Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025: Đoàn kết, bao trùm và tự cường giữa 'mênh mông biến động' sẽ tạo nên giá trị thương hiệu của ASEAN
'Diễn đàn Tương lai ASEAN sẽ dần dần tạo ra dấu ấn, thương hiệu, được củng cố, định hình và phát huy. Chỉ khi đó, mới có thể khẳng định rằng chúng ta đã hình thành một Shangri-La, Munich hay Nikkei của ASEAN', ông Trịnh Minh Mạnh, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao chia sẻ với TG&VN bên lề họp báo quốc tế về Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 chiều ngày 13/2 tại Hà Nội.
![Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 đã tạo được tiếng vang và sự đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế, trong và ngoài ASEAN.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_194_51477385/672c9795a5db4c8515ca.jpg)
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 đã tạo được tiếng vang và sự đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế, trong và ngoài ASEAN.
Ông đánh giá như thế nào về sự lan tỏa của Diễn đàn Tương lai ASEAN sau chỉ một năm, thu hút tham dự của lãnh đạo cấp cao trong ASEAN, các đối tác của ASEAN; các quan chức cấp cao, chuyên gia học giả hàng đầu khu vực và thế giới?
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 lần đầu tiên được tổ chức đã đạt được thành công nhất định, tạo được tiếng vang và nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế, trong và ngoài ASEAN.
Đến năm nay, sự lan tỏa và giá trị của Diễn đàn tiếp tục được nhân lên, thể hiện rằng Việt Nam đã tìm ra sáng kiến đáp ứng được quan tâm chung của tất cả các nước. Diễn đàn Tương lai ASEAN là do một quốc gia ASEAN khởi xướng, nói về tương lai của chính khu vực, đây là sáng kiến lần đầu tiên của một quốc gia ASEAN, được đưa ra trong một thời điểm mà các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài.
![Ông Trịnh Minh Mạnh, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao trả lời phỏng vấn TG&VN. (Ảnh: Thành Long)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_194_51477385/0374f2cdc08329dd7092.jpg)
Ông Trịnh Minh Mạnh, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao trả lời phỏng vấn TG&VN. (Ảnh: Thành Long)
Có thể nói, đây là diễn đàn để các nước chia sẻ tiếng nói, không chỉ từ các quan chức mà còn từ các học giả, trao đổi về những thách thức và vấn đề mà ASEAN đang phải đối mặt, nhằm tìm ra phương hướng cho ASEAN trong tương lai.
Để đáp ứng tốt nhất lợi ích của ASEAN trong một thế giới đầy biến động, có lẽ chúng ta đã tìm được tiếng nói chung và sáng kiến thể hiện quan tâm, nguyện vọng chung của các nước cũng như của khu vực. Đó là nguyên nhân chính tạo ra sự lan tỏa và giá trị của Diễn đàn.
Năm nay, dự kiến đến thời điểm này, có ba lãnh đạo cấp cao đã khẳng định tham dự, đó là Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Malaysia – Chủ tịch ASEAN 2025, Tổng thống Timor Leste. Ngoài ra, còn có Phó Thủ tướng Lào, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia cùng nhiều bộ trưởng và các thứ trưởng.
Mức độ tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 cho thấy sức hấp dẫn của Diễn đàn, sự hưởng ứng của các nước đối tác cũng như đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy các trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan trực tiếp đến tương lai và lợi ích của ASEAN. Sự tham dự đó là một thành công và một dấu ấn cho Diễn đàn năm nay.
Chương trình nghị sự của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 trải rộng trên nhiều vấn đề từ chính trị, an ninh đến kinh tế, hợp tác tiểu vùng bên cạnh không ít điểm nhấn như trao đổi về công nghệ mới nổi... Chương trình nghị sự tham vọng như vậy phản ánh ra sao năng lực bao quát của chủ nhà Việt Nam, thưa ông?
