Hiểu thế nào về tồn dư chất vàng O và Cadimi trong sầu riêng?
Tồn dư chất vàng O và Cadimi khiến sầu riêng hẹp đường xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang khẩn trương chỉ đạo xiết lại quy trình trồng trọt và bảo quản, tăng chất lượng cho sầu riêng.
Vàng O là chất gì khiến xuất khẩu sầu riêng sụt giảm?
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 130 triệu USD, sụt 74% so với cùng kỳ do Trung Quốc - thị trường chính - giảm mua. Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp tại Đăk Lăk, Tiền Giang từng xuất hàng nghìn container sang thị trường tỷ dân này, hiện chưa xuất được lô nào, dù kênh chính ngạch vẫn mở cửa.
Từ đầu năm 2025, phía Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các lô sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam phải có chứng nhận không chứa chất vàng O (auramine O) và nhiễm chì, cadimi. Để đạt được tiêu chí này, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng phải mang mẫu tới các phòng kiểm nghiệm do phía Trung Quốc chỉ định. Dù đã được công nhận đạt tiêu chuẩn từ các phòng kiểm nghiệm nhưng khi lên đến cửa khẩu, các lô hàng vẫn bị kiểm tra lại. Trên thực tế có nhiều lô sầu riêng đã bị từ chối thông quan do không đáp ứng tiêu chuẩn do phía Trung Quốc đặt ra.

Sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu đem lại giá trị cao.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, vàng O là một loại chất độc, thường được sử dụng để bảo quản hoặc tạo màu cho thực phẩm, đặc biệt được sử dụng nhiều để làm chín "ép" sầu riêng, đồng bộ độ chín. Loại chất này bị cấm dùng trong thực phẩm vì gây độc. Việc sử dụng chất vàng O lâu ngày sẽ gây suy yếu các cơ quan nội tạng, phát triển các tế bào ung thư, tàn phá sức khỏe.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), Auramine O được xếp vào nhóm 2B (có thể gây ung thư ở người). Chất này có khả năng gây đột biến gene và tổn thương DNA, thường được sử dụng trong công nghiệp nhuộm nhưng có nguy cơ độc hại cao.
Một chuyên gia trong ngành bảo vệ thực vật cho biết hóa chất vàng O (chất Auramine, dạng huỳnh quang, hạt mạ vàng dễ tan trong nước và cồn) là một chất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Đây là chất dùng để tạo màu trong công nghiệp, không được sử dụng làm, chế biến thực phẩm, không phải thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng cho mục đích bảo vệ thực vật. đối với sầu riêng, chất vàng O thường được sử dụng để có mẫu mã đẹp, bắt mắt.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, việc Trung Quốc yêu cầu các lô hàng sầu riêng xuất khẩu phải có giấy kiểm định chất vàng O là yêu cầu của thị trường nhập khẩu và Việt Nam phải tuân thủ.
Theo ông Tiến, hiện nay diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam khoảng 169.000ha (vượt hơn 2 lần định hướng quy hoạch đến năm 2030 - khoảng 65.000-75.000ha), tỉ lệ sầu riêng cho thu hoạch tương đối cao.
"Trong quá trình xuất khẩu thì đa số những nhà vườn, cơ sở đóng gói, những chuyến hàng sầu riêng Việt Nam đều được khẳng định rất tốt, chất lượng cao. Nhưng trong quá trình bước đầu xuất khẩu thì cũng sẽ có những cơ sở, doanh nghiệp, những khu vực trồng và cơ sở đóng gói có những trường hợp chệch choạc nhất định, Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật cùng với các địa phương rà soát, chấn chỉnh một cách nghiêm túc để làm sao vừa có quy mô lớn, vừa tỉ suất hàng hóa cao, vừa giá cả đảm bảo", ông Tiến nói.
Chất vàng O có tên hóa học là Auramine O, công thức hóa học là C17H21N3. Auramine O còn được gọi là chất cơ bản vàng 2 là một loại thuốc nhuộm diarylmethane. Ở dạng tinh khiết, Auramine O có tinh thể màu vàng kim. Rất dễ tan trong nước và trong ethanol.
