Điện Biên bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc

Trong những năm gần đây, tỉnh Điện Biên rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó, không chỉ gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho Nhân dân, nhất là người dân sinh sống ở các bản vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Người dân chơi tó má lẹ tại Lễ hội Hoa Ban.

Người dân chơi tó má lẹ tại Lễ hội Hoa Ban.

Cộng đồng 19 dân tộc ở Điện Biên vốn có nền văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú; dù đời sống gặp khó khăn nhưng đồng bào các DTTS vẫn gìn giữ và phát triển nhiều môn TTDT đặc trưng của dân tộc mình. Hàng năm, tại các lễ hội, ngày tết, từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố vẫn thường tổ chức thi đấu, tái hiện những môn thể thao truyền thống của các dân tộc sôi nổi như: Kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, ném pao, tù lu; tung còn, tó má lẹ, giã bánh giày… Đây vừa là các môn TTDT, vừa là trò chơi dân gian gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào. Rất nhiều trò chơi đã được phát triển thành bộ môn thể thao nằm trong danh sách các môn thi ở những giải đấu các cấp; từ đó góp phần bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa của dân tộc, khuyến khích phong trào luyện tập và thi đấu TDTT trong Nhân dân.

Anh Lò Văn Hỏa, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) - một trong những vận động viên tiêu biểu, xuất sắc của tỉnh đã giành được hơn 100 huy chương các loại ở môn bắn nỏ, từ giải cấp huyện đến toàn quốc. Anh Hỏa cho hay: “Để có được thành tích cao, tôi thường xuyên luyện tập và tích cực tham gia các giải thể thao cấp xã, huyện tổ chức. Các giải đấu ở cơ sở giúp tôi cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng, sự tập trung cao và tự mình khắc phục những hạn chế để có được kết quả thi đấu tốt nhất ở các giải đấu khu vực và quốc gia”.

“Trước đây, khi còn đi học, tôi thường chơi đẩy gậy với các bạn. Nhìn đơn giản, nhưng để chơi tốt thì cần phải có thể lực, kỹ thuật... Đặc biệt, môn thể thao này giúp tôi rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi cũng đã đạt nhiều giải thưởng ở môn đẩy gậy do huyện, tỉnh tổ chức. Bây giờ, thấy các bạn trẻ chơi môn thể thao này nhiều, tôi cảm thấy rất vui, góp phần giữ gìn và phát triển thể thao truyền thống, dân tộc” - chị Pòng Thị Oai, bản Mới, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) chia sẻ.

Người dân và du khách chơi ném còn trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban.

Người dân và du khách chơi ném còn trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban.

Triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi… Với tiềm năng phát triển du lịch, bản Nà Sự, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) đã được lựa chọn tiến hành khảo sát, bảo tồn, phục dựng các môn thể thao dân tộc truyền thống, các trò chơi dân gian của dân tộc Thái (ngành Thái trắng). Ông Thùng Văn Quân, Trưởng bản Nà Sự cho biết: Thông qua việc phục dựng đã làm “sống” lại các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc Thái (Tung còn, tó sáng, tó má lẹ, tó phại…) đã và đang dần bị mai một trước cuộc sống hiện đại. Từ đó giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa mà cha ông truyền lại; giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sự dẻo dai, linh hoạt và sức bền”.

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các trò chơi dân gian, tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều chương trình, lễ hội phong phú, đặc sắc như: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh, huyện; Lễ hội Hoa Ban; Lễ hội Đua thuyền đuôi én TX. Mường Lay; ngày hội văn hóa - thể thao theo từng dân tộc… cùng với việc chú trọng tổ chức phần lễ trang trọng, tỉnh đã định hướng, chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa các môn thể thao dân tộc vào phần hội.

Đơn cử như tại Lễ hội Hoa Ban, du khách không chỉ được chìm đắm trong không gian văn hóa với phong vị rất riêng của mảnh đất Điện Biên, mà còn được tham gia trải nghiệm những trò chơi dân gian truyền thống. Qua sự giao lưu và hướng dẫn nhiệt tình của người dân, du khách hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống, lâu đời của các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Các đội thể thao quần chúng tham gia thi kéo co tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ lần thứ II.

Các đội thể thao quần chúng tham gia thi kéo co tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ lần thứ II.

Thực tiễn cho thấy, những năm qua phong trào TDTT ở vùng đồng bào DTTS đã có những bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, có chiều sâu. Hầu hết các địa phương đã xây dựng được lực lượng vận động viên các môn thể thao dân tộc có năng khiếu, nhiệt tình, sẵn sàng tham gia thi đấu các giải thể thao trong, ngoài tỉnh. Ông Đào Hồng Hà, Phó Trưởng phòng phụ trách, Phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Việc duy trì, phát triển các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Thông qua giải thể thao từ cấp huyện, cấp tỉnh đã tuyển chọn, đào tạo nhiều vận động viên xuất sắc tham gia thi đấu đạt thành tích cao tại các giải khu vực và toàn quốc”. Năm 2023, tỉnh Điện Biên đã thành lập 4 đoàn vận động viên tham gia các giải thể thao quần chúng ở khu vực và toàn quốc, kết quả đã đạt 26 huy chương (6 huy chương vàng, 7 bạc, 13 đồng).

Với mục tiêu phát triển cả về số lượng và chất lượng các môn thể thao dân tộc, thời gian tới tỉnh Điện Biên tiếp tục khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân duy trì việc tập luyện các môn thể thao dân tộc. Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các DTTS. Tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm phát hiện, tuyển chọn những tài năng triển vọng; duy trì, nhân rộng các câu lạc bộ thể thao dân tộc ở các địa phương. Đặc biệt, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quy hoạch các thiết chế phục vụ TDTT; các địa phương linh hoạt, xã hội hóa, vận động Nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp xây dựng sân phục vụ tập luyện, giao lưu, thi đấu các môn TDTT... Từ đó, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần; đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc. Đây cũng là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển phong trào TDTT trong cộng đồng, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Bài, ảnh: Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/217319/dien-bien-bao-ton-phat-trien-cac-mon-the-thao-dan-toc
Zalo