Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế sáng 18/7

Đồng USD hướng đến tuần tăng giá thứ hai liên tiếp so với các đồng tiền chủ chốt khác, chỉ số Nikkei 225 giảm điểm hay vàng giữ giá, giao dịch quanh mức thấp nhất trong tuần tại 3.335 USD/oz... là một số diễn biến tài chính tiền tệ quốc tế đáng chú ý trong sáng 18/7.

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế

Thị trường ngoại hối

Đồng USD hướng đến tuần tăng giá thứ hai liên tiếp so với các đồng tiền chủ chốt khác, sau khi các số liệu kinh tế của Mỹ được công bố tích cực, củng cố quan điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất.

Yên Nhật tiếp tục giảm giá trước thềm cuộc bầu cử thượng viện vào Chủ nhật tại Nhật Bản, khi các cuộc thăm dò cho thấy liên minh cầm quyền có nguy cơ mất thế chiếm đa số - một diễn biến có thể gây ra sự bất ổn về chính sách và làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ.

Bitcoin dao động ngay dưới ngưỡng 120.000 USD, sau khi đã chạm mức đỉnh mọi thời đại 123.153,22 USD trong tuần này, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tạo khung pháp lý cho các đồng stablecoin (là một loại tiền điện tử được thiết kế để duy trì giá trị ổn định bằng cách neo giá trị của nó vào một tài sản ổn định khác, thường là tiền pháp định như Đô la Mỹ, hoặc một tài sản khác như vàng, hoặc thậm chí một loại tiền điện tử khác) được bảo chứng bằng đồng USD.

Chỉ số USD Index, đo lường sức mạnh của bạc xanh so với sáu đồng tiền hàng đầu khác, giữ ổn định ở mức 98,456. Chỉ số này đang trên đà ghi nhận mức tăng 0,64% trong tuần, tiếp nối đà tăng 0,91% của tuần trước.

Vào thứ Năm, chỉ số USD Index đã leo lên mức 98,951, cao nhất kể từ ngày 23/6, sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ tháng 6 phục hồi mạnh hơn dự kiến và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng vào tuần trước. Đầu tuần, một báo cáo khác cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng, cho thấy thuế quan đã bắt đầu tác động đến lạm phát.

Các nhà giao dịch hiện đang dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 45 điểm cơ bản trong phần còn lại của năm, giảm so với mức gần 50 điểm cơ bản vào đầu tuần.

Mặc dù vậy, chỉ số USD Index vẫn thấp hơn 9,3% so với đầu năm, sau đợt bán tháo mạnh vào tháng 3 và tháng 4 khi các chính sách thương mại thất thường của Tổng thống Donald Trump làm suy yếu niềm tin vào tài sản của Mỹ, khiến đồng USD, trái phiếu chính phủ Mỹ và chứng khoán Phố Wall đều suy yếu.

Tuy nhiên, các bất ổn vẫn bao trùm đồng USD do những lo ngại về chính sách tài khóa từ dự luật chi tiêu và cắt giảm thuế khổng lồ của ông Trump, cũng như những chỉ trích không ngừng của Tổng thống Mỹ nhắm vào Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không cắt giảm lãi suất.

"Đồng USD vẫn có nguy cơ giảm giá nếu những lo ngại về chính sách của Mỹ tiếp tục làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư vào các tài sản bằng USD", các chuyên gia phân tích của Commonwealth Bank of Australia cho biết, đồng thời nhận định việc đồng USD giảm giá vào đầu tuần này do đồn đoán ông Trump có ý định sa thải ông Powell "là một minh chứng rõ ràng".

Đồng USD đã sụt giảm vào thứ Tư sau một báo cáo của Bloomberg cho rằng ông Trump đang lên kế hoạch sớm sa thải ông Powell, trước khi thu hẹp đà giảm sau khi ông Trump phủ nhận tin tức này. Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng lãi suất nên ở mức 1% hoặc thấp hơn, so với biên độ 4,25% - 4,5% hiện tại.

Đồng USD giữ ổn định ở mức 148,60 yên Nhật, không xa mức cao nhất trong 3,5 tháng là 149,19 đạt được hôm thứ Tư, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy liên minh cầm quyền của Nhật Bản sẽ không giữ được thế đa số. Điều này có khả năng mang lại nhiều quyền lực hơn cho các đảng đối lập, vốn ủng hộ việc cắt giảm thuế tiêu dùng để giảm bớt gánh nặng cho cử tri trước tình hình giá cả gia tăng. Trong tuần qua, đồng USD đã tăng 0,73% so với đồng tiền Nhật Bản.