Auramine O được dùng trong nhuộm vải, giấy, quét tường. Không có khuyến cáo hay được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Tổ chức Ung thư thế giới IARC đã xếp Auramine O vào hàng gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao.
Canh tác đúng để loại bỏ Cadimi trong sầu riêng
Ngoài chất vàng O, tình trạng tồn dư Cadimi cũng khiến sầu riêng hẹp đường xuất khẩu. Đại diện Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật - Bộ Nông Nghiệp và Môi trường cho biết, đến hiện tại, có thể khẳng định rằng cadimi (Cd) có mặt trong nhiều loại đất. Tuy nhiên, hàm lượng thay đổi tùy theo từng khu vực – có nơi cao, nơi thấp, do nhiều yếu tố khác nhau chi phối. Đây cũng chính là nguyên nhân cadimi có trong sầu riêng - đến từ đất.
Nguồn cadimi trong đất chủ yếu đến từ hai nguyên nhân chính: Tự nhiên và quá trình canh tác. Trừ những vùng bị ô nhiễm do hoạt động công nghiệp, hàm lượng cadimi từ tự nhiên thường rất thấp, nguy cơ gây ảnh hưởng không cao. Tuy nhiên, cadimi trong trái cây vượt ngưỡng cho phép thường bắt nguồn từ hoạt động canh tác không phù hợp, đặc biệt là việc lạm dụng phân bón.
Trước thực trạng tồn dư Cadimi, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết cơ quan chuyên môn đã triển khai nghiên cứu, đánh giá và phối hợp địa phương xây dựng giải pháp ngắn và dài hạn.
Trước mắt, Cục này ưu tiên cải tạo đất để giảm khả năng hấp thu Cadimi, gồm: nâng pH bằng vôi hoặc chất cải tạo phù hợp, dùng chất kết tủa hoặc hấp thụ kim loại nặng, trồng cây hấp thu Cadimi như biện pháp sinh học tạm thời. Đồng thời,cơ quan quản lý khuyến khích người dân trồng cây ngắn ngày có sinh khối cao để phục hồi đất, hạn chế canh tác chính thức trong giai đoạn nhạy cảm.
Về lâu dài, cốt lõi là thay đổi thói quen dùng phân bón chưa hợp lý, tăng cường tập huấn kỹ thuật để nông dân sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, hạn chế tích tụ chất gây hại,...
TS Nguyễn Đăng Nghĩa chuyên gia nông nghiệp cho biết nhóm nghiên cứu của ông đang thử nghiệm xử lý đất nhiễm Cadimi tại Cai Lậy, Đăk Song, Gia Nghĩa. Nhóm của ông sử dụng các chất hấp thụ Cadimi, kiểm soát quy trình canh tác và sử dụng phân bón. Kết quả kiểm tra sẽ là căn cứ chứng minh khả năng làm sạch đất và đáp ứng tiêu chuẩn Trung Quốc.
"Việc xử lý cadimi tại những vùng đất xác định có nguy cơ cao không thể thực hiện mà có hiệu quả tức thì. Đây là quá trình đòi hỏi phải có thời gian, cần phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ, từ cải tạo lý hóa đất đến sử dụng cây trồng hấp thu kim loại nặng. Trong một số trường hợp, nhà vườn cần mạnh dạn tạm dừng canh tác thương phẩm một vụ để tập trung vào khôi phục nền đất tại những vùng được địa phương xác định là có nguy cơ cao", đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam hành động nhanh và dứt khoát, Trung Quốc có thể mở "làn xanh", kéo dài giờ làm và bố trí nhân lực túc trực 24/7, giúp hàng Việt được rút ngắn thời gian thông quan tương tự như Thái Lan. Đặc biệt, sầu riêng Việt phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là dòng Ri6 và Monthong. Ngoài ra, Việt Nam gần biên giới Trung Quốc, nguồn cung linh hoạt, chi phí vận chuyển thấp nên giá bán sẽ cạnh tranh nhất trong khu vực. Trung Quốc đánh giá Việt Nam có thể duy trì nguồn cung lớn trong thời gian dài nếu kiểm soát tốt vùng trồng và chất lượng.