Điểm đến du lịch làng nghề truyền thống - Bài cuối: Chung tay 'níu chân' du khách
Thực tế, xuất phát từ nhiều điều kiện liên quan đặc thù quy trình sản xuất, cơ sở hạ tầng, không phải làng nghề hay nghề truyền thống nào cũng trở thành sản phẩm du lịch. Song du lịch làng nghề vẫn là một trong những nhóm sản phẩm du lịch quan trọng, làm nên giá trị đặc sắc cho điểm đến.
Hiện nay, phát triển du lịch gắn với làng nghề, nghề truyền thống ở nhiều địa phương đang có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay từ cộng đồng người dân làng nghề, các cấp, ngành chức năng, các doanh nghiệp thu mua sản phẩm làng nghề cũng như các doanh nghiệp dịch vụ du lịch.
Phát triển nhiều nhóm sản phẩm
Nhìn nhận từ khía cạnh phát triển sản phẩm du lịch từ làng nghề và nghề truyền thống, các chuyên gia cho rằng nhiều làng nghề chưa phát huy hết tiềm năng phát triển, mở rộng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm gắn với kinh tế du lịch được hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: Có thể thiết lập bốn nhóm sản phẩm du lịch tại các làng nghề truyền thống. Đó là nhóm sản phẩm du lịch văn hóa nghề truyền thống, nhóm sản phẩm du lịch văn hóa nghề nông, nhóm sản phẩm du lịch các di sản kiến trúc, cảnh quan và nhóm sản phẩm văn hóa phi vật thể. Việc xây dựng được nhiều bộ sản phẩm du lịch sẽ thực hiện được đồng thời cả hai mục tiêu phát triển nghề và phát triển du lịch, góp phần giữ chân du khách lâu hơn, ”kích thích” họ chi tiêu nhiều hơn tại mỗi điểm đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Đề cập phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch, khai thác kinh tế văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững cho rằng: muốn hiệu quả cần có sự tham gia sâu sát của chính quyền địa phương. Chính quyền cần nỗ lực nâng cao nhận thức và tạo động lực về nguồn vốn ban đầu cho người dân để họ có đủ năng lực trở thành chủ thể trong chuỗi giá trị tạo sản phẩm. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phân chia lợi ích hợp lý, gắn kết chặt chẽ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp với người dân trong quá trình triển khai chuỗi sản phẩm vào thực tế.
Từ thực tế phát triển sản phẩm của làng nghề phục vụ thị trường tiêu dùng gắn phát triển du lịch, ông Nguyễn Ngọc Hùng, chủ doanh nghiệp kinh doanh hoa, cây kiểng, đồng thời là chủ điểm đến du lịch mang tên Happy Land Hùng Thy tại làng nghề hoa, cây kiểng Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: điểm đến này đang phát triển đa dạng các nhóm sản phẩm từ nền tảng nghề truyền thống. Đó là trải nghiệm văn hóa làng nghề hoa, kiểng Sa Đéc với cách canh tác hoa trên giàn, phù hợp với mùa nước nổi, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, tham quan cảnh quan làng nghề,vui chơi giải trí gắn đời sống văn hóa người dân vùng miệt vườn, sông nước, thu hút mỗi năm khoảng trên 100.000 lượt du khách.
Tạo nhiều trải nghiệm gắn bản sắc văn hóa
Để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch làng nghề, một trong các giải pháp quan trọng là để du khách tới tham quan không chỉ thấy, mua sản phẩm mà còn được tìm hiểu quá trình làm ra sản phẩm, thể hiện tài năng người thợ và “hồn cốt” văn hóa địa phương. Mắt thấy, tai nghe, đặc biệt là được cùng sáng tạo, tham gia vào quá trình làm ra sản phẩm chắc chắn du khách sẽ có ấn tượng tốt với sản phẩm hơn là chỉ đến và mua sản phẩm mang về.
Du khách Huỳnh Mai Nhi (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Đi du lịch đến các địa phương có nghề truyền thống, dù là theo tour hay theo hình thức du lịch tự túc, chị đều muốn được trải nghiệm hơn là chỉ đơn giản mua sản phẩm mang về. Hiện nay, sự phát triển của thương mại điện tử giúp du khách rất thuận tiện khi muốn mua sản phẩm, không cần đến tận nơi sản xuất vất vả “khuân, vác”. Vì vậy, đi du lịch làng nghề là phải trải nghiệm, hiểu về lịch sử, cách thức tạo ra sản phẩm, từ đó du khách mới thấy sản phẩm có tính độc đáo, giá trị có sức cạnh tranh cao.
Liên quan đến sản phẩm du lịch gắn với văn hóa làng nghề, theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nếu làng nghề không “bám” vào văn hóa và không “nắm” được du lịch sẽ khó phát triển mạnh trong giai đoạn hội nhập. Ở nhiều làng nghề hiện nay, ngoài sản phẩm ra còn có những hoạt động bổ trợ khác về văn hóa, du lịch. Để “níu chân” du khách, tạo nhiều trải nghiệm gắn bản sắc văn hóa, các cấp, ngành cần quan tâm công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa truyền thống trong khu vực làng nghề, qua đó giữ gìn bản sắc văn hóa của làng nghề, tạo sức hút với du khách.
Gợi mở giải pháp phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch, lấy điểm nhìn từ nghề gốm Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) có lịch sử hàng trăm năm trước, Giáo sư Phan Thị Thu Hiền (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Đối với Biên Hòa, du lịch gắn với di sản văn hóa gốm sứ như một biểu tượng của văn hóa Đồng Nai, hào khí phương Nam sẽ có “quang phổ” hoạt động, trải nghiệm đa dạng, phong phú, toàn diện hơn. Hành trình tham quan, trải nghiệm nghề gốm của du khách bao gồm cả các cơ sở gốm cổ, cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, các doanh nghiệp gốm danh tiếng, cơ sở đào tạo gắn với nghề thủ công truyền thống.
Các đơn vị, doanh nghiệp có thể xây dựng, khai thác các tour du lịch nghệ thuật gốm liên kết với các điểm đến như Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và các triển lãm tranh, tượng gốm, các nhà sưu tập gốm. Hoặc tour du lịch tìm hiểu gốm với văn hóa Biên Hòa, đồng thời đưa du khách tham quan các ngôi chùa, đình, miếu cổ ở cùng thành phố Biên Hòa, các công trình tiêu biểu cho hào khí Đồng Nai như Quảng trường Sông Phố, Văn miếu Trấn Biên…, qua đó tăng bản sắc văn hóa cho các sản phẩm du lịch, hấp dẫn hơn với du khách - Giáo sư Phan Thị Thu Hiền đề xuất.