Nhật Bản, quốc gia ban đầu được Nhà Trắng dự đoán là một trong những nước đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại, đã rơi vào bế tắc với Washington về các vấn đề nhạy cảm chính trị liên quan đến thuế ô tô và nông sản. Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Nhật Bản, Ryosei Akazawa, đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick vào thứ Năm, khi Tokyo đang chạy đua để tránh mức thuế 25% có thể gây thiệt hại lớn, dự kiến có hiệu lực sau hạn chót ngày 1/8.

Euro tăng 0,25% lên 1,1626 USD, phục hồi từ mức thấp nhất trong ba tuần là 1,1556 USD ghi nhận hôm thứ Năm. Tính cả tuần, đồng euro đã giảm 0,59%.

Bảng Anh (GBP) tăng 0,13% lên 1,3436 USD, thu hẹp một phần mức giảm trong tuần xuống còn 0,41%.

Trong ngày, Bitcoin (BTC) nhích 0,35% lên khoảng 119.899 USD.

Thị trường chứng khoán

Chỉ số Nikkei 225 giảm điểm vào thứ Sáu từ mức cao nhất trong vòng hơn hai tuần do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước thềm cuộc bầu cử thượng viện vào cuối tuần này.

Chỉ số Nikkei giảm 0,31% xuống 39.778,85 điểm. Đầu phiên, chỉ số này đã có lúc tăng lên 40.087,59 điểm - mức cao nhất kể từ ngày 1/7 do đà tăng mạnh của Phố Wall. Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời sau đó đã khiến chỉ số quay đầu giảm điểm.

Trong phiên trước đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite của Mỹ đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục, sau khi số liệu kinh tế tại Mỹ và báo cáo lợi nhuận của các công ty được công bố tích cực, cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn sẵn sàng chi tiêu.

Tính chung cả tuần, chỉ số Nikkei dự kiến sẽ tăng 0,5%, chấm dứt chuỗi hai tuần giảm điểm liên tiếp.

Trong khi đó, chỉ số Topix (.TOPX) giảm 0,13% xuống 2.836,10 điểm.

"Các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm mua vào cổ phiếu trước thềm cuộc bầu cử toàn quốc vào cuối tuần", Yugo Tsuboi, chiến lược gia trưởng tại Daiwa Securities, cho biết và cho biết thêm: "Tuy nhiên, xu hướng chung không quá tệ khi có khoảng một nửa số cổ phiếu tăng giá".

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shigeru Ishiba và đối tác liên minh là đảng Komeito được dự đoán sẽ mất đa số phiếu tại thượng viện vào Chủ nhật. Các chiến lược gia hiện đang tập trung vào việc liệu ông Ishiba có tiếp tục tại vị hay sẽ từ chức sau cuộc bầu cử, một tín hiệu cho sự thay đổi chính sách của quốc gia và dẫn đến việc cắt giảm thuế tiêu dùng.

Các cổ phiếu lớn trong ngành chip đã giảm điểm, với Advantest và Tokyo Electron lần lượt mất 4,27% và 0,7%.

Cổ phiếu Disco lao dốc 10,26%, trở thành mã giảm mạnh nhất trong chỉ số Nikkei, do dự báo lợi nhuận hoạt động quý của nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip này không đạt được kỳ vọng của thị trường.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo, tăng 0,79%, trở thành lực đỡ lớn nhất cho chỉ số Nikkei. Cổ phiếu của tập đoàn đầu tư công nghệ SoftBank Group cũng tăng 1,5%.

Trên sàn giao dịch chính của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo, trong số hơn 1.600 cổ phiếu, 42% cổ phiếu tăng giá, 53% giảm giá và 4% đứng giá.

Thị trường vàng

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường châu Á, vàng giữ giá, giao dịch quanh mức thấp nhất trong tuần tại 3.335 USD/oz với biên độ hẹp do nhà đầu tư giảm nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn khi thị trường thiếu các xu hướng rõ ràng. Đồng bạc xanh giữ đà tăng sau khi tổng thống Mỹ Trump úp mở về các thỏa thuận thương mại với Ấn Độ và châu Âu cũng như các số liệu khả quan của kinh tế Mỹ được công bố là một nhân tố hạn chế vàng tăng giá.

Thị trường đang tiếp tục chờ đợi thông tin Chỉ số niềm tin tiêu dùng Michigan sơ bộ tháng 7, chỉ số này đã tăng từ mức 60,7 lên 61,5 trong tháng 6/2025...

CDT

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dien-bien-thi-truong-tai-chinh-tien-te-quoc-te-sang-187-167519.html
Zalo