Áp thuế chống bán phá giá thép từ Trung Quốc, Hàn Quốc: Cổ phiếu thép hưởng lợi lớn?

Biện pháp chống bán phá giá thép đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ mang lại sự bảo vệ hiệu quả cho các doanh nghiệp thép Việt Nam có thị phần tiêu thụ nội địa lớn…

Vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Quyết định tiến hành điều tra được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ ngày 3/5/2024 bởi các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước gồm 5 công ty: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen; Công ty Cổ phần Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; Công ty Cổ phần Tôn Đông Á và Công ty Cổ phần China Steel & Nippon Steel Việt Nam.

Theo trình tự, Bộ Công Thương sẽ gửi Bản câu hỏi rà soát tới các đơn vị liên quan sau 15 ngày kể từ ngày khởi xướng. Đây sẽ là cơ sở để đưa ra kết luận sơ bộ điều tra. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá (POI) là trong giai đoạn 1/4/2023 - 31/3/2024.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

KỲ VỌNG CHÍNH THỨC ÁP THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ

Trước thông tin trên, nhiều mã cổ phiếu ngành thép đã nổi sóng sau giai đoạn trầm lắng. Điển hình, cổ phiếu VGS của Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE đã tăng kịch trần trong phiên giao dịch ngày 10/7, leo lên mức cao nhất lịch sử 42.800 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu TVN của Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP cũng tăng gần 60% giá trị trong vòng gần 1 tháng qua, hiện đang giao dịch quanh mức 11.600 đồng/cổ phiếu. Qua đó đưa vốn hóa công ty lên mức 7.932 tỷ đồng.

Cổ phiếu SMC của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC cũng không nằm ngoài đợt sóng tăng của nhóm cổ phiếu thép. Tính từ giữa tháng 6 tới nay, thị giá của SMC đã tăng 42% lên mức 19.950 đồng/cổ phiếu.

Một số cổ phiếu thép khác cũng ghi nhận mức tăng nhẹ trong vòng 1 tháng qua, như HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tăng 4,7%, cổ phiếu VCA của Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL tăng 5,2%; cổ phiếu HMC của Công ty Cổ phần Kim Khí TP.HCM – VNSTEEL tăng 2,4%…

 Cổ phiếu ngành thép tăng tích cực sau thông tin Bộ Công Thương khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc

Cổ phiếu ngành thép tăng tích cực sau thông tin Bộ Công Thương khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc

Nhìn lại khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2017, khi cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc diễn ra, giá cổ phiếu của các công ty thép cũng tăng mạnh mẽ theo từng giai đoạn của cuộc điều tra.

Cụ thể, từ tháng 3/2016 đến tháng 8/2016, khi những sự kiện quan trọng như quyết định khởi xướng điều tra và dự thảo kết luận điều tra sơ bộ được đưa ra để các bên liên quan phản hồi, giá cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim đã tăng 255%. Tương tự, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng bật tăng 115% trong vòng hơn 5 tháng kể từ khi quyết định điều tra được công bố.

Thêm vào đó, kể từ sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời vào tháng 9/2016, sản lượng tôn mạ nội địa toàn ngành trung bình đạt 450.000 tấn/quý, tăng 18% so với giai đoạn trước khi áp thuế. Trong đó, HSG là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất ngành tôn mạ đã tăng sản lượng 30% so với giai đoạn trước khi áp thuế.

Đồng thời, các doanh nghiệp tôn mạ khác cũng ghi nhận tăng trưởng sản lượng nội địa mạnh mẽ sau khi áp thuế chống bán phá giá. Cụ thể, sản lượng nội địa của NKG trung bình đạt 50.000 tấn/quý và GDA đạt 57.700 tấn/quý, lần lượt tăng 29% và 18% so với giai đoạn trước khi áp thuế.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC Research), sẽ cần 6 - 8 tháng để Bộ Công thương có kết luận sơ bộ. Cụ thể, BSC lấy dẫn chứng vụ việc áp thuế chống bán phá giá thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc năm 2016 mất 8 tháng kể từ ngày khởi xướng. Do vậy, đội ngũ chuyên gia kỳ vọng sẽ có áp thuế chống bán phá giá tạm thời sớm nhất vào tháng 12/2024.

