Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều tăng nhẹ trong tuần đầu tiên của tháng 6, trong đó điểm sáng là cổ phiếu ngân hàng STB và POW đã tăng hơn 10%.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KDH

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua và giá mục tiêu 44.500 đồng/CP (upside 20,1%) đối với cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền so với Báo cáo gần nhất khi tình hình hoạt động kinh doanh và tiến độ triển khai dự án vẫn tương đồng với kỳ vọng.

Sau phiên giao dịch bùng nổ vào đầu tuần ngày 3/6 giúp KDH xác lập đỉnh mới của năm, cổ phiếu này đã gặp áp lực chốt lời và liên tiếp điều chỉnh rồi bật hồi trong phiên cuối tuần. Tính chung tuần qua, với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu KDH tăng 1.100 đồng (+3,04%) từ mức 36.200 đồng/CP lên 37.300 đồng/CP.

* TPS khuyến nghị giá mục tiêu của cổ phiếu BAF là 29.100 đồng/CP

Cổ phiếu BAF đang giao dịch ở mức P/E forward 16.2 lần so với mức bình quân lịch sử P/E 37.0 lần. Chúng tôi kết hợp 2 phương pháp gồm FCFE và PE để đưa ra giá mục tiêu của BAF là 29.100 đồng/cổ phiếu, upside 29,6% so với giá đóng cửa ngày 06/06/2024.

Cổ phiếu BAF đã có tuần giao dịch không mấy thuận lợi bởi áp lực bán chốt lời gia tăng khi giá cổ phiếu vượt đỉnh của hơn 2 năm. Tính chung tuần qua, cũng với 3 phiên giảm, 1 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu BAF giảm 650 đồng (-2,84%) từ mức 22.850 đồng/CP xuống 22.200 đồng/CP.

* BSC và KBSV cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM

BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VNM với giá trị hợp lý 1 năm là 79.600 đồng/CP (Upside 21% so với giá đóng cửa ngày 04/06/2024, chưa bao gồm tỷ suất cổ tức 5,8%), dựa trên phương pháp DCF và P/E với tỷ trọng 50%:50%.

Bên cạnh đó, KBSV nhận thấy ngành sữa nội địa đang bắt đầu có tín hiệu tạo đáy, thị trường nước ngoài khởi sắc cùng với mức định giá hiện tại đang khá rẻ so với lịch sử, do đó đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 76.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VNM đã có phiên giao dịch bùng nổ vào giữa tuần khi thanh khoản lên tới gần 12 triệu đơn vị, tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu khá rung lắc bởi những phiên tăng giảm đan xen khi giá đang tiến gần mức cao nhất trong năm. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu VNM tăng 2.400 đồng (+3,67%) từ mức 65.400 đồng/CP lên 67.800 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu LHG

Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu LHG với giá mục tiêu 42.100 đồng/CP, với vùng hỗ trợ 1 là 35.200 – 35.500 đồng/CP và vùng hỗ trợ 2 là 33.800 – 34.200 đồng/CP.

Trong tuần qua, Long Hậu đã thông qua phương án thoái vốn tại CTCP Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, sau khi Công ty công bố kết quả kinh doanh đi lùi trong quý đầu năm 2024. Diễn biến cổ phiếu LHG vẫn duy trì trạng thái biến động lình xình. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu LHG tăng nhẹ 400 đồng (+1,14%) từ mức 35.150 đồng/CP lên 35.550 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị mua VCB, KBSV khuyến nghị mua STB

VCI tăng 4,8% giá mục tiêu cho VCB lên 110.000 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi đến từ tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2025, tác động lớn hơn so với mức điều chỉnh giảm 2% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024 – 2028. Trong khi đó, chúng tôi giữ nguyên P/B mục tiêu ở mức 3,2 so với báo cáo cập nhật gần nhất.

Bên cạnh đó, dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu STB. Giá mục tiêu cho năm 2024 là 40.000 đồng/CP, cao hơn 41,6% so với giá tại ngày 30/05/2024.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có những tín hiệu khác lạc quan, đặc biệt là phiên giao dịch đầu tuần ngày 3/6, dòng bank đã đóng vai trò là động lực chính giúp VN-Index tăng vọt và thử thách thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.280 điểm. Trong đó, cổ phiếu đầu ngành, VCB cũng đã có tuần giao dịch khởi sắc. Tính chung tuần qua, với 1 phiên giảm duy nhất ngày cuối tuần 7/6 và 4 phiên tăng tăng nhẹ trước đó, tổng cộng giá cổ phiếu VCB tăng 1.300 đồng (+1,49%) từ mức 87.200 đồng/CP lên 88.500 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu STB là điểm sáng ngành, với phiên giao dịch bùng nổ ngày 3/6 khi kéo trần thành công cùng thanh khoản ấn tượng, lên tới gần 30 triệu đơn vị khớp lệnh. Tính chung tuần qua, cũng với 1 phiên giảm và 4 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu STB tăng 2.900 đồng (+10,41%) từ mức 27.850 đồng/CP lên 30.750 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VRE

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho VRE nhưng điều chỉnh giảm 2% giá mục tiêu xuống 31.200 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu là do 1) số dư tiền mặt ròng giảm vào cuối quý 1/2024 và 2) dự báo thận trọng hơn của chúng tôi về việc ra mắt trung tâm thương mại (TTTM) mới giai đoạn 2027-2028, được bù đắp một phần bởi 3) việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2025.