Đúng như vậy, các chủ đề, nội dung và vấn đề mà Diễn đàn đưa ra để hội nghị trao đổi có nội hàm rất rộng. Điều này cho thấy những vấn đề mà ASEAN đang phải đối mặt, những vấn đề quan trọng đối với tương lai của ASEAN là rất nhiều, từ chính trị, an ninh đến những xu hướng lớn, những đại xu thế cả về địa chính trị và địa kinh tế.
Những vấn đề này tác động đến tất cả các nước, nhất là các nước vừa và nhỏ, trong đó có ASEAN. Kinh tế thế giới hiện nay đang trong quá trình chuyển động, bị tác động bởi nhiều yếu tố, không chỉ là cạnh tranh giữa các nước lớn mà còn là quá trình định hình lại luật chơi và sự cạnh tranh của các cường quốc kinh tế.
Điều này đặt ra nhiều thách thức với ASEAN, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà cả các vấn đề về văn hóa-xã hội cũng như xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh.
![Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng và Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Trịnh Minh Mạnh chủ trì họp báo Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 - AFF 2025 chiều ngày 13/2 tại Hà Nội. (Ảnh: Anh Sơn)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_194_51477385/328cc535f77b1e25476a.jpg)
Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng và Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Trịnh Minh Mạnh chủ trì họp báo Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 - AFF 2025 chiều ngày 13/2 tại Hà Nội. (Ảnh: Anh Sơn)
Đặc biệt, vấn đề công nghệ cũng đang là một bài toán lớn với các cuộc chiến giữa các nước lớn trên các lĩnh vực như công nghệ lượng tử hay trí tuệ nhân tạo. ASEAN cần tận dụng cơ hội từ những biến đổi đó cũng như tìm ra giải pháp để hóa giải thách thức đi kèm. Mặc dù phạm trù thảo luận của Diễn đàn năm nay rất rộng nhưng vẫn có điểm nhấn, nhất là các phiên thảo luận liên quan đến công nghệ.
Việc xây dựng chương trình cho Diễn đàn năm nay là một quá trình tham khảo các chủ đề của các hội nghị trong khu vực, quan tâm của Chủ tịch ASEAN 2025, từ đó, Việt Nam tìm ra những quan tâm chung và những điểm cần phải trao đổi, đưa vào chương trình nghị sự của Diễn đàn Tương lai ASEAN lần này.
Theo ông, nội hàm cũng như thông điệp "đoàn kết, bao trùm và tự cường" mà Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 hướng đến là gì, trong bối cảnh quốc tế biến động như hiện nay?
Diễn đàn năm nay có chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”. Những tính từ “đoàn kết, bao trùm và tự cường” chính là những mục tiêu và giá trị mà ASEAN cần phải duy trì. Đây là lời giải đáp để ASEAN ứng phó với những thách thức đã đặt ra trong bối cảnh thế giới biến động, phân mảnh như hiện nay.
Dù trong hoàn cảnh nào, ASEAN phải luôn luôn đoàn kết, đó là giá trị cốt lõi của ASEAN. Khi bên ngoài càng khó khăn, bên trong càng cần đoàn kết. Đoàn kết là điều kiện tiên quyết để tìm ra tiếng nói chung trong việc ứng phó với các thách thức.
Một trong những cách ứng xử của ASEAN là không chọn bên. ASEAN có tiếng nói trung lập, độc lập và tự cường, có nghĩa là tự mình đưa ra quyết định và xác định đường hướng phát triển mà không chịu tác động từ các nước bên ngoài. Sự tự cường như vậy, cùng với đoàn kết và bao trùm sẽ làm nên giá trị của ASEAN. Bao trùm ở đây là mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực, cho tất cả người dân trong các quốc gia của ASEAN.
