Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/12
Tỷ giá trung tâm giảm 5 đồng, chỉ số VN-Index giảm 3,21 điểm hay tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 715,55 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 24,31 tỷ USD... là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 11/12.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ, phiên 11/12, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.253 VND/USD, giảm 05 đồng so với phiên trước đó.
Giá mua - bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.393 VND/USD, tăng 18 đồng so với phiên 10/12.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.530 VND/USD và 25.650 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 11/12, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,27 – 0,31 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; cụ thể: qua đêm 4,52%; 1 tuần 4,65%; 2 tuần 4,78 và 1 tháng 5,07%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần, giao dịch tại: qua đêm 4,61%; 1 tuần 4,66%; 2 tuần 4,71%, 1 tháng 4,76%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở kỳ hạn 3 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,87%; 5 năm 2,06%; 7 năm 2,37%; 10 năm 2,81%; 15 năm 2,99%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 20.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Có 19.999,93 tỷ đồng trúng thầu; có 8.000 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN ở 2 kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 1.500 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 4,0%. Kỳ hạn 28 ngày không có khối lượng trúng thầu. Có 300 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 10.799,93 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở phiên hôm qua. Có 31.999,89 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 45.155 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu, Kho bạc nhà nước đấu thầu thành công 1.740 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 19%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm trúng 500 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.200 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động được 40 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu. Riêng kỳ hạn 15 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5 năm là 2,0% (+0,09 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước đó), 10 năm là 2,73% (+0,07 điểm phần trăm) và 30 năm là 3,18% (+0,08 điểm phần trăm).
Trên thị trường chứng khoán, tâm lý lưỡng lự bao trùm cả 3 sàn. Kết phiên, VN-Index giảm 3,21 điểm (-0,25%) về mức 1.268,86 điểm; HNX-Index mất 1,06 điểm (-0,46%) còn 228,18 điểm; UPCoM-Index đi ngang ở 92,74 điểm. Thanh khoản thị trường thấp với giá trị giao dịch đạt gần 16.600 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 300 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 33,73 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt con số 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tháng 11 đạt 32,67 tỷ USD, giảm 2,8% m/m. Hết tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 345,62 tỷ USD. Như vậy, tính đến hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 715,55 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 24,31 tỷ USD.
Tin quốc tế
Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần và CPI lõi nước này cùng tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 11 sau khi lần lượt tăng 0,2% và 0,3% trong tháng 10, đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần và CPI lõi lần lượt tăng 2,7% và 3,3% trong tháng 11, không thay đổi nhiều so với mức 2,6% và 3,3% của tháng trước đó.
Dữ liệu trên có thể sẽ được Fed xem xét trước thềm cuộc họp cuối năm diễn ra ngày 17-18/12. Hiện tại, công cụ dự báo của CME cho thấy có 96% khả năng Fed cắt giảm lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này, và chỉ có 4% khả năng giữ lãi suất chính sách đi ngang ở mức 4,5% - 4,75%. Theo kịch bản chiếm ưu thế mà CME đưa ra, Fed có thể cắt giảm lãi suất chính sách thêm 2 lần trong năm 2025, lần đầu tiên vào tháng 3 và lần tiếp theo vào tháng 6, đưa lãi suất chính sách trong năm sau về mức 3,75% - 4,0%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cập nhật dự báo triển vọng kinh tế khu vực năm 2025. Trong báo cáo công bố ngày hôm qua 11/12, ADB nhận định những chính sách của Mỹ dưới thời kỳ tân Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là hàng rào thuế quan, có thể ảnh hưởng tới triển vọng dài hạn của khu vực châu Á.
Tuy nhiên, những chính sách này sẽ mất thời gian để triển khai và phát huy hiệu lực, do đó nhiều khả năng các nước sẽ bắt đầu bị tác động vào năm 2026. Trong tài liệu lần này, ADB tạm thời bỏ qua những yếu tố ngắn hạn từ các động thái mới của Mỹ và Trung Quốc sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử.
Cụ thể, ADB dự báo GDP Trung Quốc lần lượt tăng 4,8% trong 2024 và 4,5% năm 2025 (cùng không đổi so với dự báo tháng 9). GDP Ấn Độ lần lượt tăng 6,5% (-0,5 điểm phần trăm) và 6,3% (-0,2 điểm phần trăm) trong 2 năm. Tại khu vực Đông Nam Á, GDP Indonesia được dự báo cùng tăng 5,0% ở cả 2 năm (cùng không đổi so dự báo trước); thángalaysia lần lượt tăng 5,0% (+0,5 điểm phần trăm) và 4,6% (không đổi); Philippines tăng 6,0% (không đổi) và 6,2% (không đổi); Singapore tăng 3,5% (+0,9 điểm phần trăm) và 2,6% (không đổi); Thái Lan tăng 2,6% (+0,3 điểm phần trăm) và 2,7% (không đổi).
Việt Nam là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á được điều chỉnh tăng ở cả 2 năm, lần lượt tăng 6,4% (+0,4 điểm phần trăm) và 6,6% (+0,4 điểm phần trăm). Đồng thời, với mức dự báo này, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.