Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025: Để các quốc gia đều có thể cất lên tiếng nói, được lắng nghe
Đại diện thường trú Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam Florian Feyerabend trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025.

Đại diện thường trú Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam Florian Feyerabend. (Ảnh: Thành Long)
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngày 26-26/2 sắp tới với chủ đề "Xây dựng một ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động". Xin ông chia sẻ thêm về ý nghĩa của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, cũng như chủ đề này?
Trước hết, tôi xin chúc mừng Học viện Ngoại giao mà rộng hơn là Bộ Ngoại giao vì đã có một sáng kiến vô cùng thiết thực và ý nghĩa. Đây là lần thứ hai Diễn đàn Tương lai ASEAN được tổ chức.
Vào năm 2024, Diễn đàn lần đầu tiên tổ chức và gây được tiếng vang lớn, thậm chí còn được đề cập trong tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, trở thành một phần của đối thoại ASEAN.
Năm nay, Diễn đàn Tương lai ASEAN chứng kiến nhiều sự tham gia hơn từ các đối tác bên ngoài ASEAN, phản ánh ba khía cạnh: Đoàn kết, bao trùm và tự cường. Cả ba yếu tố này đều vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay bởi chúng ta đang ở trong một bước ngoặt lịch sử và chứng kiến sự phân mảnh của bối cảnh quốc tế. Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang thay đổi, chúng ta không biết ngày mai sẽ như thế nào song có thể chắc chắn rằng thế giới đã và đang biến đổi.
Về khía cạnh đoàn kết, là một người đến từ KAS - tổ chức tham vấn về các vấn đề liên quan đến chính sách an ninh đối ngoại của Đức, tôi cho rằng, chúng ta cần phải đoàn kết để trở nên mạnh mẽ, để tiếng nói được lắng nghe và đạt được mức độ tự chủ chiến lược nhất định. Vì vậy, đây là một mục tiêu đầy tham vọng đối với ASEAN và chúng tôi hy vọng có thể đóng góp vào khía cạnh đoàn kết thông qua Diễn đàn này.
Về tính bao trùm, nghĩa là mọi quốc gia thành viên ASEAN đều có thể cất tiếng nói, dù là quốc gia nhỏ hay lớn cũng cần được lắng nghe. Tuy nhiên, điều này không chỉ giới hạn trong khuôn khổ ASEAN. Nếu nhìn vào những bên tham dự diễn đàn năm nay và cả các cơ chế đối thoại khác của khối, có thể thấy ASEAN luôn coi trọng việc mời gọi các đối tác bên ngoài cùng tham gia. Đây cũng là một góc nhìn quan trọng về tính bao trùm: Đảm bảo rằng tất cả các nước thành viên được lắng nghe, đồng thời đưa cả những quốc gia không thuộc ASEAN vào đối thoại. Ngoài ra, trong nội bộ ASEAN, không chỉ có tiếng nói của chính phủ (kênh 1) mà cả những bên liên quan khác (kênh 1.5) cũng cần được tôn trọng và lắng nghe. Với đối thoại kênh 1.5, Diễn đàn Tương lai ASEAN thực sự là một nền tảng tốt để có thể đáp ứng những tiêu chuẩn đó.
Cuối cùng là tự cường - yếu tố quan trọng trong thời kỳ đầy rầy biến động hiện nay. Tôi nghĩ rằng với Diễn đàn Tương lai ASEAN và các phiên thảo luận năm nay, chúng ta có thể đóng góp vào các cuộc đối thoại về công nghệ tương lai. Chúng ta sẽ bàn về trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, những chủ đề này sẽ vô cùng quan trọng đối với khả năng tự cường của ASEAN trong tương lai. Có thể nói, Diễn đàn năm nay không chỉ đề cập các vấn đề an ninh phi truyền thống mà còn đưa đến góc nhìn về những chủ đề mang tính xu thế và tất yếu.
Chính vì vậy, tôi cho rằng Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 bao quát cả ba khía cạnh: Đoàn kết, bao trùm và tự cường.
Ông nhận định như thế nào về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc định hình cấu trúc khu vực, cũng như triển vọng hợp tác giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) trong duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển bền vững, không chỉ với khu vực Đông Nam Á mà còn trên phạm vi toàn cầu?
Theo tôi, vai trò trung tâm của ASEAN là yếu tố cốt lõi. ASEAN có phương thức hợp tác riêng, không đứng về phía nào, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
ASEAN hoạt động dựa trên bốn nguyên tắc cốt lõi của chung sống hòa bình. Bên cạnh đó, "Phương thức ASEAN" (ASEAN Way) là một thuật ngữ phổ biến để mô tả cách tổ chức xử lý các thách thức nội bộ cũng như cân bằng mối quan hệ với bên ngoài.
Tôi tin rằng sức mạnh lớn nhất của ASEAN là khả năng quy tụ các bên liên quan, mời gọi những đối tác bên ngoài khu vực cùng thảo luận về những thách thức chung. Đây cũng chính là vai trò chủ chốt của ASEAN.
Thưa ông, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 là một phần trong nỗ lực của Việt Nam và các quốc gia ASEAN nhằm tạo ra một nền tảng để trao đổi ý tưởng và tìm kiếm giải pháp cho những thách thức toàn cầu hiện nay. Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong ASEAN với tư cách thành viên chính thức trong suốt 30 năm qua?
