'Điểm tựa' biên cương (Bài 1): Khi 'nhà' có đảng viên

Trong cuộc sống, ai cũng cần có một 'điểm tựa'. Đối với người dân vùng biên cương, 'điểm tựa' ấy không đơn thuần là vật chất mà còn là tình cảm thiêng liêng của tình quân - dân thắm thiết. Tựa vào nhau tạo nên thế trận lòng dân vững chãi, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hộ ông Hà Văn Dự ở bản Lách, xã Tam Chung được giúp đỡ đã phát triển kinh tế từ ao cá, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập. Ảnh: P.V

Hộ ông Hà Văn Dự ở bản Lách, xã Tam Chung được giúp đỡ đã phát triển kinh tế từ ao cá, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập. Ảnh: P.V

Giúp dân không chỉ là “mệnh lệnh trái tim” của mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng; mà những việc các anh làm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí đồng bào các dân tộc vùng cao. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8/10/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh “Về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới” (gọi tắt là Chỉ thị số 681-CT/ĐU), thì việc xuống địa bàn, giúp dân của đảng viên biên phòng đã trở thành việc tất yếu.

Nói dân hiểu, làm dân tin

Cuối ngày, chúng tôi cùng Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng phòng chống ma túy và tội phạm Đồn biên phòng (ĐBP) Quang Chiểu về bản Chai, xã Mường Chanh (Mường Lát) thăm một số hộ gia đình được Đảng ủy, Chỉ huy ĐBP phân công anh phụ trách theo Chỉ thị số 681-CT/ĐU.

Anh Thảo được Đảng ủy, Chỉ huy ĐBP phân công phụ trách 4 hộ. Quá trình công tác, bám địa bàn, anh Thảo nhận thấy có trường hợp gia đình chỉ có hai mẹ con, mẹ già yếu, mắt mờ, con là Vi Văn Yến (SN 1992) bị bệnh phù não bẩm sinh, cuộc sống rất khó khăn. Anh Thảo đã xin đổi phụ trách hộ khác, thay vào đó là nhận hộ Vi Văn Yến để giúp đỡ. Anh Thảo đề xuất với Đảng ủy, Chỉ huy ĐBP hỗ trợ mẹ con Yến 1 con bò sinh sản, nhưng Yến không biết chăm nên không hiệu quả. Anh Thảo trăn trở nghĩ cách khác giúp. Những lần ĐBP phối hợp tổ chức thăm khám bệnh, anh đăng ký cho hai mẹ con đi khám, lấy thuốc, mong cải thiện sức khỏe; phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi, vận động những hộ trong bản giúp Yến thu hoạch nông sản, sửa lại nhà. Anh Thảo cũng đã xin được 4 tạ xi măng và vận động thanh niên bản làm đường vào nhà cho mẹ con Yến, giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

Với những hộ dân khó khăn khác cần giúp, anh Thảo cũng không nề hà. Anh kết nối với nhà hảo tâm giúp đỡ 3 cháu mồ côi ở bản Piềng Tặc, Na Hin và bản Bóng, mỗi cháu 5 triệu đồng/năm, tặng sách vở, đồ dùng học tập, quà ngày lễ tết, giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực học tập trở thành công dân tốt.

Công tác tại ĐBP Quang Chiểu từ năm 2009, sau đó anh Thảo được điều động tăng cường vào phía Nam. Đến năm 2015, cấp trên điều động anh quay về công tác tại ĐBP Quang Chiểu cho đến nay. Thời gian công tác khá dài, nên mỗi con đường, ngõ ngách, hộ dân xã Mường Chanh anh Thảo thuộc như lòng bàn tay. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, anh thường xuyên đến các hộ trò chuyện với thanh niên, động viên các ông, bà cao tuổi như người thân trong gia đình. Sự chân tình, gần gũi ấy của anh đã được bà con dân bản tin tưởng, quý mến. Anh cùng với đồng đội tham mưu cho đảng ủy, chính quyền địa phương và Đảng ủy, Chỉ huy ĐBP Quang Chiểu vận động bà con giảm dần tiến tới xóa bỏ tục “ăn vía”, “làm vía”, cưới hai lần của người Thái... giảm tốn kém cho các hộ với mong muốn người dân Mường Chanh nhận thức tốt để phát triển, có cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Thiếu tá Lê Quang Đạo, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên Đội phòng chống tội phạm và ma túy ĐBP Tam Chung dẫn chúng tôi đến thăm gia trại của ông Hà Văn Dự ở bản Lách - hộ dân được anh giúp đỡ. Anh Đạo kể: “Gia cảnh ông Dự vô cùng khó khăn, vợ chồng con trai qua đời vì bệnh hiểm nghèo, để lại cho ông bà 2 cháu nhỏ. Năm 2018, cố Thiếu tá Trịnh Tứ Thắng, Đội trưởng đội tuyên truyền vận động ĐBP Tam Chung phụ trách và đỡ đầu 2 cháu nhỏ. Anh Thắng tham mưu với ĐBP hỗ trợ ông Dự máy múc cải tạo ao nuôi cá, dựng lán trông nom, hỗ trợ con giống và hướng dẫn cách chăn nuôi. Không may năm 2021, anh Thắng đột ngột qua đời. Hiện nay, gia đình ông Dự do tôi đảm nhận phụ trách giúp. Dù mới được phân công giúp gia đình ông Dự thời gian ngắn, nhưng tôi thấy ông Dự rất có ý thức vượt khó dù tuổi cao, sức yếu”.

