Câu chuyện hôm nay: Gỡ khó khi chuyển tuyến bảo hiểm y tế

Hiện nay, việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh là một quy trình thiết yếu nhằm đảm bảo người bệnh nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Do vậy, quy định về chuyển tuyến nói chung và giấy chuyển tuyến nói riêng được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, để có thể chuyển tuyến, người bệnh sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục, điều này gây nên không ít phiền hà cho người dân, thậm chí làm trì hoãn cơ hội tốt để bệnh nhân được điều trị kịp thời.

Theo quy định của Luật hiện hành, từ 1/1/2016 nước ta đã thông tuyến huyện trên phạm vi toàn tỉnh và 1/1/2021đã thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc đối với điều trị nội trú. Chính sách thông tuyến này đã và đang góp phần đảm bảo sự công bằng cho những người tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, có một thực tế, kể từ khi thông tuyến, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến xã đã giảm hẳn so với trước đây. Chỉ tính riêng năm 2022, số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các cơ sở này chỉ còn chiếm 14%. Trong khi đó, số lượng khám chữa bệnh nội trú trái tuyến tại tuyến tỉnh tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều vướng mắc liên quan đến tuyến, vượt tuyến, chuyển tuyến, gây tình trạng quá tải trở lại đối với tuyến trên và giảm tỷ lệ khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở.

Đây cũng là nguyên nhân việc thông tuyến lên Trung ương chưa thể triển khai. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì người dân sẽ đổ xô lên khám bệnh ở tuyến cao nhất, gây xáo trộn hệ thống khám chữa bệnh trên cả nước, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh nhân và mất cân đối Quỹ bảo hiểm y tế. Nhưng nếu giữ nguyên các quy định về chuyển tuyến như hiện hành thì người bệnh sẽ chật vật mỗi khi cần khám chữa bệnh chuyên sâu mà tuyến dưới không thể đáp ứng.

NAN GIẢI BÀI TOÁN CHUYỂN TUYẾN BẢO HIỂM Y TẾ

Bệnh nhân này mới được chẩn đoán bị u di căn não. Dù mới nằm viện 3 ngày nhưng các khoản chi phí xét nghiệm đã lên tới hơn chục triệu đồng. Với mong muốn giảm bớt gánh nặng viện phí, người nhà đã về bệnh viện theo đúng tuyến bảo hiểm y tế để xin giấy chuyển viện, tuy nhiên phía bệnh viện lại không cung cấp.

Còn với bệnh nhân này, mang trong mình căn bệnh ung thư vú, mỗi năm phải đến Bệnh viện tuyến trên để xét nghiệm lại và truyền hóa chất vài đợt. Với mức đóng bảo hiểm y tế của chị thì chỉ được hưởng tối đa 80% còn 20% phải đồng chi trả. Tuy nhiên khoản đồng chi trả cũng là con số quá lớn đối với chị.

Để có thể chuyển tuyến và hưởng 100% quyền lợi của thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh chẳng có cách nào khác ngoài việc về cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để làm thủ tục xin cấp giấy chuyển tuyến. Mất thời gian, công sức, nhiều người không thể chờ đợi đã phải bỏ bảo hiểm, chấp nhận chi khoản viện phí khổng lồ để khám chữa bệnh.

Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ung thư giai đoạn nặng. Trong đó có những bệnh nhân chỉ được hưởng 30% bảo hiểm y tế. Điều này gây thiệt thòi cho người bệnh bởi với những kĩ thuật cao hiện có, nếu bệnh nhân được bảo hiểm chi trả tối đa thì sẽ rất thuận lợi trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

GỠ KHÓ KHI CHUYỂN TUYẾN BẢO HIỂM Y TẾ

Lo lắng vì bệnh, giờ lại phải chạy vạy đi xin giấy chuyển tuyến. Không được thì phải bỏ tiền túi để “cứu lấy chính mình”. Người bệnh lúc này dường như rơi vào bế tắc. Để giải bài toán này, mới đây, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã đề xuất người mắc một số bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kĩ thuật cao sẽ được chuyển thẳng lên cơ sở tuyến trên mà không cần giấy chuyển viện và được hưởng 100% quyền lợi của bảo hiểm y tế. Như trút được gánh nặng, nhiều người bệnh tỏ ra phấn khởi. Chính sách này nếu được thông qua sẽ tạo thuận lợi cho những người bệnh nặng, chi phí khám chữa bệnh sẽ không còn là nỗi lo đối với họ.

Thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí tuyến huyện đã có nhiều đổi mới, đầu tư trang thiết bị kĩ thuật để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh. Bởi vậy, theo các bác sĩ tại các tuyến này, đôi khi chuyển tuyến là do nhu cầu người bệnh. Bác sĩ chưa kịp đưa ra phác đồ điều trị thì bệnh nhân đã muốn lên tuyến trên.

Tuy nhiên, với tuyến Trung ương, tình trạng đông bệnh nhân là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy nếu thông tuyến, rất có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới người bệnh.

Tuyến Trung ương hiện tại đang rất quá tải thì chắc chắn bệnh nhân sẽ quá tải hơn rất nhiều lần. Dẫn đến bệnh nhân sẽ không được thăm khám kĩ lưỡng, chẩn đoán kịp thời và điều trị kịp thời. Có thể bỏ sót tổn thương, có thể làm chậm trễ quá trình điều trị vì bệnh nhân đông quá tải là phải chờ đợi mà sẽ bỏ sót, bỏ lỡ cơ hội vàng để điều trị cho bệnh nhân, bệnh nhân có thể từ giai đoạn sớm mà trở thành giai đoạn muộn có thể điều trị. Điều này tác động trực tiếp tới chất lượng điều trị và quyền lợi bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, để giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên, việc thông tuyến cần thực hiện có lộ trình.

Theo các chuyên gia, việc chia nhóm bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kĩ thuật cao được chuyển thẳng lên tuyến trên điều trị theo diện hưởng toàn bộ quyền lợi bảo hiểm y tế đang chưa hợp lý. Chuyên gia cho rằng nên có cơ chế mở, để người bệnh chủ động lựa chọn nơi khám bệnh từ tuyến tỉnh trở xuống.

Liên quan tới đề xuất người mắc một số bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kĩ thuật cao sẽ được chuyển thẳng lên cơ sở tuyến trên mà không cần giấy chuyển viện và được hưởng 100% quyền lợi của bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục đánh giá những loại bệnh nào là cần thiết chuyển thẳng lên tuyến trên để tránh tình trạng quá tải.

Theo thống kê, hiện có trên 93% người dân tham gia bảo hiểm y tế, con số này sẽ còn tăng lên theo mỗi năm. Tuy nhiên, hiệu quả sử vẫn ít ỏi bởi thủ tục chuyển tuyến còn phức tạp. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh, đồng thời tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế, bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật khác. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Nếu được thông qua, Luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Thảo Nguyên - Tiến Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/cau-chuyen-hom-nay-go-kho-khi-chuyen-tuyen-bao-hiem-y-te-239890.htm
Zalo