Điểm tin xây dựng - bất động sản tuần qua: Quy định mới về bồi thường tài sản khi Nhà nước thu hồi đất

Hà Nội xem xét cho phép xây dựng công trình tạm trên đất bãi bồi, đất nông nghiệp ven sông; Đề xuất giao chính quyền cấp xã cấp sổ đỏ cho người dân; Đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ liên quan vụ trường tư xây trái phép trên đất công; Đắk Nông chấm dứt dự án tái định cư 'treo' suốt 15 năm tại TP Gia Nghĩa…là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý tuần qua

Quy định mới về bồi thường tài sản khi Nhà nước thu hồi đất

Luật Đất đai năm 2024 đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn về các trường hợp được và không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và tổ chức có liên quan.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tài sản gắn liền với đất gồm: nhà ở, công trình xây dựng, cây trồng, vật nuôi và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Những tài sản này sẽ được bồi thường khi bị thiệt hại do thu hồi đất, với điều kiện được tạo lập hợp pháp và trước thời điểm có thông báo thu hồi đất.

Cụ thể, đối với nhà ở, công trình phục vụ đời sống bị tháo dỡ, phá dỡ khi thu hồi đất, người dân sẽ được bồi thường theo giá trị xây dựng mới của công trình tương đương. Với cây trồng, vật nuôi, mức bồi thường sẽ căn cứ theo giá trị thiệt hại thực tế, năng suất cây trồng và đơn giá tại địa phương do UBND cấp tỉnh ban hành. Đối với cây lâu năm cho thu hoạch nhiều lần, mức bồi thường sẽ tính theo sản lượng còn lại trong chu kỳ thu hoạch.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 105 Luật Đất đai năm 2024 quy định: Tài sản được tạo lập trái pháp luật hoặc hình thành trong thời gian đã có thông báo thu hồi đất sẽ không được bồi thường.

Người dân có nhu cầu cần nghiên cứu kỹ các quy định này và liên hệ với cơ quan quản lý đất đai tại địa phương để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo quyền lợi chính đáng khi bị thu hồi đất.

Hà Nội xem xét cho phép xây dựng công trình tạm trên đất bãi bồi, đất nông nghiệp ven sông

UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết quy định về hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi thuộc tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố. Đây là bước chuẩn bị để trình HĐND TP xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.

Theo dự thảo, đối với đất bãi phục vụ sản xuất nông nghiệp truyền thống, thành phố khuyến khích phát triển các loại cây trồng ngắn ngày, chịu úng tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng như hoa, cây dược liệu, rau quả. Người sử dụng đất được phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các công trình tạm phục vụ sản xuất như lán trại, nhà sơ chế, bảo quản nông sản. Diện tích công trình dao động từ 15 m² đến 100 m² tùy theo diện tích đất canh tác.

Đáng chú ý, dự thảo cũng đề xuất cho phép sử dụng đất bãi để phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm. Các tổ chức, cá nhân có đề án được phê duyệt sẽ được xây dựng công trình như khu trưng bày sản phẩm, khu vườn sinh thái, khu đón tiếp, đào tạo, điều hành, công trình nông nghiệp công nghệ cao…

Tuy nhiên, công trình phải đáp ứng một số điều kiện: không nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi; không nằm trong chỉ giới hành lang thoát lũ; không san lấp hay nâng cao mặt bằng bãi sông và cam kết tự tháo dỡ khi kết thúc thời gian sử dụng. Tổng diện tích xây dựng không vượt quá 15% diện tích khu đất.

UBND TP. Hà Nội cho biết, nội dung dự thảo căn cứ theo Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024, Luật Đất đai 2024 cùng các quy định pháp luật liên quan.

Đề xuất giao chính quyền cấp xã cấp sổ đỏ cho người dân

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có báo cáo gửi Sở Tư pháp TP.HCM, đề xuất phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Đề xuất giao chính quyền cấp xã cấp sổ đỏ cho người dân/Ảnh minh họa

Đề xuất giao chính quyền cấp xã cấp sổ đỏ cho người dân/Ảnh minh họa

Đề xuất này nhằm tham mưu UBND TP.HCM báo cáo Chính phủ trong bối cảnh tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: cấp thành phố và cấp xã, phường.

Hiện ngành tài nguyên và môi trường đang quản lý 304 thủ tục hành chính, trong đó có 237 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, 19 thủ tục cấp xã được đề nghị giữ nguyên. Đáng chú ý, 48 thủ tục do cấp huyện thực hiện đang được đề xuất phân bổ lại: chuyển 4 thủ tục về cấp tỉnh, 38 thủ tục về cấp xã và bãi bỏ 6 thủ tục do trùng lặp.

Riêng lĩnh vực đất đai được đánh giá phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trước mắt cần rà soát và điều chỉnh 10 nhóm vấn đề trong Luật Đất đai 2024, bao gồm hệ thống quy hoạch sử dụng đất, thẩm quyền giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý quỹ đất công, công tác bồi thường và tái định cư.

