Diễn biến đợt không khí lạnh 'lạ thường' ở miền Bắc cuối tuần này

Miền Bắc đang trong giai đoạn giao mùa, nên thời tiết có sự xáo trộn mạnh. Sự giao thoa giữa nóng và lạnh dễ gây ra dông lốc và mưa đá.

Một đợt không khí lạnh mới sắp tăng cường trở lại miền Bắc

Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, sau ngày 1/4, cường độ không khí lạnh suy yếu dần, nhiều nơi ở Bắc Bộ rét về đêm và sáng, nắng ấm về trưa và chiều. Tuy nhiên, khoảng ngày 5/4, bộ phận không khí lạnh được tăng cường trở lại.

Theo dự báo, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 5-7/4 có mưa, mưa rào rải rác, riêng khu Tây Bắc và vùng núi phía Bắc Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác. Trời rét.

Khu vực Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng từ không khí lạnh vào cuối tuần này. Từ 5/4, nhiệt độ Hà Nội giảm xuống 20-21 độ C, độ ẩm không khí cao. Trời nhiều mây, có mưa, mưa rào và dông vài nơi. Đến ngày 8/4, nhiệt độ tăng dần, trời hửng nắng.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, người dân khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể trải qua một cuối tuần mưa rét. Nên mặc áo ấm, đồ giữ nhiệt.

Theo dự báo, từ ngày 2/4, nhiệt độ tại miền Bắc tăng dần trước khi đón đợt không khí lạnh mới tràn về. Ảnh minh họa.

Theo dự báo, từ ngày 2/4, nhiệt độ tại miền Bắc tăng dần trước khi đón đợt không khí lạnh mới tràn về. Ảnh minh họa.

"Rét nàng Bân" là đợt rét muộn thường xuất hiện vào tháng 3 âm lịch ở miền Bắc Việt Nam. Năm 2025, tháng 3 âm lịch bắt đầu từ ngày 31/3 và kết thúc vào ngày 29/4 dương lịch.

Theo các chuyên gia, đây thực chất là đợt rét muộn, chịu ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn về vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 dương lịch, khi thời tiết đã ấm lên khá nhiều.

Nhận định thời tiết mùa hè năm 2025

Dự báo thời tiết, tháng 4/2025 có khả năng xuất hiện những đợt mưa chuyển mùa ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Cần đề phòng những đợt mưa vừa, mưa to ở các khu vực trên trong tháng 5- 6. Nắng nóng dự báo đến muộn hơn.

Dự báo khí tượng, thủy văn, hải văn từ tháng 4-6/2025, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chia sẻ với Đại Đoàn Kết, từ tháng 4 đến tháng 6/2025, ENSO có khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất từ 70-80%. Thời gian này, bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền tương đương với mức trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông 1,8 cơn, đổ bộ vào đất liền 0,3 cơn).

Trong thời kỳ dự báo, không khí lạnh hoạt động với cường độ và tần suất giảm dần. Trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; đặc biệt trong các đợt không khí lạnh vào thời kỳ chuyển mùa (tháng 4-5/2025).

Đáng chú ý, trong tháng 4/2025 có khả năng xuất hiện những đợt mưa chuyển mùa ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Cần đề phòng những đợt mưa vừa, mưa to ở các khu vực trên trong tháng 5-6/2025.

Ngoài ra, nắng nóng diện rộng có khả năng xuất hiện tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 4/2025, muộn hơn so với trung bình nhiều năm, với số ngày nắng nóng ít hơn so với cùng kỳ năm 2024. Ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực vùng núi thuộc Bắc - Trung Trung Bộ trong tháng 4/2025, cường độ nắng nóng ít gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2024; từ tháng 5/2025, nắng nóng có khả năng gia tăng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Theo dự báo thời tiết tháng 4-6/2025, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng tháng 5/2025, nhiệt độ trung bình tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ cao hơn 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Khu vực Bắc Bộ: Tháng 4/2025 tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (tổng lượng mưa tháng 4 phổ biến từ 70-120 mm, vùng núi có nơi trên 150 mm). Tháng 5/2025, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 5-10% so với trung bình nhiều năm, riêng vùng núi có nơi thấp hơn 5-15% (tổng lượng mưa phổ biến từ 120-220 mm, vùng núi có nơi trên 250 mm). Tháng 6/2025, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm tổng lượng mưa tháng 6 phổ biến từ 150-250 mm, khu vực vùng núi 250-500 mm, có nơi trên 500 mm).

Khu vực Trung Bộ: Tháng 4/2025, tổng lượng mưa ở khu vực Trung Bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, cụ thể tổng lượng mưa tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến 60-100 mm, có nơi cao hơn, khu vực Nam Trung Bộ phổ biến 20-40 mm, có nơi cao hơn. Tháng 5/2025, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, có nơi cao hơn). Tháng 6/2025, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm tổng lượng mưa tháng 6 phổ biến 70-150 mm, có nơi cao hơn).

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Tổng lượng mưa trong tháng 4/2025 cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-10 mm (tổng lượng mưa phổ biến 60-100 mm, riêng Nam Tây Nguyên phổ biến 100-180 mm, có nơi cao hơn). Tháng 5/2025, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 5-15% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250 mm, có nơi cao hơn). Tháng 6/2025, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm tháng 6 phổ biến 200-300 mm, có nơi cao hơn).

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng thông tin: Từ tháng 7-9/2025 hoạt động bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền ở mức tương đương trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông 6,4 cơn, đổ bộ vào đất liền 2,9 cơn).

Từ tháng 7-8/2025, ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng có khả năng còn duy trì và giảm dần trong tháng 9/2025. Trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và gió giật mạnh. Trong thời kỳ dự báo cần đề phòng những đợt mưa vừa, mưa to trên phạm vi cả nước. Từ tháng 7-9/2025, nhiệt độ trung bình cao hơn 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khu vực Bắc Bộ tháng 7-9/2025, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, cụ thể tổng lượng mưa trong tháng 7-8/2025 phổ biến 250-450 mm, có nơi cao hơn 500 mm, tháng 9/2025 tổng lượng mưa phổ biến 150-250 mm, có nơi cao hơn.

Trước đó, đánh giá khí hậu năm 2024, Biển Đông xuất hiện 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, bão số 3 Yagi được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm gần đây, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đồng thời, nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, không khí lạnh đều phá vỡ kỷ lục về giá trị nhiệt độ.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dien-bien-dot-khong-khi-lanh-la-thuong-o-mien-bac-cuoi-tuan-nay-204250401160317503.htm
Zalo