'Điểm tựa' cho người nghèo ở Tuy Phong

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại huyện Tuy Phong phát huy hiệu quả đã trở thành 'điểm sáng' trong công cuộc giảm nghèo, thay đổi cuộc sống của nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Nâng chất lượng cuộc sống

Trong những năm qua, huyện Tuy Phong đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, mang lại nhiều thay đổi tích cực cho những hộ khó khăn trên địa bàn. Anh Lựu Trọng Sư, người dân tộc Chăm ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, là một ví dụ điển hình. Trước đây, anh gặp nhiều khó khăn khi muốn đầu tư sản xuất nhưng lại thiếu vốn. Nhờ sự hỗ trợ từ Đoàn xã Phú Lạc, anh đã tiếp cận được nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện để đầu tư chăn nuôi dê. Nhờ đó, cuộc sống của anh ngày càng ổn định hơn. Nhận thấy tiềm năng của việc chăn nuôi dê, anh Sư tiếp tục được hỗ trợ vay thêm 150 triệu đồng từ kênh Trung ương Đoàn thông qua NHCSXH. Hiện tại, anh không chỉ phát triển chăn nuôi hiệu quả mà còn tạo việc làm ổn định cho 3 lao động là người dân tộc thiểu số trong xã với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Thu nhập hàng năm của gia đình anh Sư đã vượt ngưỡng 170 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ổn định hơn.

Kiểm tra sử dụng vốn vay.

Kiểm tra sử dụng vốn vay.

Tại xã Phong Phú, nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo nhờ tiếp cận kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách như hộ ông Võ Ngọc Tòng ở thôn 2 trồng táo theo hướng VietGAP, hay hộ bà Phạm Thị Hồng chăn nuôi bò sinh sản đều có thu nhập bình quân từ 150-170 triệu đồng mỗi năm. Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Phong Phú, nhờ vào các chương trình tập huấn khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, số hộ nông dân khá và giàu trong xã ngày càng tăng lên. Nguồn vốn đã giúp các hộ nghèo biết cách tổ chức sản xuất kinh doanh và sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Vốn tín dụng chính sách giải quyết nhu cầu "khát vốn" người thu nhập thấp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Vốn tín dụng chính sách giải quyết nhu cầu "khát vốn" người thu nhập thấp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Sự đồng lòng của hệ thống chính trị

Theo Huyện ủy Tuy Phong, sau gần 22 năm triển khai thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, và đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đã tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng NHCSXH hỗ trợ những đối tượng yếu thế vượt qua đói nghèo. Cùng với nhiều chương trình hỗ trợ khác, vốn tín dụng chính sách trở thành công cụ đắc lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Kết quả, tính đến cuối năm 2023, toàn huyện Tuy Phong chỉ còn 613 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,61%, và 2.832 hộ cận nghèo, chiếm 7,43% dân số toàn huyện (38.125 hộ dân). Qua đó, cho thấy sự hiệu quả và nhân văn của các chính sách tín dụng xã hội mà Đảng và Nhà nước đã triển khai.

Huyện Tuy Phong đẩy mạnh chương trình Huy động gửi tiết kiệm cho người nghèo.

Huyện Tuy Phong đẩy mạnh chương trình Huy động gửi tiết kiệm cho người nghèo.

Mặc dù nguồn ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng xác định vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, hàng năm HĐND và UBND huyện Tuy Phong luôn quan tâm chỉ đạo ưu tiên dành một phần ngân sách địa phương chuyển ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30/4/2024, nguồn vốn ủy thác tại địa phương đã đạt 14.171 triệu đồng, chiếm 2,62% tổng nguồn vốn hoạt động của PGD NHCSXH huyện, tăng 13.371 triệu đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Ông Đặng Công Đạm - Giám đốc PGD NHCSXH huyện Tuy Phong, cho biết: “Kết quả thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã giúp 59.303 lượt hộ vay vốn, giúp cho 4.430 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 8.765 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học và 3.565 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Chương trình cũng đã xây dựng được 18.726 công trình nước sạch và vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân”.

THANH DUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/diem-tua-cho-nguoi-ngheo-o-tuy-phong-122990.html
Zalo