Đặc biệt, Sở đề xuất chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho cá nhân – thường gọi là “cấp sổ đỏ” – từ cấp huyện về cấp xã. Đề xuất này nhằm tạo thuận lợi cho người dân, rút ngắn thời gian giải quyết và phù hợp với chủ trương phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở. Trong khi đó, các nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn cao như quy hoạch đất đai, quản lý dữ liệu, thanh tra, kiểm tra vẫn do cấp tỉnh đảm nhiệm để đảm bảo tính thống nhất.

Hiện nay, người dân vẫn đang nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của UBND cấp tỉnh hoặc Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Quyết định 2124/QĐ-BTNMT ngày 1/8/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hà Nội: Đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ liên quan vụ trường tư xây trái phép trên đất công

Thanh tra huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa ban hành kết luận thanh tra và đề nghị Chủ tịch UBND huyện xử lý kỷ luật nhiều cán bộ có liên quan trong vụ Trường THPT Đặng Thai Mai (xã Hồng Kỳ) tự ý xây dựng dãy phòng học 4 tầng trên đất công mà không được cấp phép.

Theo kết luận, tháng 11/2024, Trường THPT Đặng Thai Mai có tờ trình gửi UBND xã Hồng Kỳ xin phá dỡ và xây mới dãy phòng học, đồng thời cải tạo nhà vệ sinh và xây thêm các phòng chức năng. Tuy nhiên, trường đã tiến hành thi công khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, vi phạm các quy định về đất đai, đầu tư và xây dựng. Dù UBND xã Hồng Kỳ đã lập biên bản yêu cầu dừng thi công ngay từ giai đoạn làm móng, nhưng công trình vẫn tiếp tục được xây dựng từ tháng 12/2024 đến tháng 3/2025 mà không gặp biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Kết quả, một dãy nhà 4 tầng đã hoàn thành phần thô với ba tầng đổ bê tông cốt thép, tầng 4 lợp mái tôn. Vi phạm chỉ bị đình chỉ khi UBND huyện Sóc Sơn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành vào đầu tháng 4/2025.

Thanh tra huyện xác định trách nhiệm thuộc về lãnh đạo UBND xã Hồng Kỳ, lãnh đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện và một số công chức đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, để công trình vi phạm hoàn thành mà không kịp thời xử lý.

Đáng chú ý, khu đất xây dựng trường nằm trên phần đất công ích do xã quản lý, được cho một cá nhân thuê từ hơn 20 năm trước. Người này sau đó đã tự ý cho nhà trường thuê lại để xây trường THPT Đặng Thai Mai. Hợp đồng thuê đất sẽ hết hạn vào tháng 9/2025 và UBND xã Hồng Kỳ khẳng định sẽ thu hồi khu đất sau thời điểm đó.

Hiện Trường THPT Đặng Thai Mai là một trong những trường tư có học phí thấp nhất Hà Nội (700.000 đồng/tháng), với gần 30 giáo viên, thu nhập trung bình 6-7 triệu đồng/tháng. Nhà trường mong muốn được hỗ trợ hoàn thiện công trình vì phục vụ mục đích giáo dục phi lợi nhuận, tránh ảnh hưởng đến học sinh vùng sâu của huyện Sóc Sơn.

Đắk Nông chấm dứt dự án tái định cư “treo” suốt 15 năm tại TP Gia Nghĩa

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định chấm dứt Dự án khu tái định cư 24ha tại phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa – dự án “đắp chiếu” suốt 15 năm qua, gây nhiều hệ lụy cho người dân trong vùng quy hoạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Công văn số 2723/UBND-NNTNMT do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Trọng Yên ký, tỉnh Đắk Nông thống nhất không tiếp tục triển khai dự án này. UBND TP Gia Nghĩa được giao thông báo tới các hộ dân trong vùng dự án, đồng thời hủy bỏ các quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định pháp luật.

UBND TP Gia Nghĩa cũng có trách nhiệm xử lý dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại liên quan và quản lý, sử dụng đất khu vực dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Dự án khu tái định cư 24ha được khởi động từ năm 2010. Tuy nhiên, đến năm 2012 mới thực hiện thu hồi đợt đầu tiên với 11,54ha đất của 142 hộ dân và tổng kinh phí gần 26,3 tỷ đồng. Dù vậy, hơn một thập kỷ trôi qua, dự án vẫn không triển khai tiếp, biến khu vực này thành một vùng dân cư tạm bợ giữa lòng thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh kế người dân.

Trước thực trạng đó, năm 2022 và 2023, TP Gia Nghĩa đã tổ chức lấy ý kiến người dân và nhận được sự đồng thuận cao với hơn 98% hộ dân đồng ý hủy bỏ dự án. Các sở, ngành liên quan cũng nhiều lần kiến nghị dừng dự án.

Trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định chấm dứt dự án, khép lại một dự án kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận.

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/diem-tin-xay-dung-bat-dong-san-tuan-qua-quy-dinh-moi-ve-boi-thuong-tai-san-khi-nha-nuoc-thu-hoi-dat-727059.html
Zalo