Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 4-6/9

Tỷ giá trung tâm giảm 22 đồng, chỉ số giảm 9,91 điểm (-0,77%) so với cuối tuần trước đó hay CPI tháng 8/2024 ổn định so với tháng trước... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần từ 4-6/9.

Điểm lại thông tin kinh tế

Điểm lại thông tin kinh tế

Tổng quan

Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng, giảm đan xen là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8/2024 ổn định so với tháng trước.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8/2024 ổn định (0,0%) so với tháng trước. Nguyên nhân do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng - giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới.

Trong 10 nhóm có chỉ số giá tăng, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng cao nhất 0,29%. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng khi chuẩn bị vào năm học mới nên giá thuê nhà tăng 0,45%; giá gas tăng 0,67% do từ ngày 01/8/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới.

Tiếp đến, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm. Cụ thể, lương thực tăng 0,19%; thực phẩm tăng 0,28% làm cho CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%, trong đó, giá dịch vụ hành chính, pháp lý tăng 1,91%; đồ trang sức tăng 1,89%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,52%; sửa chữa đồng hồ đeo tay và đồ trang sức tăng 0,28%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,29%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,11%. Nguyên nhân do trong tháng 8/2024 tiếp tục có địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ năm tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Ngoài ra, các nhóm như bưu chính, viễn thông tăng 0,15%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do chi phí nhân công tăng… Do chuẩn bị vào năm học mới, nhóm giáo dục tăng 0,14%.

Riêng nhóm giao thông giảm 1,98% (tác động làm giảm CPI chung 0,19 điểm phần trăm), chủ yếu do: giá dầu diezen giảm 7,05%; giá xăng trong nước giảm 5,83% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 4,09%; xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,28%. Bên cạnh đó, các nhóm hàng tăng giá: Giá phụ tùng ô tô tăng 0,4%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,91%; phí học bằng lái xe tăng 1,7%.

So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 4.04% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Các chuyên gia cho rằng, dù lạm phát đã hạ nhiệt trong tháng 8, áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm có thể sẽ được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, giáo dục, y tế), tác động tiếp tục của cải cách tiền lương…

Ở chiều ngược lại, có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Đơn cử, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát; các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất những tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; giá dầu thế giới ở mức vừa phải… Do đó, lạm phát cả năm 2024 được các chuyên gia dự báo từ mức khoảng từ 3,7% - 3,9%.

Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 4-6/9

Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 4-6/9, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, sau đó giảm mạnh 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 06/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.202 VND/USD, giảm 22 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD ở tất cả các phiên trong khi niêm yết giá bán USD chốt ngày 06/9 ở mức 25.362 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 04/09 - 06/09 tiếp tục biến động giảm mạnh. Kết thúc phiên 06/09, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.740, giảm tới 125 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng mạnh phiên đầu sau kỳ nghỉ lễ, sau đó giảm mạnh trở lại. Chốt phiên 06/09, tỷ giá tự do không thay đổi ở chiều mua vào trong khi giảm 10 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.110 VND/USD và 25.190 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, tuần từ 4-6/9, lãi suất VND liên ngân hàng trong tuần biến động tăng ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 06/09, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,59% (+0,12 điểm phần trăm); 1 tuần 4,61% (+0,08 điểm phần trăm); 2 tuần 4,70% (+0,10 điểm phần trăm); 1 tháng 4,71% (-0,01 điểm phần trăm).

Lãi suất USD liên ngân hàng trong tuần qua biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 06/9, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,31% (không đổi); 1 tuần 5,35% (không thay đổi); 2 tuần 5,39% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,42% (-0,01 điểm phần trăm).

Trên thị trường mở tuần qua từ 4-6/9, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 24.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 23.665,13 tỷ đồng trúng thầu, có 27.573,21 tỷ đáo hạn trong tuần qua.

NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, có 14.699,8 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.

Như vậy, NHNN bơm ròng 10.791,72 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 46.403,83 tỷ đồng, không còn khối lượng tín phiếu lưu hành.

Thị trường trái phiếu, ngày 04/9, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 2.564 tỷ đồng/12.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 21%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 200 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, 10 năm huy động được 1.150 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng, 15 năm huy động được 750 tỷ đồng/4.000 tỷ đồng và 30 năm huy động được 464 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,98% (+0,03 điểm phần trăm), 10 năm là 2,71%, 15 năm 2,90% và 30 năm 3,10%, đều không đổi so với phiên đấu thầu trước.

