Điểm sáng giảm nghèo ở Tư Nghĩa

Bên cạnh phát triển nghề truyền thống, chính quyền xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã định hướng, động viên người dân tiếp thu nghề mới để phát triển sản xuất. Điều này giúp xã Nghĩa Hòa trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện Tư Nghĩa.

Năng động phát triển kinh tế

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa Nguyễn Chí Hùng cho biết, xã có các nghề truyền thống như làm nhang; dệt chiếu; làm dép lốp, dây cao su, chỉ bố từ lốp ô tô phế thải. Tuy vậy, nghề truyền thống này chỉ tập trung ở một nhóm hộ dân, nên địa phương phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, giúp người dân phát triển các mô hình kinh tế mới.

Ông Hùng đưa chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất rau thủy canh của vợ chồng ông Phan Duy, ở thôn Hòa Tân. Ông Duy kể, thời còn trẻ, ngoài làm ruộng, vợ chồng tôi còn đi làm thuê để nuôi 3 người con. Đến khi các con lập gia đình ở riêng, vợ chồng tôi tuổi cao nên không thể làm ruộng, làm thuê. Năm 2018, thấy một số nơi làm rau thủy canh, tôi liền đi học hỏi rồi về đầu tư mô hình này. Với diện tích 700m2 đất vườn, bình quân mỗi ngày, cơ sở tôi cung cấp từ 25 - 30kg rau sạch cho các siêu thị trong tỉnh, giải quyết việc làm cho 3 lao động, với mức thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/người/ngày.

Mô hình nuôi thỏ của người dân xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).

Mô hình nuôi thỏ của người dân xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).

Đầu năm 2023, xã Nghĩa Hòa có 61 hộ nghèo, 106 hộ cận nghèo. Đến đầu năm 2024, số hộ nghèo giảm còn 50 hộ; cận nghèo còn 87 hộ. Xã Nghĩa Hòa đang phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm số hộ nghèo xuống còn 42 hộ và hộ cận nghèo còn 77 hộ.

Bên cạnh đó, ông Duy còn đầu tư nuôi thỏ. Lúc đầu, ông chỉ nuôi vài con giống để cung cấp thực phẩm cho gia đình, nhưng có thời điểm rau nhà trồng tiêu thụ không hết, ông mở rộng quy mô chăn nuôi thỏ để cung cấp thịt thương phẩm cho người dân trong vùng. Đến nay, đàn thỏ của ông có đến 20 con thỏ nái, 30 con thỏ thịt. Bình quân mỗi năm, mang về thu nhập cho ông vài chục triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông đã ổn định.

Tại xã Nghĩa Hòa còn có cơ sở rau thủy canh Mầm Việt, được triển khai từ năm 2015. Đến nay, cơ sở trồng rau này đã có 2 điểm trồng rau, với tổng diện tích gần 1.500m2, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 4 hộ nuôi chồn hương, với gần 100 con. Theo các hộ dân, nuôi chồn hương không tốn nhiều công chăm sóc, diện tích chuồng trại nhỏ, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống

Theo ông Hùng, việc duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Không chỉ góp phần giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân địa phương, mà còn chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mô hình trồng rau thủy canh mang lại thu nhập ổn định cho vợ chồng ông Phan Duy, ở thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).

Mô hình trồng rau thủy canh mang lại thu nhập ổn định cho vợ chồng ông Phan Duy, ở thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa).

Hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa Hòa có 189 hộ dân tham gia sản xuất 3 nhóm ngành nghề nông thôn (theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ), gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Năm 2023, tổng doanh thu của nhóm hộ này đạt hơn 218 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đối với nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản, nông lâm, thủy sản là 6 triệu đồng/người/tháng; đối với ngành nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ là 4 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo của địa phương.

Tuy vậy, cơ sở ngành nghề nông thôn ở xã Nghĩa Hòa quy mô còn nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và sức cạnh tranh yếu, nhiều cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư để nâng cấp, phát triển, mở rộng sản xuất. Do vậy, xã Nghĩa Hòa đã đề nghị ngành chức năng tăng cường hỗ trợ cho địa phương về kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn ngành nghề mới. Đồng thời, động viên người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-tu-nghia/202409/diem-sang-giam-ngheo-o-tu-nghia-c80178e/
Zalo