Bên cạnh đó, theo Điều 70 – Luật quản lý ngoại thương 2017, thời gian điều tra là 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng. Theo đó, BSC Research cũng kỳ vọng sẽ có áp thuế chống bán phá giá chính thức vào quý 3/2025.

CỔ PHIẾU NGÀNH THÉP CÓ SÁNG CỬA?

Trong năm 2025, BSC Research kỳ vọng sản lượng tôn mạ nội địa toàn ngành tăng 20% nhờ áp thuế chống bán phá giá tạm thời vào quý 1/2025 và chính thức vào quý 3/2025.

Mặt khác, thị trường bất động sản nội địa phục hồi cũng hỗ trợ sản lượng tôn mạ nội địa tăng trưởng. Theo đó, BSC Research đưa ra mức tăng trưởng 20% dựa trên cơ sở: Thứ nhất, nhìn lại giai đoạn trước đó, ngành tôn mạ nội địa tăng 20% trong năm 2017 sau khi áp thuế chống bán phá giá, và yếu tố thứ hai là từ mức nền thấp của năm 2024.

Về triển vọng ngắn hạn nửa cuối năm 2024 và năm 2025, BSC Research kỳ vọng giá thép sẽ trong xu hướng đi lên, với mức tăng 5%. Với quan điểm của BSC, sản lượng thép nội địa sẽ phục hồi do thị trường bất động sản quay trở lại, và các đại lý sẽ có xu hướng tích trữ hàng tồn kho nhiều hơn trước giai đoạn áp thuế chống bán phá giá.

Xét về định giá, các cổ phiếu thép nhìn chung đang ở vùng đáy của chu kỳ. Xét về diễn biến giá cổ phiếu kể từ đầu năm, các cổ phiếu thép ghi nhận mức tăng giá gần như tương đương so với VN-Index.

Thêm vào đó, với các thông tin liên quan tới tiến độ vụ việc điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như sản lượng thép nội địa dần hồi phục, BSC cho rằng đây sẽ là động lực tăng giá cổ phiếu ngành thép trong nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Từ những nhận định trên, nhóm chuyên gia BSC Research kỳ vọng các "ông lớn" ngành thép như Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) và Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, BSC Research cho rằng kết quả kinh doanh của Hòa Phát sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 nhờ sản lượng thép trong nước tăng và diễn biến giá thép tích cực hơn.

Đồng thời, dự án Dung Quất 2 sẽ sớm được lấp đầy tới 90% vào năm 2026 và giúp Hòa Phát tăng quy mô doanh thu năm 2026 tới 60% và tăng lợi nhuận năm 2026 lên 2,46 lần so với năm 2024.

Đối với Tập đoàn Hoa Sen, nhóm phân tích BSC Research kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp sẽ đạt 1,97 triệu tấn, tăng tới 17% so với cùng kỳ trong năm 2025 nhờ thị trường nội địa phục hồi, và việc áp thuế chống bán phá giá thép mạ từ Trung Quốc giúp công ty đẩy mạnh bán hàng kênh nội địa.

Việc Hoa Sen đẩy mạnh tỷ trọng kênh nội địa vốn có biên lợi nhuận cao (20%), cùng với đó là diễn biến giá thép HRC thế giới thuận lợi hơn khi nhu cầu thép từ Trung Quốc phục hồi là những yếu tố kỳ vọng biên lợi nhuận đạt 16% trong năm 2025, tăng 3,9 điểm phần trăm so với năm 2024.

Còn tại Thép Nam Kim, BSC Research kỳ vọng sản lượng tiêu thụ đạt 934.292 tấn, tăng 7% trong năm 2025 chủ yếu nhờ nhờ thị trường nội địa và áp thuế chống bán phá giá. Trong đó, sản lượng tiêu thụ nội địa được kỳ vọng đạt 491.711 tấn, tăng 23% và xuất khẩu đạt 442.581 tấn, giảm 7% so với cùng kỳ trong năm 2025.

Linh Mi

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/ap-thue-chong-ban-pha-gia-thep-tu-trung-quoc-han-quoc-co-phieu-thep-huong-loi-lon-post553281.html
Zalo