Điểm trường Làng Nủ lại vang tiếng trẻ thơ

Hơn 2 tuần sau cơn lũ dữ, cô trò điểm trường Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã trở lại trường.

Gác lại đau thương, cô trò điểm trường Làng Nủ tiếp tục đến trường.

Gác lại đau thương, cô trò điểm trường Làng Nủ tiếp tục đến trường.

Tiếng trẻ thơ ê a đánh vần vang lên tại điểm trường đầy ấm áp như xoa dịu nỗi đau để tiếp tục“hồi sinh” cuộc sống mới…

Ấm áp khu tạm cư

Để bù đắp phần nào mất mát to lớn mà người dân phải hứng chịu sau lũ quét, sạt lở kinh hoàng ngày 10/9 vừa qua, khu tái định cư Làng Nủ được đầu tư xây dựng mới trên đồi sim, cách làng cũ gần 2km, với tổng diện tích trên 10ha. Vị trí này được đánh giá an toàn, thuận lợi về giao thông, gần nguồn nước và đất sản xuất của bà con.

Sau quá trình thi công “thần tốc”, khu tạm cư mới cho người dân thôn Làng Nủ hoàn thành, mang lại nơi ở an toàn và ổn định cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai. Ông Hoàng Văn Diệp - Trưởng thôn Làng Nủ cho biết: “Dự án xây dựng khu tạm cư là kết quả của sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, lực lượng xây dựng, quân đội, dân phòng, thanh niên cùng sự hỗ trợ kịp thời từ Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup. Sau 7 ngày thi công, 25 căn nhà khung thép, mỗi căn rộng 36 m2, sử dụng vật liệu lắp ghép đã hình thành”.

Gia đình chị Hoàng Thị Cảnh - một trong số 38 nhà bị ảnh hưởng do trận lũ quét. Chồng chị mất tích chưa tìm thấy. Được lực lượng hỗ trợ di chuyển đến nơi ở tạm, chị Cảnh phần nào yên tâm hơn vì đã có chỗ ở an toàn cho 2 con và bản thân.

“Các con hay hỏi tôi: Mẹ ơi sao nhà mình chưa có nhà? Con đi học có được không? Giờ có ngôi nhà để 3 mẹ con ở tạm, chắc các con sẽ yên tâm hơn khi đến trường học tập, tôi cũng dần ổn định tinh thần để tiếp tục sản xuất, lo liệu cho con và cuộc sống”, chị Cảnh tâm sự.

 Khu tạm cư của người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh được hoàn thành sau 7 ngày thi công.

Khu tạm cư của người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh được hoàn thành sau 7 ngày thi công.

Khu tạm cư được san gạt thành 3 cấp dọc sườn đồi, trên nền nhà văn hóa cũ của thôn, với tổng diện tích 2.500 m2. Dù là nhà tạm, nhưng mỗi căn đều chắc chắn, kín gió, giúp các hộ yên tâm vượt qua mùa Đông sắp tới.

“Tôi mất mẹ đẻ và con sau trận lũ, không biết lập bàn thờ ở đâu. Trong khi khu tái định cư chưa hoàn thành, được ở trong nhà tạm, gia đình có nơi đặt bàn thờ cho người đã mất khiến tôi yên tâm hơn. Thời gian trôi qua, người dân Làng Nủ chắc sẽ vơi bớt nỗi đau buồn và ổn định lại cuộc sống”, chị Hoàng Thị Thương, thôn Làng Nủ chia sẻ.

Theo ông Trần Trọng Thông - Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, ngay sau khi hoàn thành, lực lượng chức năng đã tổ chức chuyển các hộ dân mất nhà đang sinh sống rải rác, ở nhờ bà con trong thôn về khu tạm cư. Các tổ chức, cá nhân hảo tâm từ nhiều nơi cũng có mặt cùng chính quyền chăm lo đời sống cho bà con. Sự hỗ trợ kịp thời đã trang bị cho người dân những vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết để ổn định cuộc sống trong thời gian chờ tái thiết khu dân cư mới.

Chia sẻ thông tin, ông Đặng Văn Mạnh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Bảo Yên cho biết thêm: Sau thời gian chuẩn bị, ngày 21/9, khu tái định cư Làng Nủ đã khởi công. Các phương tiện, máy móc được đưa vào thi công, xây dựng 40 căn nhà theo truyền thống của đồng bào dân tộc Tày.

Ngoài ra, khu tái định cư sẽ được xây dựng nhà văn hóa, trường học, công trình hạ tầng (đường, điện, nước…) đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài. Việc tái thiết Làng Nủ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cần thiết và sẽ hoàn thành trước 31/12.

 Điểm trường Làng Nủ đón trẻ trở lại trường sau cơn lũ.

