Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/9
Tỷ giá trung tâm tăng 10 đồng, chỉ số VN-Index tăng 5,95 điểm hay kỳ 1 tháng 9/2024, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt 0,55 tỷ USD... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 18/9.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ, phiên 18/9, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.151 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên trước đó.
Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.308 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.615 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên 17/9.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm 50 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.850 VND/USD và 24.950 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 18/9, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1 tuần và tăng 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng so với phiên trước đó; cụ thể: qua đêm 3,22%; 1 tuần 3,43%; 2 tuần 3,67% và 1 tháng 4,03%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm trong khi giảm 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng và không thay đổi ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: qua đêm 5,31%; 1 tuần 5,31%; 2 tuần 5,33%, 1 tháng 5,36%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp cũng biến động trái chiều; chốt phiên với: 3 năm 1,90%; 5 năm 1,95%; 7 năm 2,19%; 10 năm 2,70%; 15 năm 2,89%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu cũng như đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố duy trì ở mức 1.554,27 tỷ đồng, không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 18/9, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 8.030 tỷ đồng/11.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 70%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 30 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng gọi thầu mỗi kỳ hạn. Kỳ hạn 7 năm huy động được 230 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, 10 năm huy động được 4.500 tỷ đồng/6.500 tỷ đồng và 15 năm huy động được 2.300 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,95% (không đổi so với phiên đấu thầu trước), 7 năm là 2,05% (+0,03 điểm phần trăm), 10 năm là 2,68% (-0,03 điểm phần trăm), 15 năm 2,88% (-0,02 điểm phần trăm) và 30 năm 3,10%, (không đổi).
Thị trường chứng khoán nối tiếp đà tăng của phiên trước đó, tuy nhiên áp lực bán gia tăng về cuối phiên, nhưng các chỉ số vẫn bảo toàn được sắc xanh. Chốt phiên, VN-Index tăng 5,95 điểm (+0,47%), đạt mức 1.264,90 điểm; HNX-Index thêm 0,66 điểm (+0,28%) lên 232,95 điểm; UPCoM-Index cộng 0,35 điểm (+0,38%) đạt 93,47 điểm. Thanh khoản thị trường cải thiện khá với giá trị giao dịch đạt trên 19.900 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp hơn 306 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố, kỳ 1 tháng 9/2024, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt 0,55 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đến hết 15/9 thặng dư 18,04 tỷ USD.
Cụ thể, từ 1-15/9, kim ngạch xuất khẩu đạt 14 tỷ USD, nhập khẩu đạt 14,55 tỷ USD. Lũy kế từ 1/1 - 15/9, kim ngạch xuất khẩu đạt 279,38 tỷ USD, nhập khẩu đạt 261,34 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 540,72 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất chính sách trở lại, mức hạ cũng tương đối lớn ở lần cắt giảm đầu tiên. Trong cuộc họp diễn ra ngày 17-18/9, Fed dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Mỹ tăng 2,0% trong năm 2024 (-0,1 điểm phần trăm so với hồi tháng 6) và 2,0% trong năm 2025 (không đổi). Tỷ lệ thất nghiệp thời điểm kết thúc 2024 và 2025 được dự báo cùng ở mức 4,4% (lần lượt +0,4 điểm phần trăm và + 0,2 điểm phần trăm).
Về lạm phát, chỉ số giá chi tiêu dùng cá nhân (PCE) toàn phần cuối 2024 và 2025 được dự báo lần lượt ở 2,3% và 2,1% so với cùng kỳ (lần lượt -0,3 điểm phần trăm và -0,2 điểm phần trăm). PCE lõi cuối 2024 và 2025 được dự báo lần lượt ở 2,6% và 2,2% (lần lượt -0,2 điểm phần trăm và +0,1 điểm phần trăm). Fed cho rằng đã có thêm cơ sở để tin rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2,0%, bên cạnh đó những rủi ro giữa lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đang tương đối cân bằng.
Trong cuộc họp lần này, Fed quyết định cắt giảm lãi suất chính sách 50 điểm cơ bản, từ mức 5,25-5,50% xuống còn 4,75-5,0%. Fed cũng dự báo lãi suất chính sách cuối 2024 về khoảng 4,25-4,50% và tiếp tục xuống còn 3,25-3,50% ở 2025 (cùng -0,7 điểm phần trăm so với dự báo trước). Fed tiếp tục khẳng định hướng tới mục tiêu lạm phát 2,0% và toàn dụng lao động, các quyết định tiếp theo sẽ dựa trên các dữ liệu về thị trường lao động, áp lực lạm phát và diễn biến kinh tế - tài chính quốc tế.
Sau cuộc họp trên, công cụ dự báo của CME cho thấy có 65% khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 7/11, và chỉ có 35% khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tại nước này tăng 2,2% so với cùng kỳ trong tháng 8, không thay đổi so với kết quả thống kê tháng 7 và khớp với dự báo. Bên cạnh đó, CPI lõi trong tháng vừa qua tăng 3,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức 3,3% ở tháng 7 và cũng khớp với dự báo.
Thị trường nhận định lạm phát tại nước Anh đã xuống tương đối thấp, nhưng lạm phát lĩnh vực dịch vụ vẫn còn tăng 5,6% so với cùng kỳ, tương đối cao và khiến cho ngân hàng trung ương Anh (BoE) giữ trạng thái cẩn trọng.
Theo đó, các chuyên gia dự báo BoE sẽ giữ lãi suất chính sách đi ngang ở mức 5,0% trong cuộc họp diễn ra chiều nay, 19/9, bất chấp các ngân hàng trung ương lớn khác như Fed và ECB đã có những sự điều chỉnh tương đối lớn về lãi suất chính sách trong những ngày vừa qua.