Trong tuần này, ngày 11/09, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 11.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, 7 năm chào thầu 500 tỷ đồng, 10 năm 6.000 tỷ đồng, 15 năm 3.500 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.979 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 13.423 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua ít biến động. Chốt phiên 06/9, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,86% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,88% (không đổi); 3 năm 1,90% (không đổi); 5 năm 1,96% (+0,01 điểm phần trăm); 7 năm 2,23% (-0,003 điểm phần trăm); 10 năm 2,72% (không đổi); 15 năm 2,90% (-0,001 điểm phần trăm); 30 năm 3,18% (không đổi).

Thị trường chứng khoán, tuần từ 4-6/9, các chỉ số trên thị trường chứng khoán dao động theo xu hướng giảm. Kết thúc phiên 06/09, VN-Index đứng ở mức 1.273,96 điểm, giảm 9,91 điểm (-0,77%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 2,91 điểm (-1,22%) còn 234,65 điểm; UPCom-Index giảm 0,80 điểm (-0,85%) xuống 93,37 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 16.800 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ từ mức 16.568 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng 757 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng trong tuần vừa qua. Đầu tiên, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết PMI lĩnh vực sản xuất nước này ghi nhận mức 47,2% trong tháng 8, tăng nhẹ từ 46,8% của tháng 7, thấp hơn một chút so với mức 47,5% theo kỳ vọng. Bên cạnh đó, PMI lĩnh vực dịch vụ ở mức 51,5% trong tháng 8, tăng nhẹ so với 51,4% của tháng 7 và cũng không hơn nhiều so với dự báo ở mức 51,3%.

Tại thị trường lao động, nước Mỹ chỉ tạo ra 7,67 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 7, thấp hơn mức 7,91 triệu của tháng 6, đồng thời thấp hơn khá nhiều so với mức 8,09 triệu theo kỳ vọng. Đây là tháng có số cơ hội việc làm mới khiêm tốn nhất mà nước Mỹ ghi nhận kể từ sau tháng 03/2021.

Sang tháng 8, nước Mỹ tạo ra 142 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, cao hơn múc 89 nghìn của tháng 7, tuy nhiên thấp hơn mức 164 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng vừa qua giảm nhẹ xuống mức 4,2% từ mức 4,3% ghi nhận ở tháng 7, khớp với dự báo. Thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 8, nối tiếp đà tăng 0,2% ở tháng trước đó và cũng vượt nhẹ so với mức tăng 0,3% theo kỳ vọng.

Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 31/08 ở mức 227 nghìn đơn, giảm xuống từ 232 nghìn đơn của tuần trước đó và đồng thời thấp hơn mức 231 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất ở mức 230 nghìn đơn, giảm nhẹ 1,75 nghìn so với 4 tuần liền trước.

Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin quan trọng liên quan đến lạm phát tại nước Mỹ, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi được công bố vào tối ngày 11/9 theo giờ Việt Nam.

Eurozone cũng đón một số thông tin kinh tế đáng chú ý. Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu Eurostat công bố GDP khu vực Eurozone chính thức tăng 0,2% so với quý trước trong quý II, điều chỉnh xuống nhẹ so với mức tăng 0,3% ghi nhận ở báo cáo trước đây.

Tiếp theo, S&P Global cho biết PMI chính thức lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tại Eurozone lần lượt là 45,8 và 52,9 điểm trong tháng 8, cùng điều chỉnh nhẹ so với mức 45,6 và 53,3 điểm theo khảo sát sơ bộ. Về lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán hàng tại Eurozone trong tháng 7 tăng 0,1% m/m sau khi giảm 0,4% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia.

Tại nước Đức, sản lượng công nghiệp trong tháng 7 giảm khá mạnh 2,4% sau khi tăng 1,7% ở tháng 6, sâu hơn so với mức giảm 0,4% theo dự báo. Cán cân thương mại Đức trong tháng 7 ghi nhận mức thặng dư 16,8 tỷ EUR, thấp hơn so với mức thặng dư 20,4 tỷ của tháng 6, đồng thời thấp hơn mức thặng dư 21,0 tỷ theo kỳ vọng.

Trong tuần này, quốc tế chờ đợi các thông tin quan trọng về cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu ECB. Cơ quan này được thị trường kỳ vọng sẽ hạ mạnh lãi suất chính sách (bộ 3 lãi suất, đại diện là lãi suất cho vay tái cấp vốn kỳ hạn qua đêm từ mức 4,25% về còn 3,65%). Kết quả của cuộc họp sẽ được công bố vào tối ngày 12/9 theo giờ Việt Nam.

P.L

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-4-69-155309.html
Zalo