'Cha đẻ' của các giống gạo ST chia sẻ kinh nghiệm lợi nhuận từ mô hình luân canh lúa - tôm

Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, kỹ sư Hồ Quang Cua theo đuổi triết lý sản xuất nông nghiệp sạch và tuần hoàn, gắn bó chặt chẽ với tự nhiên. Theo ông, đất khỏe, môi trường trong lành và cân bằng sinh thái chính là nền tảng để cây trồng phát triển khỏe mạnh, không phụ thuộc vào hóa chất độc hại. Từ đó, HTX, nông dân có thể phát huy tối đa diện tích đất trồng, mang lại giá trị cho hạt gạo.

Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 diễn ra sáng nay 18/7, Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ về mô hình nông nghiệp điển hình là luân canh lúa - tôm tại nhiều HTX ở bán đảo Cà Mau. Nhờ luân canh sản xuất lúa - nuôi tôm sú, nhiều nông dân, HTX có lợi nhuận hàng triệu đồng/ha/năm.

Tận dụng ưu thế của giống lúa ST25, ông đã phối hợp với nhiều bên liên quan là DN, HTX để triển khai mô hình canh tác theo mùa: trồng lúa khi nước ngọt, nuôi tôm khi nước mặn xâm nhập. Đồng thời, ông khuyến khích nông dân sử dụng vi sinh vật và thiên địch tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh thay vì phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật.

Nhờ luân canh sản xuất lúa - nuôi tôm sú, nhiều nông dân, HTX có lợi nhuận hàng triệu đồng/ha/năm.

Nhờ luân canh sản xuất lúa - nuôi tôm sú, nhiều nông dân, HTX có lợi nhuận hàng triệu đồng/ha/năm.

Nhờ đó, mô hình đã mang lại kết quả ấn tượng: thu nhập của nông dân tăng gấp đôi, nhờ giá bán gạo cao hơn 1,5 lần và chi phí đầu vào giảm mạnh (giảm 30% phân bón hóa học và 75% thuốc trừ sâu hóa học).

Đặc biệt, diện tích sản xuất theo mô hình lúa – tôm này đã đạt các tiêu chí phát thải carbon thấp, tạo môi trường sinh thái lành mạnh và bền vững. Điều này không chỉ có ý nghĩa với môi trường mà còn mở ra cơ hội phát triển tín chỉ carbon, giúp các HTX, DN tăng thêm thu nhập từ việc bán tín chỉ trong tương lai.

Được biết, từ năm 2000, khi Nhà nước có chủ trương cho sản xuất luân canh một vụ lúa - một vụ tôm sú, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Giống lúa thơm ST25 phù hợp với cơ cấu vùng, nên có hàng trăm ngàn ha bén duyên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế, tại tỉnh Kiên Giang, chia sẻ từ một số HTX trên địa bàn tỉnh cho thấy, để áp dụng sản xuất lúa-tôm hiệu quả, thời gian qua người dân chú trọng tham dự các buổi tập huấn về kỹ thuật canh tác như: chọn giống lúa, cải tạo đất, quản lý nguồn nước, quy trình canh tác "3 giảm 3 tăng", 3 giảm là giảm lượng hạt giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón; 3 tăng là tăng năng suất lúa, tăng chất lượng gạo, tăng hiệu quả kinh tế.

Cũng nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP nên lúa của người dân, HTX thường được thương lái thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 200 đồng/kg. Đồng thời do ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nên chi phí chưa tới 20 triệu đồng/ha, giúp tăng lợi nhuận gấp rưỡi so với biện pháp sản xuất truyền thống trước đây.

"Nhờ cơ cấu mùa vụ luân canh, năng suất nuôi tôm và trồng lúa đều tăng đáng kể. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá luân canh lúa - tôm là mô hình độc, lạ và hiệu quả, chưa có quốc gia nào làm được", ông Cua cho biết.

Không chỉ góp phần cải tạo môi trường, trồng lúa thơm ST25 trên nền đất nuôi tôm còn cho năng suất cao, trên 6 tấn/ha/vụ. Lúa ST25 thời gian qua bán được giá nên người nông dân đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/vụ.

Theo vị Kỹ sư này, nhờ giống lúa ST24 và ST25 có chu kỳ ngắn, phù hợp chế độ thủy văn, chi phí sản xuất thấp, năng suất cao và ổn định, giá bán cao, lợi nhuận nhiều đã kích thích các HTX, nông dân tìm tòi mọi giải pháp để cơ giới hóa khâu thu hoạch thông qua giải pháp rút khô giữa mùa và cuối mùa, phù hợp với tiêu chí của đề án: "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" của Chính phủ.

“Song song đó với lợi thế của vùng đất tự nhiên có nhiều gió biển trong lành và những mô hình HTX ứng dụng phân hữu cơ, vi sinh vật vào ruộng lúa do chúng tôi thực hiện đã biến vùng Lúa – Tôm rộng lớn hàng trăm ngàn hecta thành vùng lúa giảm phát thải khí nhà kính cao bậc nhất ở nước ta, đồng thời nâng tầm “GẠO ÔNG CUA” ở trong nước cũng như ngoài nước.

"Qua kết quả này, chúng tôi thiết nghĩ các cơ quan tư vấn tham mưu cho các doanh nghiệp công nghiệp cần mua tín chỉ carbon liên hệ chính quyền địa phương tổ chức sao cho người dân được hưởng lợi từ phát thải thấp để xây dựng công trình công ích tại địa phương. Như vậy mới đúng là “nông nghiệp tuần hoàn”, kỹ sư Hồ Quang Cua nói thêm.

Hiện Việt Nam có 5 ngành chính có khả năng giảm phát thải và tạo tín chỉ carbon, gồm: năng lượng, nông nghiệp, hấp thụ khí nhà kính từ lâm nghiệp và sử dụng đất (LULUCF), chất thải và các quá trình công nghiệp. Theo báo cáo NDC 2022 gửi Liên hợp quốc, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 403,5 triệu tấn CO2 vào năm 2030 nếu có sự hỗ trợ quốc tế, tương đương 400 triệu tín chỉ carbon. Với mức giá trung bình 5 USD/tín chỉ, khoản thu có thể đạt 2 tỷ USD, bổ sung nguồn lực đáng kể cho các nỗ lực giảm phát thải.

Như vậy, vùng ĐBSCL có tiềm năng tạo ra khoảng 10 triệu tín chỉ carbon từ sản xuất lúa gạo, mang về khoảng 100 triệu USD/năm với mức giá 10 USD/tín chỉ do Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết mua.

Ngành sản xuất lúa gạo với định hướng phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp tái tạo, và kinh tế trải nghiệm, sẽ mở ra nhiều cơ hội cải thiện doanh thu và thu nhập. Đồng thời, sự tích hợp đa giá trị này cũng thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, trong tương lai gần.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/cha-de-cua-cac-giong-gao-st-chia-se-kinh-nghie-m-loi-nhuan-tu-mo-hinh-luan-canh-lua-tom-1108258.html
Zalo