Thấy chúng tôi đến, ông Dự đon đả mời thăm gia trại và khoe: “Gia đình tôi được giúp 30 con vịt ban đầu, sau 2 năm đã có hơn 200 con vịt đẻ trứng và thương phẩm. Ao cá cũng cho thu hoạch mỗi năm hai lứa. Kinh tế gia đình ổn định hơn".

Để người dân các bản khó khăn vùng giáp biên giới thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sớm thoát khỏi nghèo khổ như gia đình ông Dự, anh Yến không phải chuyện một sớm, một chiều. Mỗi đơn vị có cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với thực tế và nhu cầu người dân. Sự giúp đỡ đó đã giúp nhiều hộ cải thiện chất lượng cuộc sống, người dân mới tin tưởng và làm theo.

Đi dân nhớ, ở dân thương

Trong chuyến công tác về bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) cùng với Hội LHPN tỉnh và ĐBP Cửa khẩu quốc tế Na Mèo tổ chức truyền thông xóa bỏ định kiến giới, xây dựng mô hình “Vườn rau xanh, nhà sạch đẹp, bếp ngăn nắp, chuồng xa nhà”... chúng tôi được chứng kiến không khí ấm áp thân tình của bà con dân bản dành cho cán bộ. Bởi cuộc sống của đồng bào Mông có nhiều khởi sắc nhờ sự quan tâm, giúp đỡ rất lớn của cán bộ, đảng viên ĐBP.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm ĐBP Quang Chiểu xuống cơ sở, trò chuyện, nắm bắt tư tưởng của bà con bản Chai, xã Mường Chanh.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm ĐBP Quang Chiểu xuống cơ sở, trò chuyện, nắm bắt tư tưởng của bà con bản Chai, xã Mường Chanh.

Trưởng Ban công tác mặt trận bản Xía Nọi Sung Văn Cấu cho biết: "Bản có 35 hộ sinh sống, 100% người dân là đồng bào Mông. Từ năm 2022, bản có điện lưới về, bà con được tiếp cận thông tin nhiều hơn; con em của bản mạnh dạn “thoát ly” làm ăn xa mang tư tưởng, lối sống văn hóa mới về bản; trẻ em được đến trường học... Vì thế, nếp sống cũ, hủ tục dần được xóa bỏ. Thành công đó, có sự tận tâm của các đồng chí lãnh đạo cấp trên và BĐBP. Nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã về giúp dân, để lại những kỷ niệm sâu sắc với dân bản chúng tôi. Sự giúp đỡ đó đã góp phần khích lệ người dân vượt khó, vươn lên lao động sản xuất. Nhờ đó mà bản đã trồng được 2 vụ lúa/năm, chăn nuôi phát triển đàn nhiều hơn, nhiều hộ dân có thu nhập từ trồng ngô, quế, luồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm... đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ. Số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” tăng từ 45% (2020) lên 50% (năm 2023), công tác an ninh trật tự được giữ vững".

Luân phiên công tác ở các ĐBP theo sự phân công của tổ chức, dù ở đơn vị nào, cán bộ, đảng viên biên phòng cũng luôn trăn trở làm tốt nhiệm vụ hơn nữa để giúp dân. Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các xã trên địa bàn khảo sát, thống nhất lựa chọn các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để lập danh sách phân công đảng viên phụ trách, giúp đỡ. Trong quá trình thực hiện, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các ĐBP kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất thông qua làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương hoặc xuống tận hộ. Các đảng viên biên phòng được phân công phụ trách hộ gia đình, chịu sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chi bộ các đội, trạm và của cấp ủy, chỉ huy đồn để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập. BĐBP tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện chỉ thị. Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị đánh giá kết quả thực hiện, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, bàn giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 681-CT/ĐU.

Trên tinh thần chỉ đạo của Chỉ huy BĐBP tỉnh và để tránh tình trạng một bộ phận người nghèo có tâm lý ỷ lại, trước khi trao “cần câu”, các ĐBP đã chỉ đạo các đảng viên triển khai cho các hộ được giúp đỡ ký cam kết để hộ có động lực phấn đấu vươn lên. Quá trình thực hiện, các đảng viên được đảng ủy các xã và Đảng ủy ĐBP quan tâm, tạo điều kiện và được ban quản lý bản ủng hộ.

Nhiều năm gắn bó với biên giới, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các đảng viên ĐBP phụ trách hộ gia đình đã thực sự trở thành người con của bản, hiểu phong tục tập quán, nói tiếng dân tộc, hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con... Ngoài giúp dân thoát nghèo, nâng cao nhận thức, các anh còn kêu gọi nhà hảo tâm, doanh nghiệp đầu tư cho địa phương. Các anh hiểu, muốn dân tin, phải là chỗ dựa tin cậy, là “điểm tựa” vững chắc của bà con lúc bà con cần; thấu hiểu, đồng cảm sẻ chia, coi bà con như người thân của mình. Chỉ khi đời sống khá lên, bà con mới yên tâm, tin tưởng vào những việc cán bộ, chiến sĩ làm.

Nhóm phóng viên

Bài 2: Hồi sinh nhiều bản làng, thắp sáng những ước mơ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/diem-tua-bien-cuong-bai-1-khi-nha-co-dang-vien-227896.htm
Zalo