Đích đến là phục vụ Nhân dân tốt hơn

Cần lưu ý khắc phục cả 2 khuynh hướng: một là, sáp nhập các xã, phường quá rộng như một 'cấp huyện thu nhỏ' dẫn đến không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được Nhân dân, dẫn đến biến chủ trương không tổ chức cấp huyện thành không tổ chức cấp xã. Hai là, sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả.

Nhấn mạnh yêu cầu trên trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 Khóa XIII sáng qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đặc biệt lưu ý, các địa phương phải hết sức chủ động và trách nhiệm trong việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường; trong đó, "Ban Thường vụ các tỉnh phải bàn bạc, tính toán rất kỹ, trên tinh thần tầm nhìn lâu dài, vì nước, vì dân để có phương án bố trí, sắp xếp hợp lý nhất".

Trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp thì việc tổ chức lại cấp xã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, then chốt trong việc xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, chủ động hướng về Nhân dân để phục vụ tốt hơn.

Theo định hướng của Trung ương, cả nước sẽ giảm khoảng 60 - 70% số đơn vị hành chính cấp xã. Với số lượng giảm rất lớn như vậy đòi hỏi việc xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập các xã phải tuyệt đối tránh tư duy cơ học. Một xã/phường lý tưởng không nhất thiết phải “đông dân” hay “rộng đất”, mà phải là một đơn vị có khả năng quản trị hiệu quả, có thể kết nối được dịch vụ công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là bảo đảm người dân tiếp cận được với chính quyền một cách thuận tiện, nhanh chóng và tin cậy.

Ngay trước Hội nghị sáng qua, ngày 15.4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó nêu rõ, việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã phải tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp...

Với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, một thách thức lớn, theo các chuyên gia, chính là bảo đảm tính kết nối, không bị "khoảng trống" quản lý giữa cấp tỉnh và cấp xã bởi cấp xã. Một thách thức hiện hữu nữa là cấp xã mới sẽ phải gánh vác khối lượng công việc lớn hơn, địa bàn rộng hơn, dân số đông hơn, trong khi năng lực cán bộ và hạ tầng công nghệ ở nhiều nơi chưa đồng bộ.

Chính vì vậy, ở góc độ thể chế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Chính phủ và Quốc hội sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung các luật liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, quyền, lợi ích cơ bản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, thẩm quyền của địa phương và tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực về ngân sách, đầu tư, quy hoạch. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung sẽ đặc biệt lưu ý việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rành mạch thẩm quyền giữa trung ương với địa phương, giữa cấp tỉnh với cấp xã, xác định rõ việc nào của chính quyền cấp huyện cần điều chuyển cho chính quyền cấp xã hoặc giao chính quyền cấp tỉnh để tạo thuận lợi cho địa phương.

Việc sắp xếp, sáp nhập xã phải đi liền với cải cách mô hình, nâng cao năng lực của chính quyền, phải có giải pháp đồng bộ về ứng dụng công nghệ số, dịch vụ công trực tuyến, tổ chức lại đội ngũ công chức, trong đó, như yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, mỗi đơn vị hành chính cấp xã phải có Trung tâm dịch vụ hành chính công để giải quyết thông suốt, kịp thời các thủ tục hành chính, không để xảy ra ách tắc, chậm trễ gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Trước khi sắp xếp, sáp nhập các xã cũng cần coi trọng và thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến nhân dân, qua đó không chỉ phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của người dân mà còn giúp kịp thời phát hiện những khó khăn thực tế, những yếu tố đặc thù địa phương mà từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước có thể không nhìn thấy hết.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là bước đi không thể thiếu trong tổng thể cuộc cách mạng lớn về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Điều quan trọng không phải là “giảm được bao nhiêu xã”, mà đích đến, mục tiêu cao nhất chính là xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, chủ động hướng về Nhân dân để phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dich-den-la-phuc-vu-nhan-dan-tot-hon-post410491.html
Zalo