Đổi mới công tác xúc tiến quảng bá, lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Doanh nghiệp đề xuất Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch An Giang, lãnh đạo tỉnh An Giang mời gọi thêm các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư du lịch tại thị trường Châu Đốc, Tịnh Biên… để khai thác, phát triển du lịch đồng đều hơn giữa các vùng du lịch trọng điểm trong tỉnh.
Chiều 18/7, Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch An Giang tổ chức hội nghị sơ kết công tác xúc tiến 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch xúc tiến 6 tháng cuối năm 2025.

Hội nghị nghị sơ kết công tác xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch An Giang 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch xúc tiến 6 tháng cuối năm 2025. Ảnh Nguyễn Minh.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đề xuất với tỉnh An Giang công tác xúc tiến thị trường du lịch quốc tế; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; khai thác thế mạnh thương mại và thu hút đầu tư…
Cần tạo thêm “sân chơi” về đêm để giữ chân du khách
Phát biểu tại hội nghị Giám đốc điều hành khách sạn Vitoria Châu Đốc và Victoria Núi Sam Phạm Minh Tuấn cho biết, sau sáp nhập tỉnh An Giang trở thành điểm đến có tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch bậc nhất vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, sự phát triển giữa các vùng du lịch trọng điểm là chưa đều, chủ yếu tập trung ở Phú Quốc với đặc trưng là du lịch biển đảo.
Trong khi đó, tỉnh có rất nhiều loại hình du lịch khác hấp dẫn có thể khai thác hiệu quả không kém khác như sinh thái, văn hóa, tâm linh, nông nghiệp ở khu vực Tịnh Biên, Châu Đốc… Tuy nhiên có thực tế, du khách đến với khu vực này ít khi lưu trú lại do thiếu sân chơi về đêm.
“Năm 2024, An Giang cũ có 9 triệu khách du lịch, 22 nghìn khách quốc tế; tuy nhiên chỉ có khoảng 10% lưu trú lại. Nếu chúng ta có thêm sản phẩm, sân chơi về đêm đặc sắc như ở Phú Quốc thì khả năng khách lưu trú lại sẽ cao hơn rất nhiều. Từ đó doanh thu du lịch cũng sẽ cao hơn”, ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp để công tác xúc tiến 6 tháng cuối năm 2025 hiệu quả hơn. Ảnh Nguyễn Minh.
Ngoài ra, vị doanh nhân này cũng đề xuất tỉnh quảng bá xúc tiến thị trường khách quốc tế; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh kêu gọi tập đoàn, doanh nghiệp lớn về đầu tư khu vực Núi Sam, Châu Đốc để khai thác, phát huy hết tiềm năng của vùng; đồng thời phát triển du lịch đồng đều hơn giữa các vùng du lịch trọng điểm trong tỉnh.
Còn Phó tổng giám đốc công ty cổ phần du lịch An Giang Đặng Quốc Triều cho rằng, An Giang mới, có không gian rộng lớn hơn là điều kiện rất tốt để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, để du lịch An Giang mới bứt phá, ông Triều đề xuất tỉnh tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả; tổ chức các sự kiện, hội chợ đặc sắc thu hút khách nội và quốc tế; đầu tư hạ tầng giao thông; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xử lí hồ sơ pháp lý dự án du lịch...
Ngoài các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp thương mại đề xuất công tác xúc tiến thương mại cần sáng tạo hơn, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn; hỗ trợ chuyển đổi số với doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản phẩm hàng hóa đi xa hơn...
Đổi mới công tác xúc tiến quảng bá, lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Phong chia sẻ, các thách thức trong nước và quốc tế, nhất là về thuế quan, rào cản thương mại của các nước lớn… đã ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Phong phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh Nguyễn Minh.
Trong điều kiện đó, trung tâm tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phối hợp sở ngành thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với các mặt còn hạn chế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị Trung tâm phân tích kỹ nguyên nhân để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Riêng kế hoạch xúc tiến 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị Trung tâm đổi mới công tác xúc tiến quảng bá, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến quảng bá; bám sát định hướng phát triển của tỉnh, nhất là các lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, logistics, du lịch… góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Trung tâm tăng cường phối hợp doanh nghiệp, các địa phương thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị kết nối nhà đầu tư, thương mại, du lịch để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn; lắng nghe góp ý doanh nghiệp, đề xuất hướng giải quyết kịp thời...
Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch An Giang Quảng Xuân Lụa cho biết, 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tổ chức 53 hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch (xúc tiến đầu tư 6 hoạt động; xúc tiến thương mại 24 hoạt động; xúc tiến du lịch 18 hoạt động; tuyên truyền, quảng bá 5 hoạt động); thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 61 sự kiện trong và ngoài nước tổ chức. Qua đó, đã hỗ trợ cho 328 doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng hợp tác, kết nối giao thương, hợp tác phát triển tour, tuyến du lịch. Trong đó, có 33 doanh nghiệp đã kết nối tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm yến sang thị trường Trung Quốc; ký kết hợp tác với 30 nhà phân phối quốc tế, bán trực tiếp được 6 hợp đồng với tổng giá trị hơn 550.000 USD…
6 tháng cuối năm, An Giang dự kiến tổ chức, tham gia 42 sự kiện xúc tiến; trong đó, có 11 hoạt động xúc tiến trong tỉnh, 12 hoạt động xúc tiến ngoài tỉnh, 3 hoạt động xúc tiến nước ngoài, 5 hoạt động liên quan đến xúc tiến và 11 hoạt động tuyên truyền, quảng bá…