Hiện thực hóa mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội: Gỡ mặt bằng, giảm thủ tục đầu tư
Trong 10 năm trước, cả nước chỉ làm được gần 200.000 căn nhà ở xã hội, trong khi riêng năm 2025, mục tiêu đặt ra là 100.000 căn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần nhiều giải pháp căn cơ và triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương…
Lo trượt bốc thăm vì quá nhiều người mua
Bắc Giang là địa phương tập trung rất nhiều khu công nghiệp, vì thế nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Đến nay, tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội còn khó khăn, do vướng mắc mặt bằng, song các thủ tục xét duyệt đã cơ bản được rút ngắn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh (đứng giữa) kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nam.
Chị Giáp Thị Ngát ở Lục Ngạn (Bắc Giang) làm công nhân tại khu công nghiệp Quang Châu chia sẻ, mỗi ngày đến công ty, vợ chồng chị phải di chuyển quãng đường khoảng 80km cả đi lẫn về. Sau nhiều nỗ lực và được sự hỗ trợ giải quyết thủ tục hồ sơ, chị đủ điều kiện mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang.
Chia sẻ niềm hạnh phúc khi nhận căn nhà mới, chị Ngát bùi ngùi: "Để có được căn nhà là cả một hành trình đầy gian nan. Giờ nhà đã gần chỗ làm, vợ chồng tôi chỉ việc tập trung vào làm việc".
Theo ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), để thực hiện mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương.
Vừa qua, sau khi kiểm tra, thực tế triển khai thực hiện tại 6 tỉnh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã có kết luận và ghi nhận những kiến nghị của các địa phương để báo cáo Thủ tướng.
Hiện, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện để trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, có các cơ chế về chỉ định đầu tư; cắt giảm lồng ghép các thủ tục hành chính; cho phép doanh nghiệp thuê nhà ở xã hội để cho người lao động của mình ở...
Niềm vui của chị Ngát cũng là mong mỏi của hàng trăm nghìn gia đình ở nhiều địa phương. Bởi thực tế, việc phát triển nhà ở xã hội đã được bàn nhiều, trong khi triển khai hiệu quả chưa cao, vì nhiều lý do, nhất là tại các đô thị lớn.
Công tác tại một cơ quan Nhà nước đã nhiều năm, nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh ở Thanh Oai (Hà Nội) vẫn phải đi thuê trọ. Cơ quan ở phố Bà Triệu, mỗi ngày chị Hạnh phải đi gần 30km mới đến nơi. Giấc mơ có một căn nhà trở thành niềm hạnh phúc lớn lao đối với chị.
Chị Hạnh cho biết, đã nhiều lần đi nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, nhưng kém may mắn: "Nhiều lần vẫn chưa qua được "cửa ải" bốc thăm. Nhớ nhất là tháng 5/2023, hai vợ chồng phải xếp hàng từ 4h sáng để nộp hồ sơ mua căn hộ tại dự án Trung Văn, tuy nhiên vận may chưa đến".
Đồng cảnh ngộ, anh Nguyễn Tuấn Anh (Hà Đông, Hà Nội) cũng bị trượt vòng bốc thăm tại nhiều dự án nhà ở xã hội, nhưng vẫn nuôi hy vọng với 2 dự án mới tại Hạ Đình (Thanh Xuân) và Thượng Thanh (Long Biên).
"Dù thời gian tiếp nhận hồ sơ dự án Hạ Đình chưa được chủ đầu tư công bố, nhưng trên các diễn đàn mạng xã hội, lượng người quan tâm đã rất lớn. Tôi sợ khả năng cao lại trượt tiếp vòng bốc thăm", anh Tuấn Anh lo lắng.
Chưa mặn mà vì thủ tục rườm rà
Dù còn gặp nhiều khó khăn, song tại Hà Nam đã có nhiều giải pháp tối ưu, đặc biệt là việc đẩy mạnh dùng vốn đầu tư công.
Ông Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh được giao chỉ tiêu trong năm 2025 là 3.361 căn. Tỉnh phấn đấu năm 2025 hoàn thành 7 dự án với 3.946 căn, vượt hơn 500 căn so với chỉ tiêu.
Cũng theo ông Huy, Hà Nam chủ trương dùng vốn đầu tư công, dành khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có việc xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức.
Tỉnh cũng ưu tiên những vị trí đẹp nhất, giao thông thuận tiện nhất để đầu tư xây dựng. Các khu đất quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội đều được giải phóng mặt bằng sạch 100% trước khi bàn giao chủ đầu tư.
Ông Trần Xuân Dưỡng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường quyết liệt giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thiết kế… Đồng thời sẽ trích ngân sách làm nhà ở xã hội, chỉ đạo các đơn vị rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục để sớm triển khai.
Tuy nhiên, ông Dưỡng cũng nêu thực tế: "Địa phương đã đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhưng hiện còn nhiều căn hộ dù đã hoàn thiện lại không có người đến thuê ở".