Cổ phiếu VRE tiếp diễn trạng thái giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu VRE tăng nhẹ 450 đồng (+2,07%) từ mức 21.750 đồng/CP lên 22.200 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS

BSC duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 2025F là 57.000 đồng/CP dựa trên phương pháp định giá FCFF sau khi điều chỉnh tăng lần lượt 14% và 13% lợi nhuận năm 2024F và 2025F do điều chỉnh tăng dự phóng các mảng Căn cứ cảng, Khảo sát và M&C do Lô B ký được FID thượng nguồn nhanh hơn kỳ vọng và dự phóng lợi nhuận từ FPSO trong năm 2024F.

Một trong những thông tin đáng chú ý tại PVS là mới đây, Công ty con của PTSC vừa ký hợp đồng tổng thầu EPCIC cho Giàn xử lý trung tâm tại mỏ Lạc Đà Vàng và giữa tháng 6 này, Công ty sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Diễn biến cổ phiếu PVS tuần qua nhích nhẹ. Cụ thể, với 1 phiên giảm duy nhất vào giữa tuần ngày 5/6 và 4 phiên tăng nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu PVS tăng nhẹ 500 đồng (+1,15%) từ mức 43.400 đồng/CP lên 43.900 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HHV

Trong giai đoạn 2024 - 2025, các mảng kinh doanh quan trọng của HHV dự báo có mức tăng trưởng tích cực nhờ: Các gói thầu hạ tầng giao thông lớn bước vào giai đoạn thi công hạng mục chính, và được chấp thuận tăng phí tại các trạm BOT quan trọng. Ngoài ra, các dự án PPP kỳ vọng cải thiện mạnh về hiệu quả kinh doanh và đảm bảo động lực tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HHV với mức định giá hợp lý là 16.720 đồng/CP.

Công ty vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào ngày 31/5 với nhiều thông tin khá lạc quan được chia sẻ từ Ban lãnh đạo HHV như báo lãi quý I/2024 đạt 114 tỷ đồng, tương ứng mỗi tháng lãi tới 38 tỷ đồng, đồng thời thông qua kế hoạch tăng vốn lên hơn 5.816 tỷ đồng, đưa HHV trở thành nhà đầu tư hạ tầng giao thông có quy mô vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, và dự tính đầu tư 400 km cao tốc.

Về diễn biến cổ phiếu, tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu HHV tăng nhẹ 350 đồng (+2,65%) từ mức 13.200 đồng/CP lên 13.550 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HSG

Chúng tôi cho rằng HSG sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp biện pháp chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc (AD02) được áp dụng nhờ thị phần số 1 và số 2 trong mảng tôn mạ và thép ống, chiếm lần lượt 28,4%/12,4%. Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu HSG, giá mục tiêu 27.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng 23% so với giá đóng cửa ngày 03/06/2024.

Mặc dù đã lấn sân sang bất động sản 15 năm và chưa tạo được dấu ấn trên thị trường, mới đây, Hoa Sen đã công bố hoàn tất việc tăng vốn, nâng sở hữu lên 97,26% vốn điều lệ tại Hoa Sen Yên Bái, đã mở ra những kỳ vọng mới của HSG trên thị trường này. Điều này đã phần nào hỗ trợ giúp cổ phiếu HSG có tuần giao dịch khởi sắc. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu HSG tăng 1.700 đồng (+7,8%) từ mức 21.800 đồng/CP lên 23.500 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu FPT

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu cao hơn là 156.500 đồng/CP. Định giá của chúng tôi dựa trên phương pháp tổng giá trị các thành phần (SOTP) dựa trên P/E cho ba mảng kinh doanh chính của công ty. Chúng tôi áp dụng mức P/E trung bình năm 2024 của 3 mảng tương ứng với từng phân khúc với mức chiết khấu 15% trên P/E trung bình của các công ty cùng ngành công nghệ và viễn thông do chênh lệch về lãi suất giữa Việt Nam và các quốc gia được theo dõi khác.

Một trong những cổ phiếu được nhắc đến trên thị trường khá nhiều trong thời gian gần đây là FPT, khi chặng đường tăng của cổ phiếu này chưa thấy “mệt mỏi” và FPT liên tục xác lập đỉnh lịch sử mới. Tính chung tuần qua, với 1 phiên giảm duy nhất ngày 6/6 và 4 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu FPT tăng 7.400 đồng (+5,5%) từ mức 134.600 đồng/CP lên 142.000 đồng/CP.

* MBS và VCI cùng khuyến nghị chọn POW

Theo MBS, cơ sở lựa chọn dựa trên đây là hai doanh nghiệp có vị thế lớn, sức khỏe tài chính tốt; sở hữu tiềm năng phát triển các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực điện LNG và điện gió; dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2024-2025 khả quan với POW (tăng trưởng 10,6%/38,6%) và REE (tăng trưởng 5,3%/10,6%).

Bên cạnh đó, VCI tăng 4,8% giá mục tiêu đối với POW lên 13.200 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua.

Sau khi “thức giấc” bởi tuần giao dịch bùng nổ và phá đỉnh của năm, cổ phiếu POW tiếp đà đi lên trong tuần đầu tháng 6. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, trong đó phiên đầu tuần 3/6 tăng kịch trần, tổng cộng giá cổ phiếu POW tăng 1.350 đồng (+10,71%) từ mức 12.600 đồng/CP lên 13.950 đồng/CP.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dien-bien-co-phieu-can-quan-tam-tuan-qua-post346829.html
Zalo