Điểm tên những loài động vật được 'hồi sinh' từ nguy cơ tuyệt chủng
Bằng các phương pháp nuôi nhốt và nhân giống, các nhà khoa học đã tái tạo lại các quần thể động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên để giúp chúng 'hồi sinh' một lần nữa.

Báo Amur: Đây là loài báo quý hiếm nhất trên thế giới, chúng từng là loài đứng trên bờ vực tuyệt chủng do các hoạt động buôn bán phi pháp. Nam 2015, ước tính chỉ còn khoảng 60 con trong tự nhiên. Nhờ các nỗ lực bảo vệ, số lượng báo Amur đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Cá sấu Dương Tử từng phổ biến khắp sông Dương Tử, tuy nhiên số lượng chúng giảm mạnh khi phần lớn môi trường sống bị chuyển thành ruộng lúa. Năm 2019, Trung Quốc quyết định khoanh vùng các khu bảo tồn trên sông và thả cá sấu trở lại, giúp số lượng của chúng tăng lên đáng kể.

Gà nước Guam gần như tuyệt chủng năm 1970 khi bị ăn thịt bởi một loài rắn xâm lấn. Năm 1981, 21 cá thể gà nước được đem về nuôi nhốt, nhân giống trở lại. Nỗ lực đó đã được đền đáp khi giờ đây khoảng 200 cá thể ở đảo Rota (Mỹ), khoảng 60 - 80 con đang sống tại Cocos (quần đảo ở gần Guam). Các nhà bảo tồn hy vọng họ có thể đưa loài này trở lại Guam trong vài năm tới.

Hải ly đã biến mất khỏi các con sông ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ở Anh, loài này không còn tồn tại trong tự nhiên đã 400 năm. Loài gặm nhấm này đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, giúp điều tiết dòng nước, tránh lũ lụt. Thậm chí chúng còn tự xây các đập để để khoanh vùng cá, điều này giúp số lượng cá tăng lên đáng kể dù là thức ăn của hải ly. Chương trình tái nhân giống hải ly đang bắt đầu ở Anh đem lại những tín hiệu khả quan khi chúng dần xuất hiện trở lại.

Khỉ vàng sư tử Tamarin: Loài khỉ vàng sư tử Tamarin còn có tên gọi khác là Khỉ vàng Marmoset, là loài khỉ nhỏ bản địa ở các cánh rừng ven biển Đại Tây Dương của Brazil. Loài khỉ này được liệt kê là "nguy cấp" do mất môi trường sống nghiêm trọng.

Linh dương sừng thẳng Ả Rập có thể tồn tại dễ dàng trong môi trường khắc nghiệt, khô cằn của sa mạc. Tuy nhiên do bị săn bắn lấy thịt, da và sừng, loài này đã biến mất vào những năm 1970. Các chương trình nhân giống và bảo tồn đã đem lại hiệu quả tích cực khi hiện nay ước tính có khoảng hơn 1.200 con linh dương hoang dã ở Saudi Arabia, Jordan, UAE, Oman, và Israel.

Linh miêu Á - Âu đã tuyệt chủng ở Trung Âu từ thế kỷ 19, gần đây chúng đã xuất hiện trở lại ở Pháp, Italy, Áo, Đức, Thụy Sĩ, nhờ chương trình tái hồi phục năm 1970. Tuy nhiên loại này đang bị phân mảnh ở các khu vực sinh sống riêng biệt và các nhà khoa học chưa tìm được cách kết nối các nhóm nhỏ này lại.

Ngựa hoang Mông Cổ: Loài ngựa này đã hoàn toàn bị tuyệt chủng trong tự nhiên vào năm 1966. Tuy nhiên, nhờ các chương trình bảo tồn, hiện nay đã có khoảng 2.000 con ngựa hoang Mông Cổ được tái thả về tự nhiên.

Quỷ Tasmania từng sống ở Australia 3.000 năm trước. Loài động vật có túi dễ thương này không thể cạnh tranh được với các loài xâm lấn và dần biến mất. Năm 2020, chúng được đưa trở lại bang New South Wales trong một chương trình nhân giống đặc biệt nhằm kiểm soát số lượng cáo và mèo hoang tại đây.

Rùa chụp sông Bellinger: Loài rùa này chỉ sống ở một khu vực nhỏ ở Australia. Nhờ các chương trình bảo tồn, số lượng rùa chụp sông Bellinger đã tăng lên từ 10 con lên hơn 100 con trong vòng 10 năm qua.

Số lượng báo săn (cheetah) đã giảm 93% trong thế kỷ 20 do nạn săn bắn và mất môi trường sống. Chúng đã tuyệt chủng tại nhiều vùng lãnh thổ ở Ấn Độ và châu Phi. Chương trình bảo tồn tại Công viên quốc gia Liwonde (Malawi) đã chứng kiến báo săn lần đầu săn mồi trở lại tại đây sau 20 năm. Tuy nhiên do quần thể báo săn tại đây còn ít nên chúng đang đối diện việc thiếu đa dạng di truyền, dễ mắc bệnh tật.

Thần ưng Califoria: Đây là loài chim sống lâu nhất trên thế giới, tuổi thọ trung bình của chúng có thể lên tới 60 năm. Năm 1980, ước tính chỉ còn 22 cá thể trong tự nhiên. Trong nỗ lực phục hồi số lượng của chúng, các nhà sinh vật học bắt những con chim còn sót lại và bắt đầu chương trình nhân giống. Từ sau đó, thần ưng được đưa trở lại miền nam và trung tâm bang California. Số lượng chim cũng mở rộng ở các khu vực tại bang Utah, Arizona và Baja California ở Mexico. Các chuyên gia ước tính số lượng thần ưng hoang dã vào khoảng hơn 300 con.

Tuần lộc sinh sống ở Scotland cách đây hàng nghìn năm, nhưng lần cuối cùng người ta nhìn thấy chúng là thế kỷ 13. Tới năm 1952, một quần thể nhỏ tuần lộc được đưa trở lại Scotland và chúng đã phát triển số lượng lên hơn 150 con trong những năm gần đây. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về tác động của chúng đối với môi trường.