Điểm nhấn Mường Bi

Chúng tôi về thăm Mường Bi - Tân Lạc vào một sáng mùa thu. Trong nắng hanh vàng, dọc tuyến đường từ thị trấn Mãn Đức đến xã Phong Phú, lên các xã vùng cao Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông, cờ đỏ sao vàng tung bay chào đón Tết Độc lập. Phát huy truyền thống cách mạng và lịch sử đấu tranh hào hùng, vùng đất Mường Bi đang thay đổi từng ngày.

Chúng tôi về thăm Mường Bi - Tân Lạc vào một sáng mùa thu. Trong nắng hanh vàng, dọc tuyến đường từ thị trấn Mãn Đức đến xã Phong Phú, lên các xã vùng cao Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông, cờ đỏ sao vàng tung bay chào đón Tết Độc lập. Phát huy truyền thống cách mạng và lịch sử đấu tranh hào hùng, vùng đất Mường Bi đang thay đổi từng ngày.

Mường Bi - Tân Lạc với bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà được tỉnh lựa chọn tổ chức các sự kiện lớn. Trong ảnh: Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024 được tỉnh chọn làm điểm tại xã Phong Phú.

Mường Bi - Tân Lạc với bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà được tỉnh lựa chọn tổ chức các sự kiện lớn. Trong ảnh: Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024 được tỉnh chọn làm điểm tại xã Phong Phú.

Thăm xã Phong Phú, được đồng chí Bùi Văn Nức, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Phong Phú có quốc lộ 6 và các tuyến tỉnh lộ 436, 440 chạy qua, thuận lợi cho giao thương. Với truyền thống văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, xứng danh vùng Mường Bi nổi tiếng của tỉnh, trong những năm qua, kinh tế, văn hóa - xã hội của xã có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 70 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,47%.

Không chỉ ở vùng thuận lợi, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, các xã vùng cao huyện Tân Lạc đã có diện mạo mới. Trong đó phải kể đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về việc triển khai Đề án "Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Triển khai đề án này, các sở, ban, ngành chức năng và địa phương đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng kế hoạch và triển khai lồng ghép vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương. Nhân dân bước đầu nhận thức được hiệu quả của phát triển du lịch; ý thức được việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia đã được lồng ghép để từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án. Đến nay, 3 xã vùng cao Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông bước đầu khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Hiện nay đã có 7 hộ kinh doanh homestay. Hàng năm, 3 xã đón trên 15 nghìn lượt khách tham quan du lịch; tạo việc làm cho khoảng 250 lao động, trong đó lao động trực tiếp khoảng 80 người.

Đồng chí Bùi Văn Tinh, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh khó khăn chung, UBND huyện đã bám sát các mục tiêu đề ra, triển khai các giải pháp, kế hoạch phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng được duy trì và phát triển. Sản xuất nông nghiệp ổn định; văn hóa - xã hội có nhiều bước tiến mới; QP-AN được củng cố và giữ vững.

Hiện, sản xuất nông nghiệp vẫn được huyện xác định là chủ lực trong phát triển kinh tế. 6 tháng đầu năm 2024, huyện duy trì tổng diện tích gieo trồng trên 8.300 ha, đạt 60,6% kế hoạch năm. Huyện chú trọng triển khai Chương trình OCOP; duy trì và nâng hạng sao cho các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận qua các năm và rà soát 3 sản phẩm tiềm năng để tham gia đánh giá phân hạng năm 2024. Bên cạnh đó, trên địa bàn tiếp tục phát triển một số loại cây trồng chủ lực như: mía, rau, cây ăn quả có múi. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 500 ha trồng bưởi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ hoặc chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kết hợp với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; hình thành vùng trồng bưởi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, có năng suất cao, chất lượng tốt. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, Tân Lạc có 10 xã đạt 19 tiêu chí; 5 xã đạt từ 11 - 14 tiêu chí; bình quân đạt 16 tiêu chí/xã.

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 trên 703 tỷ đồng, đạt 50,3% kế hoạch năm, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhà máy dệt kim Supertex đang hoàn thành lắp đặt máy móc, thiết bị để đi vào hoạt động trong quý III/2024. Huyện chỉ đạo chủ đầu tư Cụm công nghiệp Phong Phú phối hợp với các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với 13ha đã kiểm đếm và lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng… Toàn huyện có 67 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả với số vốn đăng ký 131.860 triệu đồng. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025) giảm còn 9,4%...

Với nhiều giải pháp đồng bộ, lãnh đạo thực hiện quyết liệt, cùng sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, nhân dân, huyện Tân Lạc tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, hướng tới cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng Mường Bi ngày càng giàu đẹp.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/192892/diem-nhan-muong-bi.htm
Zalo