Điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở Long An

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh Long An đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân. Từ những chính sách linh hoạt của Trung ương và địa phương, đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Cơ sở hạ tầng của tỉnh Long An được quan tâm đầu tư đồng bộ. 100% tuyến đường được nhựa và bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Ảnh: Thúy Hạnh

Cơ sở hạ tầng của tỉnh Long An được quan tâm đầu tư đồng bộ. 100% tuyến đường được nhựa và bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Ảnh: Thúy Hạnh

Long An là một trong những tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ, nối liền thành phố Hồ Chí Minh với miền Đông Nam Bộ. Điều kiện tự nhiên của tỉnh chịu tác động của 2 vùng miền Tây và miền Đông Nam Bộ đã tạo nhiều thuận lợi, nhưng cũng gây không ít khó khăn cho việc phát triển bền vững của tỉnh. Long An có 38 dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Long An là từ các tỉnh khác tới lập nghiệp. Đa số người dân tộc thiểu số ở tỉnh Long An có vợ hoặc chồng là người dân tộc Kinh nên không có sự khác biệt về văn hóa, kinh tế. Vì vậy, tỉnh đã không triển khai thực hiện chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, mà lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Trong chỉ đạo điều hành, tỉnh thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, không phân biệt hộ dân tộc thiểu số nghèo với đối tượng hộ nghèo khác.

Tổng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh Long An là hơn 127 tỷ đồng, Trong đó, vốn đầu tư phát triển là hơn 9 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 118 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai hiệu quả, tập trung nguồn vốn vào các dự án, như đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển mô hình giáo dục - việc làm. Tỉnh cũng giúp đỡ các hộ nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định và tiếp cận các dịch vụ xã hội, nguồn vốn ưu đãi. Chị Hà Thị Thanh Tuyền, ở xã Tân Lập, huyện Cần Giuộc chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nhờ chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ cho gia đình tôi vay vốn ưu đãi để nuôi tôm với gia súc, gia cầm nên cũng có thêm thu nhập để trang trải cho hai con tôi đi học. Cuộc sống của tôi giờ đã ổn định. Tôi rất cảm ơn Nhà nước và chính quyền địa phương”.

Sau gần 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2021-2025), tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nếu như đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 0,97%, thì đến cuối năm 2024, toàn tỉnh chỉ còn 2.692 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,56% và 7.358 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,52%. Tỉnh chú trọng vào việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác xã. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,66%, hộ cận nghèo còn 0,56%, các lao động qua đào tạo đạt trên 90%. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền và người dân tỉnh Long An trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, về nhà ở. Đến nay, toàn tỉnh đã có 155/160 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Điều này khẳng định nỗ lực của tỉnh trong công tác giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương. Điển hình là xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc đã được công nhận là đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên năm 2023 và Quyết định số 1644/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào năm 2024. Đây là những yếu tố quan trọng giúp Long An trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo.

Long An đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (Trong ảnh: Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Lập, huyện Cần Giuộc). Ảnh: Thúy Hạnh

Long An đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. (Trong ảnh: Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Lập, huyện Cần Giuộc). Ảnh: Thúy Hạnh

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, bà Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Tỉnh đã triển khai thực hiện 6/7 dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong năm 2024, việc triển khai cũng kết quả giải ngân, thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững rất khả quan và đạt kết quả khá tốt. Nhất là, ở Dự án 2 - Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Đây là dự án được xem là cốt lõi để giúp cho người dân giảm nghèo, với những kết quả trên đã góp phần vào công tác giảm nghèo của tỉnh”.

Phát huy kết quả đã đạt được, Long An sẽ tiếp tục đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống, giai đoạn 2026-2030. Cụ thể, đến năm 2030, số hộ nghèo theo chuẩn mới dự kiến giảm một nửa, với mức giảm trung bình là 15% mỗi năm. Dự kiến chuẩn nghèo giảm một nửa, tỉnh sẽ triển khai hơn 200 mô hình sản xuất, kinh doanh, du lịch và khởi nghiệp. 80% lao động nghèo, cận nghèo sẽ được nâng cao năng lực sản xuất. 90% hộ nghèo được tập huấn khuyến nông. 100% lao động được tư vấn nghề nghiệp và hỗ trợ việc làm. Toàn bộ người thuộc diện hỗ trợ sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hơn 85% trẻ suy dinh dưỡng được bổ sung vi chất và trẻ em gái từ 12-16 tuổi được bổ sung sắt. Chính sách vay vốn ưu đãi sẽ được áp dụng rộng rãi, đi đôi với việc đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ mô hình giảm nghèo trong sản xuất kinh doanh, thương mại và du lịch. Hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật và phụ nữ nghèo sẽ được hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, thiết bị sản xuất, tập huấn kỹ thuật và kết nối cho việc tiêu thụ sản phẩm, với tổng kinh phí hơn 197 tỷ đồng. Chương trình kỳ vọng nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Thời gian tới, tỉnh Long An tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động gắn với đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”. Ngoài việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác truyền thông để huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, nhằm khơi dậy ý chí vươn lên, chủ động thoát nghèo của người dân.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diem-sang-trong-cong-tac-giam-ngheo-o-long-an-post488552.html
Zalo