Điện Biên: Nhiều 'điểm nghẽn', 'nút thắt' đã và đang dần được tháo gỡ
Năm 2024, trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen song tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm đạt 8,51%.
Tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kinh tế Điện Biên tốc độ tăng trưởng đạt 8,51%, tuy chưa đạt mục tiêu đề ra (trên 10,5%), tuy nhiên kết quả này cao hơn so với bình quân chung của cả nước (7,09%) thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong triển khai nhiệm vụ được giao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, chỉ số toàn ngành công nghiệp IIP tăng 24,37%, doanh thu từ du lịch tăng 1,88 lần, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 24,44% so với năm 2023; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm.
Đặc biệt năm 2024, Điện Biên đã phối hợp và tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch, ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh, trọng tâm là Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và các hoạt động Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, đã thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế, là cơ hội để quảng bá về mảnh đất và con người Điện Biên.
Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,39% so với năm 2023, giảm xuống còn 21,29%; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, có hiệu quả, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 7.300 nhà ở cho các hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai (trong đó có 5.000 nhà Đại đoàn kết theo Đề án 09 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam); tích cực triển khai các dự án cấp điện nông thôn từ diện lưới quốc gia với mục tiêu cấp điện sinh hoạt và sản xuất cho khoảng 5.093 hộ gia đình của 110 thôn, bản thuộc 47 xã trên địa bàn 7 huyện. Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục tăng cường, mở rộng.
Trong thời gian vừa qua, nhiều "điểm nghẽn", "nút thắt" trong phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên đã và đang dần được tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế Điện Biên phát triển thuận lợi. Tỉnh đã triển khai, hoàn thành nhiều công trình, dự án trọng điểm tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; dự án đường 60m và hạ tầng khung dọc trục đường 60m; dự án quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm; dự án Cầu Thanh Bình; công trình Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ; Bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ....
Điện Biên đã tập trung quyết liệt trong công tác cải các hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư trên các lĩnh vực hạ tầng đô thị, thương mại dịch vụ du lịch, nông lâm nghiệp, năng lượng. Đồng thời tập trung cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các khu vực vùng cao, biên giới, để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của của nhân dân, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Tuy nhiên, hiện Điện Biên vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế là những rào cản kìm hãm sự phát triển của tỉnh như vấn đề: kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp;... Cơ sở hạ tầng phục vụ di chuyển các cơ quan tỉnh vào trung tâm chính trị, hành chính tỉnh còn khó khăn về nguồn lực. Một số dự án thu hút đầu tư hạ tầng đô thị, du lịch dịch vụ, nông lâm nghiệp có dấu hiệu giãn, hoãn, đình trệ... đây là những vấn đề cấp bách đang đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nghiêm túc nhìn nhận và đề ra giải pháp tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới.
Năm 2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10,5%
Năm 2025 là năm cuối thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, là năm diễn ra đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trong bối cảnh có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, tỉnh đã đề ra các mục tiêu, yêu cầu cao hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10,5%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.062 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đại khoảng 28.000 tỷ đồng... nhằm tạo nền tảng quan trọng, từng bước hiện thực khát vọng đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi Bắc bộ và là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa của vùng trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nhấn mạnh, dể thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, cần bám sát nội dung Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc và truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, chung sức, đồng lòng, quyết tâm vươn lên, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 10,5%, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Khẩn trương, quyết liệt trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp tỉnh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW; tập trung triển khai xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm bộ máy mới phải đi vào hoạt động thực hiện được ngay sau khi có quyết định sắp xếp, kiện toàn tổ chức và đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn bộ máy cũ. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Xây dựng, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2045 sau khi được phê duyệt.
Tập trung hoàn thành các dự án: Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL279 và QL12; Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm...; tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng dự án Cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1; hoàn thiện các thủ tục mở chính thức cửa khẩu song phương A Pa Chải - Long Phú trong quý IV năm 2025; đề xuất xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tuyến đường giao thông kết nối thành phố Điện Biên Phủ với Cửa khẩu A Pa Chải. Tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia - Chương trình Bừng sáng Điện Biên” và các dự án thuộc Đề án tổng thể Kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các địa phương cần chủ động triển khai ngay từ đầu năm các chương trình mục tiêu quốc gia và công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát hoàn thành trước Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Tích cực phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện các thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương, quyết định thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ; phối hợp với các đại học, trường đại học liên kết, hợp tác đào, tạo thành lập cơ sở đào tạo đại học tại tỉnh.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách, hiện đại hóa nền hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động nắm bắt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đề nghị: "Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cần sâu sát, bám nắm cơ sở hơn nữa; chủ động, kịp thời, linh hoạt giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục phát huy tính dân chủ, tập trung trí tuệ trong chỉ đạo điều hành. Sau hội nghị này, các sở, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện ngay từ những tháng đầu năm, đảm bảo phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ được giao. Đối với một số kiến nghị của các đơn vị, UBND tỉnh ghi nhận và giao các sở, ngành chủ động nghiên cứu xem xét xử lý theo thẩm quyền".