Bao trùm cũng có nghĩa là ASEAN là đối tác của tất cả các nước, tạo ra sân chơi, cầu nối giữa các quốc gia thông qua các diễn đàn do ASEAN khởi xướng như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các nước đối tác(ADMM+), qua đó, các quốc gia dù có cạnh tranh nhau, đều có thể ngồi lại, cùng với ASEAN tìm ra tiếng nói chung thông qua đối thoại và hợp tác. Đó là giá trị mà ASEAN cần phát huy để duy trì sự phù hợp và vai trò trung tâm trong tương lai.
Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể được xem là một điển hình trong việc Việt Nam chủ động, tích cực hơn trong việc xây dựng cũng như phát triển Cộng đồng ASEAN. Ông đánh giá ra sao về những bước trưởng thành của ASEAN trong 30 năm qua?
30 năm tham gia ASEAN của Việt Nam là một hành trình trưởng thành, phát triển của đất nước về ngoại giao đa phương cũng như hội nhập khu vực và quốc tế.
Có thể nói, ASEAN chính là “mảnh đất”, diễn đàn mà Việt Nam đã bước những bước đi chập chững ban đầu trong hội nhập khu vực và quốc tế. Từ những bước đi ban đầu, chúng ta đã dần dần làm quen, trưởng thành hơn, tham gia một cách chủ động hơn.
Giờ đây, Việt Nam đang tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đồng thời đưa ra những sáng kiến để góp phần định hình tương lai của ASEAN. Những bước đi đó thể hiện sự trưởng thành của Việt Nam trong 30 năm là một phần của Hiệp hội.
Tất nhiên, trong quá trình tham gia ASEAN, ASEAN cũng mang lại những lợi ích to lớn và quan trọng đối với Việt Nam. Lúc này, Việt Nam không chỉ hưởng lợi từ quá trình tham gia mà còn có sự đóng góp vào lợi ích chung thông qua các sáng kiến, ý tưởng như Diễn đàn ASEAN. Trong quá trình tham gia ASEAN, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến khác nhau, nhưng Diễn đàn Tương lai ASEAN là mới nhất, mang dấu ấn rõ rệt, thể hiện sự kịp thời, phù hợp, sự nhạy bén của Việt Nam trong việc đề xuất tư duy, ý tưởng và nhận được sự hưởng ứng đông đảo.
Từ khi ấp ủ về Diễn đàn Tương lai ASEAN, chúng ta đã nhen nhóm hy vọng về một thương hiệu như Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Munich hay Nikkei. Sau thành công của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 và thành công bước đầu của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, hy vọng của chúng ta đang ngày một gần hơn?
Tôi kỳ vọng Diễn đàn Tương lai ASEAN sẽ có được thương hiệu như Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Munich hay Nikkei. Năm thứ hai của Diễn đàn tương lai ASEAN đã có những dấu hiệu cho thấy sự quan tâm rất cao của các bạn bè quốc tế, khu vực, và lãnh đạo của ASEAN.
Hy vọng, thêm một thời gian nữa, Diễn đàn Tương lai ASEAN sẽ dần dần tạo ra dấu ấn, thương hiệu, được củng cố, định hình và phát huy. Chỉ khi đó, mới có thể khẳng định rằng chúng ta đã hình thành một Shangri-La, Munich hay Nikkei của ASEAN. Diễn đàn Tương lai ASEAN là diễn đàn duy nhất của ASEAN, do ASEAN và vì ASEAN, nên tôi nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục phát triển và có nhiều triển vọng trong tương lai.
Qua hai năm tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN, Học viện Ngoại giao đã tham gia, đóng vai trò chủ trì tổ chức cùng với các cơ quan trong Bộ Ngoại giao, Bộ ngành với sự chỉ đạo rất sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Học viện Ngoại giao có kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế. Ngoài Diễn đàn Tương lai ASEAN, Học viện còn tổ chức Đối thoại Biển Đông thường niên và các hội nghị quốc tế khác trong quá trình trao đổi học thuật và tham gia các diễn đàn quốc tế khác nhau.
Trân trọng cảm ơn ông!