ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LÂM NGHIỆP GIÚP THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có 16 chương và 260 điều, có nhiều điểm mới giúp phát triển lâm nghiệp bền vững; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều để tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng.
Điều 9 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 quy định nhóm đất nông nghiệp gồm 7 loại: Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; Đất nuôi trồng thủy sản; đất chăn nuôi tập trung; đất làm muối; đất lâm nghiệp khác.
Nhóm đất chưa sử dụng đã được sửa đổi là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê. Đây là quy định mới so với luật hiện hành. Theo đó, đất lâm nghiệp gồm cả đất có rừng và chưa có rừng sau khai thác trắng hoặc đất trống, đồi núi trọc, núi đá, diện tích đất có mặt nước nội địa xen kẹp nằm trong hệ sinh thái tự nhiên bền vững không thể tách rời, được quy hoạch cho phát triển rừng bằng biện pháp trồng rừng mới, trồng tái canh hoặc khoanh nuôi tái sinh. Quy định này sẽ khắc phục được thực trạng thống kê, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp thiếu nhất quán hiện nay, là cơ sở để phát triển lâm nghiệp một cách bền vững hơn.
Điều 248 Luật Đất đai 31/2024/QH15 đã yêu cầu: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2024. Trong đó, yêu cầu sửa đổi các quy định đang là rào cản, điểm nghẽn trong thực thi chính sách liên quan đến thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng.
Điều 248 sửa đổi khoản 2, Điều 14, Luật Lâm nghiệp từ “không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”, thành “không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án sau đây: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định”.
Điều 20, Luật Lâm nghiệp đang quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo 3 cấp, gồm Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp tỉnh với hạn mức của từng loại rừng cụ thể. Luật Đất đai đã sửa đổi thành: “HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trừ trường hợp thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Dầu khí”…
Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, một trong những mục tiêu xây dựng Luật Đất đai là đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, trong quá trình xây dựng Luật đã dành một mục để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan trong đó có Luật Lâm nghiệp.
“Thời gian qua, các quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh chặt chẽ. Điều này phần nào đó trở thành điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, do đó, việc sửa đổi Luật Lâm nghiệp là nội dung rất quan trọng”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với việc sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, cũng cần gấp rút cập nhật các nội dung này vào dự thảo Luật Lâm nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Như vậy, sẽ tạo ra hành lang pháp lý, điều kiện rất tốt để giải phóng nguồn lực, nhất là đầu tư công, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng.