Điểm nóng xung đột ngày 8-4: Chiến lược phòng thủ 'từng tấc đất' tại các nước Baltic

Các quốc gia Baltic có kế hoạch xây dựng tuyến phòng thủ chung nhằm củng cố biên giới phía Đông, song chuyên gia cảnh báo cần nhanh chóng hoàn thành.

Khoảng 1.000 boongke bê tông có chiến hào, mương chống tăng, kho đạn dược và nơi trú ẩn tiếp tế là một phần kế hoạch chung nhằm củng cố khoảng 970 km biên giới phía Đông của các nước Baltic.

Tuy nhiên, theo các quan chức trong khu vực, dự án kéo dài 10 năm nhằm củng cố khả năng phòng thủ trước Nga có thể quá muộn. Họ lo ngại thỏa thuận hòa bình ở Ukraine có thể chuyển sự chú ý của Moscow sang phần dễ bị tổn thương nhất ở sườn phía Đông của NATO.

"Nga sẽ không đợi chúng ta tới 10 năm" - ông Gabrielius Landsbergis, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania, nói.

Theo Telegraph, bình luận của ông Landsbergis được đưa ra sau khi Điện Kremlin vạch ra kế hoạch tăng cường sản xuất quân sự và tái triển khai quân đội đến biên giới Đông Bắc của NATO hậu thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian.

Răng rồng và bẫy chống tăng ở biên giới Estonia - Nga. Ảnh: Telegraph

Răng rồng và bẫy chống tăng ở biên giới Estonia - Nga. Ảnh: Telegraph

Năm 2023, NATO ký cam kết bảo vệ "từng tấc đất" với các quốc gia vùng Baltic, với các tuyến tăng viện từ Phần Lan, Ba Lan và Đức. Hiện tại, liên minh này triển khai các lực lượng đa quốc gia quy mô tiểu đoàn luân phiên ở mỗi nước Baltic theo chiến lược phòng thủ "dây bẫy" nhằm ngăn chặn Nga.

Tuy nhiên, Estonia, Latvia và Lithuania muốn nhiều hơn thế: Thay thế các nhóm chiến đấu "dây bẫy" bằng các lữ đoàn và sự hiện diện thường trực của NATO.

Estonia, Latvia và Lithuania sẽ chi khoảng 76 triệu USD mỗi nước cho tuyến phòng thủ kể trên. Đây là một khoản ngân sách quốc phòng lớn so với GDP, mức cao nhất ở châu Âu sau Ba Lan.

Ông Raimond Kaljulaid - đứng đầu phái đoàn Estonia tại NATO - cho biết: "Thực tế chứng minh xung đột hiện tại không chỉ về công nghệ, robot và máy bay không người lái, mà cần cả sức mạnh vật lý, cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Trong trường hợp có giao tranh, chúng ta có thể nhanh chóng củng cố và bố trí quân cho tuyến phòng thủ đó".

Là một phần của giai đoạn một, Latvia và Lithuania đã lắp đặt dọc biên giới các kim tự tháp bê tông, được gọi là răng rồng, để cản xe bọc thép.

Trong khi đó, Estonia lựa chọn vị trí và thử nghiệm các boongke được gia cố, có thể chịu được pháo binh. Trung tâm Đầu tư Quốc phòng Estonia cho biết đến mùa thu, giai đoạn đầu tiên của "điểm mạnh phòng thủ" sẽ được hoàn thành.

Quốc gia này cũng mua lượng lớn các loại dây rào chắn khác nhau, răng rồng lớn 1,5 tấn và "khối Lego" bê tông nặng hai tấn, cũng như rào chắn đường T-wall.

"Theo cách này, lực lượng phòng thủ, cùng với các đồng minh, có thể ngăn chặn đối phương ngay từ những mét đầu tiên" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Estonia cho biết.

Phác thảo tuyến phòng thủ Baltic. Đồ họa: Telegraph - Việt hóa: Phương Linh

Phác thảo tuyến phòng thủ Baltic. Đồ họa: Telegraph - Việt hóa: Phương Linh

Bài học từ Ukraine

Một bài học quan trọng từ xung đột Ukraine là tầm quan trọng của phòng thủ sâu và chống lại khả năng cơ động của đối phương. "Lợi thế lớn trong giao tranh hiện đại là phòng thủ" - ông Michael DiCianna, nghiên cứu viên tại Viện Chính trị Thế giới, cho biết - "Máy bay không người lái và hình ảnh vệ tinh cho phép giám sát liên tục trên không, nên sẽ luôn rõ vị trí của đối phương. Chiến đấu cơ động không biến mất, song khó thực hiện hơn nhiều".

Bà Marta Kepe, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn Rand, nhấn mạnh mục đích của tuyến phòng thủ là định hình giao tranh và dẫn dắt lực lượng đối phương vào các luồng dễ bị tấn công, đồng thời cần kết hợp với các đơn vị bộ binh và pháo binh, khả năng trinh sát tiên tiến và hệ thống cảnh báo sớm.

Phương Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/diem-nong-xung-dot-ngay-8-4-chien-luoc-phong-thu-tung-tac-dat-tai-cac-nuoc-baltic-196250407192519157.htm
Zalo