Diễn biến kinh tế tác động đến tâm lý người tiêu dùng Mỹ

Người dân Mỹ đang lo sợ về diễn biến suy thoái kinh tế và lạm phát gia tăng. Một cuộc khảo sát đã cho thấy tâm lý người tiêu dùng giảm 8% trong tháng 4 so với tháng trước.

Tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm. Ảnh: CNN

Tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm. Ảnh: CNN

Theo hãng CNN, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp trong tháng 4.

"Chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm trong tháng này đặc biệt ảnh hưởng đến các gia đình có thu nhập trung bình. Người tiêu dùng nhận thấy rủi ro đối với nhiều khía cạnh của nền kinh tế, hầu hết là do sự không chắc chắn đang diễn ra xung quanh chính sách thương mại và khả năng lạm phát tái phát trong tương lai", ông Joanne Hsu, Giám đốc cuộc khảo sát cho biết.

Cổ phiếu đã tăng vượt mức thấp nhất trong thời gian ngắn khi các nhà đầu tư đánh giá cuộc khảo sát mới nhất: Dow giảm 200 điểm, tương đương 0,5%. S&P 500 giảm 0,15%. Nasdaq Composite tăng 0,1%.

Cuộc chiến thương mại khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân Mỹ và nền kinh tế trong những tháng qua. Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang và Phố Wall đang tiếp tục theo dõi diễn biến chi tiêu của người tiêu dùng: Liệu họ đang thận trọng hơn với chi tiêu hay là cắt giảm hoàn toàn.

Chi tiêu của người tiêu dùng thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, vì vậy, về bản chất, sự phát triển như vậy sẽ khiến tăng trưởng kinh tế yếu hơn hoặc thậm chí là suy thoái.

Mọi con mắt đổ dồn vào chi tiêu

Người tiêu dùng Mỹ rõ ràng đang cảm thấy bất an, nhưng chưa phản ánh hết được cách chi tiêu của họ

Vào tháng 6.2022, khi lạm phát đạt mức cao nhất trong bốn thập kỷ thì tâm lý người tiêu dùng đã đạt mức thấp kỷ lục, nhưng người dân vẫn mua sắm nhiều trong những tháng tiếp theo.

Đến năm 2023, tâm lý kinh tế của người Mỹ trở nên tồi tệ hơn nhưng họ vẫn chi tiêu cho du lịch và hòa nhạc trong năm đó. Tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động đều ở mức vững chắc trong những năm đó.

"Đôi khi các cuộc khảo sát rất tiêu cực, nhưng người tiêu dùng vẫnchi tiêu nhiều", Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết trong bài phát biểu đầu tháng này.

Tuy nhiên, nền kinh tế ngày nay khác với năm 2022. Thị trường việc làm không còn diễn ra với tốc độ nóng như trước. Người tiêu dùng đã cạn kiệt mọi khoản tiết kiệm mà họ tích lũy được trong thời kỳ đại dịch.

Trong tuần này, Bộ Giáo dục Mỹ đã thông báo sẽ nối lại việc thu hồi các khoản vay sinh viên liên bang quá hạn từ ngày 5/5, chấm dứt thời gian hoãn thu từ đại dịch Covid-19.

Theo khảo sát quý mới nhất về tài chính hộ gia đình của Cục Dự trữ Liên bang New York, người tiêu dùng hiện trở nên căng thẳng hơn về mặt tài chính vào cuối năm ngoái.

Các nhà kinh tế cho biết rất khó để đánh giá diễn biến chi tiêu của người tiêu dùng do dữ liệu kinh tế bị "bóp méo tạm thời", chẳng hạn như mọi người mua trước các mặt hàng đắt tiền, khiến doanh số bán lẻ tăng vọt vào tháng 3.

Khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và tình trạng sa thải không tăng lên đáng kể, thì chi tiêu sẽ tiếp tục tăng.

Đang chờ tín hiệu rõ ràng

Sự bất ổn dai dẳng về các chính sách của Tổng thống Trump cũng đang làm đau đầu các ngân hàng trung ương, những người thiết lập chính sách lãi suất, ảnh hưởng đến chi phí của mọi thứ, từ thế chấp đến thẻ tín dụng.

Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lạm phát, nhưng mức độ và thời gian áp dụng vẫn đang được các nhà kinh tế tiếp tục thảo luận. Đó cũng là yếu tố quan trọng mà các quan chức FED đang cân nhắc khi vấn đề thuế quan bắt đầu xuất hiện trong dữ liệu.

"Chúng tôi hiện không chắc chắn đây có phải là tác động một lần đối với lạm phát hay là vấn đề dài hạn? Nhiệm vụ của chúng tôi với FED là đảm bảo rằng đó không phải là vấn đề dài hạn hơn," Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis Neel Kashkari cho biết đầu tuân này tại một sự kiện ở Washington.

Một biện pháp dựa trên khảo sát mà các nhà hoạch định chính sách của FED rất quan tâm là nhận thức của mọi người về giá cả. Nếu mọi người kỳ vọng lạm phát sẽ tăng và duy trì ở mức cao, thì họ có thể điều chỉnh chi tiêu hợp lý.

Kỳ vọng lạm phát trong năm tới vào tháng 4 thấp hơn một chút trong báo cáo tâm lý người tiêu dùng so với báo cáo sơ bộ, nhưng chúng vẫn đạt mức cao nhất kể từ năm 1981.

Hiện tại, các quan chức FED đã áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và xem xét diến biến nền kinh tế Mỹ trước hàng loạt thay đổi chính sách quan trọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hầu hết các quan chức FED cũng cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các phản ứng diễn biến kinh tế từ các chính sách của Tổng thống Mỹ Trump.

"Điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ là phải xem xét rộng rãi tất cả các thông tin có sẵn, bao gồm các biện pháp dựa trên thị trường, khảo sát và báo cáo về hiện tượng để nắm bắt diễn biến trong nền kinh tế càng sớm càng tốt vì, như tôi đã thảo luận, cần có thêm thời gian để chính sách có tác động", Thống đốc FED Adriana Kugler cho biết tại một sự kiện ở Minneapolis.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/dien-bien-kinh-te-tac-dong-den-tam-ly-nguoi-tieu-dung-my-129609.html
Zalo