cuộc sống của người dân châu Phi.
Hiện khoảng 600 triệu người dân châu Phi, đặc biệt khu vực châu Phi cận Sahara, vẫn chưa thể tiếp cận điện.
Do đó, có thể thấy đây là thời điểm phù hợp để các quốc gia châu Phi bắt kịp xu thế phát triển điện khí từ LNG, bỏ qua các nguồn năng lượng của quá khứ và dứt điểm vấn nạn thiếu năng lượng tại đây.
Khai thác tiềm năng
Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ khí tự nhiên châu Phi, hướng tới sản xuất và bảo vệ môi trường, nhiều tập đoàn năng lượng châu Âu đã tận dụng cơ hội khi triển khai và sẽ vận hành một số dự án sản xuất LNG vài năm tới.
Tại Mozambique, từ năm 2019, tập đoàn Total (Pháp) đã đầu tư 20 tỷ USD vào các dự án sản xuất LNG tại Bắc Mozambique và sẽ đi vào sản xuất thương mại hóa năm 2024.
Với vị trí địa lý hướng ra Ấn Độ Dương, các dự án này có thể đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn như EU, Ấn Độ, Trung Quốc, châu Á-Thái Bình Dương, cũng như nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực Trung Đông.
Nếu khai thác hiệu quả, Mozambique có thể trở thành một quốc gia xuất khẩu khí LNG hàng đầu trên thế giới.
Tại Nam Phi, tập đoàn Total cũng phát hiện mỏ khí Brulpadda ngoài khơi quốc gia này 175 km. Hiện Nam Phi chủ yếu nhập khẩu khí từ Mozambique qua đường ống để đảm bảo hoàn thành kế hoạch chuyển đổi điện quốc gia. Một công ty địa phương đang xây dựng các nhà máy sản xuất khí LNG quy mô nhỏ, hướng tới phát triển từ 12 đến 18 trạm nạp toàn quốc.
Tập đoàn Shell và Total cũng triển khai hợp tác sản xuất khí LNG trên đảo Bonny, thuộc đồng bằng Nigeria, với dự án Train 7 trị giá 4 tỷ USD.
Tại biên giới ngoài khơi của Senegal và Mauritania, dự án LNG ngoài khơi Greater Tortue Ahmeyim (GTA) do BP và Kosmos Energy cùng phát triển dự kiến sẽ sản xuất khối khí đốt đầu tiên vào năm 2023.
Tại Angola, tập đoàn Chevron, Eni, Total, BP cũng dự kiến triển khai dự án LNG tích hợp trị giá 12 tỷ USD ở Soyo, tỉnh Zaire, gần sông Congo.
Bên cạnh các dự án tiềm năng trong tương lai, cải thiện tiếp cận điện năng cũng là những mục tiêu cấp bách.
Ghana được đánh giá sẽ hoàn thành mục tiêu cấp điện toàn quốc tới năm 2030. Tại đây, dự án cảng tái hóa khí tự nhiên Tema LNG trị giá 350 triệu USD đã hoạt động từ tháng 5/2021. Hiện cảng có thể nhập khẩu, tái hóa khí và phân phối 3,4 triệu tấn LNG/ngày.
Với cảng tái hóa khí LNG và nhà máy điện khí LNG đầu tiên của châu Phi, Ghana đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại châu lục. Đến năm 2025, khu vực châu Phi cận Sahara sẽ có ít nhất 4 cảng phân phối LNG trên bờ và 3 cảng ngoài khơi.
Khí tự nhiên có thể giúp tăng cường an ninh năng lượng, giảm nghèo năng lượng và tạo điều kiện chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu sạch hơn.
Trong tương lai, khi công nghệ hydro xanh phát triển và trở nên cạnh tranh hơn, các cơ sở hạ tầng sản xuất LNG có lợi thế về chi phí và dễ dàng chuyển đổi thành các nhà máy năng lượng hydro.
Đây cũng là tiền đề đáp ứng nhu cầu điện hiện tại của châu Phi, chuyển sang nguồn năng lượng sạch và tái tạo để châu Phi và đặc biệt là khu vực cận Sahara phát triển bền vững.
Ngoài ra, năng lượng điện từ nguồn LNG dồi dào sẽ tạo cơ hội để châu Phi và tiểu khu vực đẩy nhanh công nghiệp hóa và thương mại song phương, sớm đạt nhiều mục tiêu kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh lương thực, tăng việc làm, giảm đói nghèo, tạo động lực và duy trì tăng trưởng bền vững.