Điểm báo in Bắc Kạn ngày 17/5/2025

Trên số báo in Bắc Kạn cuối tuần ra ngày 17/5/2025 có một số thông tin như sau:
>> Học tập và làm theo Bác thực chất, hiệu quả (Xem trang 1, 4)
Kỳ 1: Từ học tập đến làm theo Bác
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03-CT/TW (năm 2011), tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tiếp nối kết quả đạt được, ngày 16/5/2016, Chỉ thị 05-CT/TW được ban hành, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tỉnh ủy Bắc Kạn khen thưởng các cá nhân xuất sắc trong 03 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW.
Việc học và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, góp phần xây dựng phong trào sâu rộng trong cán bộ, đảng viên. Tỉnh đã cụ thể hóa 27 biểu hiện suy thoái thành 135 biểu hiện, tổ chức sinh hoạt “tự soi, tự sửa”, thực hiện nghiêm quy định nêu gương, xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ, phát động nhiều phong trào an sinh xã hội, gắn học Bác với giải quyết vấn đề nổi cộm, bức xúc, tăng cường đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo với Nhân dân.
>> Người cựu chiến binh và ký ức hai lần gặp Bác Hồ (Xem trang 2)
“Hai lần được gặp Bác Hồ là điều mà tôi vô cùng tự hào, nó cũng trở thành động lực để tôi phấn đấu và cống hiến nhiều hơn trong mọi công việc”. Đó là chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Quân, người Cựu chiến binh đã đi qua hai cuộc kháng chiến lịch sử của dân tộc.

Ông Nguyễn Quân ôn lại những năm tháng hào hùng.
>> Chuyện dạy và học ở Điểm trường Pù Lùng (Xem trang 3)
Từ nhiều năm nay, cô và trò tại Điểm trường Pù Lùng, thuộc Trường Mầm non Xuân Lạc, xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) gặp nhiều khó khăn khi tình trạng thiếu nước kéo dài. Hằng ngày, các cô giáo phải luân phiên nhau đến nhà dân xin nước sạch về phục vụ cho việc chăm sóc trẻ, vệ sinh lớp học. Tuy vất vả, khó khăn là vậy, nhưng những giáo viên “cắm bản” vẫn ngày đêm miệt mài đem ánh sáng tri thức, nuôi dưỡng ước mơ của con em đồng bào dân tộc nơi đây.
Các cô giáo phải đi xách từng xô nước về dùng.
Điểm trường có 03 giáo viên phụ trách 02 lớp học với tổng số 40 trẻ từ 03 đến 05 tuổi. Vào mùa khô, nguồn nước gần như cạn kiệt. Mỗi ngày, các cô giáo phải thay nhau đến xin nước từ nhà dân hoặc vượt dốc, băng rừng hơn 500m lên khe suối gánh nước về sinh hoạt, nấu ăn, dọn dẹp.
Thấu hiểu tình cảnh của các cô, phụ huynh học sinh đã đồng lòng hỗ trợ bằng cách mang theo 20 lít nước khi đưa trẻ đến lớp mỗi sáng. Những can nước trở thành “vật bất ly thân” trên con đường tới lớp của trẻ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ mang tính tình thế, bởi chính các hộ dân địa phương cũng đang rơi vào tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng.
Mỗi sáng các phụ huynh ngoài chở theo con đến lớp còn mang theo một can nước.
>> Văn học nghệ thuật Bắc Kạn sau 50 năm thống nhất đất nước (Xem trang 5)
Nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất (1975-2025), văn học nghệ thuật (VHNT) Bắc Kạn không ngừng phát triển, góp phần làm phong phú thêm dòng chảy văn hóa dân tộc. Hành trình ấy đã tạo nền tảng vững chắc để các thế hệ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, đồng hành cùng sự đổi mới, phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Tranh họa sĩ Bắc Kạn tại triển lãm “Sắc chàm - Nơi đầu nguồn sông Cầu” .
>> Phát triển vùng dân tộc thiểu số ở Bạch Thông (Xem trang 6)
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2025, huyện Bạch Thông đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và cải thiện đời sống Nhân dân.

Huyện Bạch Thông đang tập trung khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
>> Trang thơ, tản văn (Xem trang 7)
Về thăm quê Bác Làng Sen

Ngôi nhà của Bác ở làng Sen. Ảnh sưu tầm.
Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, là “địa chỉ đỏ” in đậm trong trái tim mỗi người Việt. Nơi đây nổi tiếng với nhiều hồ, ao sen, đặc biệt hoa sen nở rộ vào tháng 5 – tháng sinh nhật Bác. Nhà thơ Xuân Hoài có tứ thơ khá hay khi viết về quê Bác: “Bỗng nghe tiếng nói trăm miền/Khi con bước đến làng Sen làng Chùa” và nhà thơ bỗng nhận ra: “Bước chân bè bạn năm châu/ Đứng gần nhau, xích gần nhau lối này”.
Giữa lòng dân Bác vẫn sống trọn đời
Bác vẫn sống trọn đời ở giữa lòng dân
Trên ngực áo Người không một tấm huân chương
(Tấm gương Bác là huân chương đẹp nhất!)

Bác Hồ nhận củ sắn là quà tặng của nông dân huyện Chợ Đồn năm 1951. Ảnh: Tư liệu
Bác có thói quen thường ngày hay hút thuốc
Người bảo: Đó là tật xấu đừng theo!
Trước lúc ra đi Bác chẳng để lại gì nhiều:
Bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su, ngôi nhà sàn lộng gió!
...
Lễ cúng rừng
Tháng ba về, bản bừng tiếng gọi
trẻ con dậy sớm hơn- để theo mẹ lên rừng
cúng cây cổ thụ là một lần cúng vía
nơi tổ tiên ta từng đặt lưng ngủ giấc đầu tiên.

Em buộc tóc bằng dây lanh mảnh
vai gùi rượu, trứng, con gà trống mới kêu
chiếc khăn chàm rủ xuống bờ vai nhỏ
ánh mắt cười như hạt giống mới gieo
Bếp than đỏ lửa dưới gốc nghiến già
thầy mo rắc muối- như rắc những điều lành cho bản
...

Minh họa Q.D
Chợt thương bồ kết
Cho con trở lại quê nhà
với canh rau muống, với cà dầm tương*
Bàn chân vội vã phố phường
bâng khuâng chạm lối mảnh vườn bờ ao
Có con chuồn ớt nơi nao
bay về thơ thẩn hàng rào chiều nay...
Nhẹ lùa tóc mẹ thưa mây
chợt thương bồ kết mai này còn hương?
* ý ca dao
>> Nơi giữ lửa niềm tin và tình quân dân (Xem trang 8)
Giữa trùng khơi sóng gió của biển Đông, nơi các chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, có một “mặt trận” đặc biệt, nhưng ít được nhắc đến, đó là gian bếp trên Tàu HQ-561. Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, những người không chỉ lo từng bữa ăn đủ đầy, mà còn là những “người giữ lửa” – của niềm tin, của tình quân dân, của hơi ấm quê nhà giữa mênh mông sóng nước.

Sau khi nấu xong, cơm và thức ăn được chia vào các khay suất ăn, bảo đảm đầy đủ cho mỗi người.
... Thông tin chi tiết, mời độc giả đọc trên số báo Bắc Kạn cuối tuần ngày 17/5/2025 tại đây.