Theo ông Đinh Quốc Toàn, Phó giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành KCN Đồng Văn IV, khu dịch vụ nhà ở công nhân KCN Đồng Văn IV có diện tích quy hoạch khoảng 15,1ha, với 11 tòa chung cư, tổng số hơn 2.000 căn hộ, phục vụ khoảng 9.000 công nhân, chuyên gia đang làm việc trong KCN.
"Hiện có 10 đối tượng mua nhà ở xã hội, còn nhà ở công nhân chỉ có 1. Trong khi đó, còn nhiều bất cập về xét duyệt đối tượng mua và cho thuê. Đối tượng mua phải chứng minh thu nhập, nếu thường trú trên địa bàn phải có hợp đồng lao động trong KCN.
Thủ tục thuê nhà ở xã hội không khác gì hồ sơ mua. Vì vậy người muốn thuê khi nghe đến thủ tục là họ không mặn mà vì quá phức tạp", ông Toàn lý giải.
Cho phép GPMB trước, không chờ chủ trương đầu tư
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển nhà ở xã hội tổ chức vào tháng 3, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, chỉ tiêu Chính phủ giao cho thành phố 18.700 căn.
Tính đến hết năm 2024, Hà Nội đã hoàn thành 11.330 căn. Trong năm 2025, tiếp tục hoàn thành 8 dự án với khoảng 4.670 căn; khởi công 5 dự án với 10.220 căn, chấp thuận chủ đầu tư mới với 6 dự án, quy mô 10.500 căn.
Chuẩn bị quỹ đất với quy mô 1.500ha thời gian tới, lãnh đạo Hà Nội cho hay, quá trình triển khai gặp phải một số khó khăn. Vì thế thành phố kiến nghị, trên cơ sở một quy hoạch lựa chọn ranh giới cho một khu vực phát triển đô thị, cho phép thực hiện ngay giải phóng mặt bằng, không chờ chủ trương đầu tư hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thành công.
Đồng thời, rà soát quy trình liên quan đến dự án nhà ở xã hội cũng như đấu thầu, làm sao rút ngắn thời gian khoảng 3 - 6 tháng.
Tương tự, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố được giao xây dựng 69.300 căn. Tuy nhiên, thành phố phấn đấu cao hơn (93.000 căn).
Hiện thành phố có 3 dự án tập trung trong năm 2025, hoàn thành chỉ tiêu 2.874 căn; khởi công 8 dự án với quy mô 8.000 căn và sẽ chấp thuận chủ trương cho khoảng 5 dự án nữa với khoảng 20.000 căn hộ.
Cùng với việc chủ động tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền, TP.HCM cũng kiến nghị, nếu trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư, có thể trên cơ sở quy hoạch chung và quy hoạch phân khu 1/2.000 đã được phê duyệt thì chấp nhận chủ trương đầu tư luôn để triển khai song song, tiết kiệm thời gian.
Theo ông Phạm Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 - 2025, Bắc Giang đặt mục tiêu xây dựng tối thiểu 33.200 căn nhà ở xã hội. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai 14 dự án với tổng quy mô 60,56ha, đáp ứng khoảng 29.000 căn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết, thực tế một số dự án triển khai chậm do chưa có mặt bằng sạch. Các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư kéo dài, chưa có cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang mong muốn Nghị quyết về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhanh chóng được ban hành; sớm có hướng dẫn địa phương hình thành các quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Cùng đó là đề xuất sửa Luật Nhà ở 2023 theo hướng cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội bên ngoài khu công nghiệp để bố trí cho công nhân trong khu công nghiệp đó thuê lại…
Cần cơ chế hỗ trợ để nhà đầu tư không lỗ
Theo GS. TS Hoàng Văn Cường (ĐBQH Đoàn Hà Nội), nhà ở xã hội hiện nằm trong khuôn khổ cơ chế chính sách chung về phát triển bất động sản. Do đó, nếu đặt trong cơ chế thị trường như các dự án bất động sản thông thường sẽ phải chịu rất nhiều ràng buộc, như đấu thầu, chọn nhà đầu tư hay biên lợi nhuận tự do…
Do đó, cần có được cơ chế ưu đãi đặc thù đặc biệt để hấp dẫn các nhà đầu tư. Quan trọng nhất là chọn được nhà đầu tư làm tốt nhất, nhanh nhất.
Thứ hai là ưu đãi giảm nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước ở mức thấp nhất, qua đó giúp giảm giá thành. Thứ ba là thủ tục hành chính phải đơn giản, giảm chi phí tuân thủ xuống mức thấp nhất.
Thứ tư là phải có chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư. Dù không thể thả nổi lợi nhuận, nhưng cũng phải đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu để họ không bị lỗ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội là rất cần thiết.
"Tôi tin các chính sách sách này nếu được thông qua sẽ tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Tôi cũng mong Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí không chính thức, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết và thành lập "Quỹ nhà ở quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn", ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, những chính sách này chắc chắn sẽ tạo đột phá, tạo điều kiện cho các địa phương trong công tác tạo lập quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian làm thủ tục, hiện thực hóa mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay.
Nhóm phóng viên