Điểm trường Làng Nủ đón trẻ trở lại trường sau cơn lũ.

Tiếng trẻ thơ vang trên điểm trường

Từ những ngôi nhà còn sót lại và các cụm dân cư khác của Làng Nủ, phụ huynh đã dắt tay con, cháu đến điểm trường Làng Nủ của Trường Mầm non số 1 Phúc Khánh. Những đứa trẻ non nớt dường như chưa hiểu nhiều về chuyện đã xảy ra ở nơi đây. Xa lớp, xa cô giáo lâu nên các em đầy háo hức khi tới trường sau bão lũ.

“Sau 2 tuần tạm ngừng học, giọng đánh vần tiếng Việt, tiếng đồng dao của cô trò điểm trường Làng Nủ lại vang lên. Cuộc sống đang dần hồi sinh sau trận lũ quét tàn khốc”, cô Nguyễn Phương Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non số 1 Phúc Khánh chia sẻ.

Điểm trường Làng Nủ nằm ở trên gò đất cao, cuối con suối, nên không bị hư hại bởi lũ quét. Sau trận lũ, nơi đây được dùng làm chỗ ở cho các chiến sĩ bộ đội, công an tìm kiếm nạn nhân bị mất tích.

“Ngay khi lực lượng cứu hộ chia tay Làng Nủ để thực hiện nhiệm vụ khác, giáo viên đã nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh để đón trò trở lại trường. Tất cả đều mong muốn mang đến một môi trường học tập tốt nhất trong điều kiện có thể để trẻ sớm ổn định tinh thần, bắt nhịp với trường lớp nhanh chóng”, cô Vũ Thị Tuyết Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Phúc Khánh cho biết.

 Điểm trường Làng Nủ rộn vang tiếng trẻ đánh vần.

Điểm trường Làng Nủ rộn vang tiếng trẻ đánh vần.

Sáng 23/9, cô giáo Mai Hồng Nhung tại điểm trường Làng Nủ mắt ngấn lệ, cố kìm tiếng khóc, ra tận cổng trường dang rộng vòng tay đón từng trò nhỏ như đón những đứa con của mình trở về sau hai tuần cách xa. Nỗi buồn thương của giáo viên nơi đây với những em nhỏ đã mất còn vương trong ánh mắt mà không thể nói thành lời. Bao tình cảm, nhiệt huyết của các cô sẽ dồn hết cho những em nhỏ còn may mắn trở lại trường.

“Các con đây rồi! Chúng mình lại cùng đánh vần, cùng hát bài đồng dao về Làng Nủ để tưởng nhớ về các bạn đã vắng mặt hôm nay nhé”, cô Mai Hồng Nhung nghẹn ngào nói.

Cô Nhung vẫn nhớ rõ bạn Khôi thích cây nấm; Linh thích con cào cào; Nam thích ngôi sao vàng năm cánh vì bạn có chiếc áo mặc đi học có in hình lá cờ đỏ sao vàng. Còn Quân thích chiếc xe đạp nhỏ - em ước khi vào lớp 1 sẽ được mẹ mua cho chiếc xe đạp nhỏ hàng ngày đạp xe đến trường…

Nhưng, trong những buổi học đầu tiên trở lại trường sau lũ, chỗ ngồi ở lớp đã vắng những học trò này. Kỷ vật các em để lại được cất gọn. Khuôn mặt và cả những ước mơ nhỏ bé của các em sẽ mãi trong ký ức của cô.

Hiện, học sinh của điểm trường tiểu học sát vách đã chuyển về trung tâm để ở bán trú, thuận lợi cho việc đi học. Điểm trường Làng Nủ giờ chỉ còn 2 lớp với 37 trẻ. Gác lại những nỗi đau còn đó, cô trò điểm trường Làng Nủ tiếp tục với nhịp sống, học tập hằng ngày. Lời dặn dò dịu dàng, trầm ấm của cô Nhung, cô Hoàng Thị Nự xen lẫn lời ca, tiếng hát của những đứa trẻ như bày tỏ nỗi niềm: Làng Nủ sẽ bình yên trở lại!

Được sự quan tâm giúp đỡ về chỗ ăn, ở sẽ phần nào giúp bà con Làng Nủ vơi bớt nỗi đau buồn. Đó cũng là khẳng định của ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tại lễ khởi công xây dựng khu tái định cư: “Ngôi Làng Nủ cũ mất đi do bão lũ, thiên tai thì chúng ta quyết tâm xây dựng một Làng Nủ mới đẹp, đáng sống, an toàn, nghĩa tình hơn…”.

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/diem-truong-lang-nu-lai-vang-tieng-tre-tho-post703236.html
Zalo