Tôi nghĩ năm 2025 là một năm khá quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam đang nhìn lại 30 năm là thành viên của ASEAN. Vào năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, đây là cột mốc khởi đầu cho quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước.
Vì vậy, có thể nói, ASEAN là điểm xuất phát để chúng ta thấy Việt Nam như ngày hôm nay - một quốc gia hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia hơn 17 hiệp định thương mại tự do cùng 2 hiệp định đang đàm phán, là một quốc gia chủ động, có trách nhiệm trên trường quốc tế. ASEAN chính là nền tảng cho điều đó.
Nếu nhìn lại ba thập kỷ qua, tôi có thể nói rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Nhìn lại năm 2010, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta có thể thấy sự mở rộng của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), trong đó tính bao trùm đã được nhấn mạnh. Những vấn đề liên quan đến Mỹ và Nga cũng được đưa vào bàn thảo luận - điều này là nhờ nỗ lực của Việt Nam.
Tương tự với các vấn đề an ninh trong khu vực. Năm 2010 cũng là thời điểm Việt Nam đóng vai trò tiên phong trong việc mở rộng Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN thành ADMM và sau đó là ADMM+. Đây chính là một "di sản" quan trọng trong vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại ASEAN và tôi nghĩ điều này đáng được ghi nhận.
Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN thứ hai của Việt Nam diễn ra trong hoàn cảnh rất khó khăn, đó là vào năm 2020, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu chưa từng có. Một lần nữa, Việt Nam có những bước đi quan trọng nhằm củng cố sự gắn kết và đoàn kết của ASEAN, không chỉ gói gọn trong các nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19 mà còn xây dựng Cộng đồng ASEAN tại một hoàn cảnh đầy thách thức.
Vì vậy, tôi đánh giá cao và chúc mừng Việt Nam về những thành tựu đó. Và tôi tin rằng với Diễn đàn Tương lai ASEAN sắp tới, Việt Nam đang tiếp tục đóng góp vào đối thoại về tương lai của khu vực, rà soát, điều chỉnh và cải thiện các cơ chế hiện có.
Ông có thể chia sẻ thêm về những kế hoạch hợp tác sắp tới giữa Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) với các quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mới? Đồng thời, thông qua những sáng kiến này, ông muốn gửi gắm thông điệp gì về vai trò của KAS trong việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác phát triển và tăng cường mối quan hệ giữa ASEAN và EU trong giai đoạn tới?
Quỹ KAS là một tổ chức chính trị thuộc đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của Đức. Trong khu vực ASEAN, chúng tôi hiện diện tại hầu hết các quốc gia.
Tại Việt Nam, chúng tôi vô cùng tự hào khi trở thành đối tác và nhà tài trợ của Diễn đàn Tương lai ASEAN ngay từ lần tổ chức đầu tiên. Điều này xuất phát từ mối quan hệ hợp tác lâu dài sâu sắc và chiến lược giữa chúng tôi với Học viện Ngoại giao. Khi Học viện đưa ra ý tưởng tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN, họ đã tìm đến và mời chúng tôi tham gia. KAS cũng vô cùng vinh hạnh khi được đồng hành cùng Diễn đàn.
Ngoài ra, tại Việt Nam, chúng tôi còn được biết đến với sự hỗ trợ dành cho Hội thảo quốc tế về Biển Đông - một sáng kiến quan trọng khác của Việt Nam nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến lĩnh vực an ninh hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi cũng phối kết hợp với Học viện Ngoại giao nhằm triển khai chuỗi sự kiện thường niên như: Diễn đàn quốc tế về Mekong, Diễn đàn nghiên cứu quốc tế về Trung Quốc, Đối thoại Biển...
Ở phạm vi khu vực, các văn phòng đại diện của KAS đang triển khai nhiều chương trình liên quan đến ASEAN. KAS không chỉ hỗ trợ Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Việt Nam mà còn tài trợ cho Diễn đàn châu Á-Thái Bình Dương tổ chức hàng năm tại Kuala Lumpur (Malaysia). Chúng tôi cũng là đối tác của Diễn đàn ASEAN do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức tại Singapore.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng tôi có một mạng lưới các chuyên gia trẻ từ cả châu Âu và Đông Nam Á, cùng làm việc về những thách thức và cơ hội cho cả EU và ASEAN. Đó là mạng lưới Think tank E-Engage. Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng là đối tác và đã góp phần xây dựng mạng lưới này.
Đây là ba điểm nổi bật trong hợp tác của chúng tôi với ASEAN trong khu vực rộng lớn hơn.
Về hợp tác giữa ASEAN-EU, vào năm 2020, EU chính thức trở thành đối tác chiến lược của khu vực. Và năm 2025 này cũng đánh dấu 10 năm kể từ khi EU thành lập phái bộ chính thức với Đại sứ EU tại ASEAN, minh chứng cho quan hệ thể chế bền chặt giữa hai khối.
Đặc biệt, nếu có một công thức dễ nhớ về mối quan hệ giữa ASEAN và EU, tôi sẽ sử dụng mô hình 3-3-3-2: ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU. Ngược lại, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN. EU là nhà đầu tư lớn thứ ba vào ASEAN. Và cuối cùng, EU là đối tác phát triển và nhà tài trợ lớn thứ hai của khu vực ASEAN.
Theo tôi, công thức 3-3-3-2 này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ giữa EU với Việt Nam và rộng hơn là ASEAN.