Dịch COVID-19: Nỗ lực giải mã về thời kỳ ủ bệnh của biến thể Omicron

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Miami, bang Florida, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

* Hơn 20 quốc gia châu Phi báo cáo các trường hợp nhiễm biến thể Omicron

Giới khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu để thu thập các dữ liệu về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Tới thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết nhiều về biến thể mới xuất hiện này, nhưng một số ý kiến cho rằng thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm biến thể Omicron có thể ngắn hơn so với các biến thể từng biết tới trước đó.

Thời kỳ ủ bệnh là quãng thời gian giữa thời điểm một người nào đó tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và thời điểm họ xuất hiện các triệu chứng bệnh.

Một số mầm bệnh có thời gian ủ bệnh rất ngắn, song một số khác lại có thời gian ủ bệnh rất dài. Thời gian ủ bệnh có thể ảnh hưởng tới mức độ theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.

Đối với bệnh COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng thời gian trung bình để một người tiếp xúc với virus và xuất hiện các triệu chứng bệnh là 4-5 ngày, mặc dù quãng thời gian này có thể kéo dài đến 14 ngày ở một số trường hợp.

Theo CDC, một nghiên cứu đã cho thấy ở hầu hết những người mắc COVID-19 có biểu hiện triệu chứng, các dấu hiệu mắc bệnh của họ sẽ xuất hiện trong vòng 11 ngày rưỡi.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thời gian ủ bệnh của COVID-19 trung bình là khoảng 5-6 ngày, song cũng có thể kéo dài tới 14 ngày.

Gần đây, một số báo cáo cho rằng biến thể Omicron có thể có thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các biến thể trước đó.

Vào ngày 6/12, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết: "Những phân tích gần đây của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho thấy khoảng thời gian từ lúc phơi nhiễm đến lúc phát bệnh do biến thể Omicron có thể ngắn hơn so với biến thể Delta" .

Ngoài ra, các kết quả phân tích đối với hơn 100 người liên quan đợt bùng phát chuỗi lây nhiễm biến thể Omicron tại một bữa tiệc Giáng sinh ở Na Uy vào tháng trước, cho thấy phần lớn trong số họ đã bị nhiễm virus.

Các phân tích cho rằng giả sử những người tham dự bị nhiễm bệnh tại bữa tiệc, thì thời gian ủ bệnh trung bình của họ là 3 ngày.

Các nhà khoa học nhấn mạnh khoảng thời gian này "ngắn hơn so với các báo cáo trước đó về biến thể Delta, cũng như các biến thể trước đó của SARS-CoV-2".

Theo các ghi nhận trước đó, Delta có thời gian ủ bệnh kéo dài 4,3 ngày, trong khi các biến thể khác ủ bệnh trong 5 ngày.

Về thời gian cách ly để phòng dịch COVID-19, CDC Mỹ quy định rằng mọi trường hợp phải cách ly trong 10 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng bệnh đầu tiên và có thể chấm dứt cách ly sau đó nếu họ không cần dùng tới thuốc hạ sốt và không bị sốt trong vòng 24 giờ, trong khi các triệu chứng bệnh khác đang được cải thiện.

Đối với những người không xuất hiện các triệu chứng, thì khoảng thời gian cách ly là 10 ngày bắt đầu từ khi cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nếu các triệu chứng xuất hiện trong khoảng thời gian này, họ sẽ phải tính lại thời điểm cách ly kể từ ngày xuất hiện triệu chứng. Thời gian cách ly có thể kéo dài lâu hơn đối với những người bị bệnh nặng hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Chính phủ Anh tuần này cũng cập nhật hướng dẫn về cách ly, trong đó nêu rõ rằng mọi người có thể chấm dứt thời gian cách ly sau 7 ngày nếu họ có 2 kết quả xét nghiệm âm tính ở hai ngày cuối của giai đoạn cách ly (mỗi xét nghiệm thực hiện cách ngay 24 giờ) và thân nhiệt của họ ở trạng thái bình thường.

Nếu không đáp ứng những điều kiện này, họ sẽ phải tiếp tục cách ly đủ 10 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng.

* Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 23/12, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 22 quốc gia châu Phi đã báo cáo ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron của COVID-19.

Ông John Nkengasong, Giám đốc CDC châu Phi, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo định kỳ rằng hiện 22 quốc gia châu Phi báo cáo sự có mặt của biến thể Omicron, trong đó 6 quốc gia châu Phi (Burkina Faso, Togo, Ai Cập, Kenya, Maroc và Mauritius) đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong tuần qua.

Ông Nkengasong nhấn mạnh rằng “Chúng ta có thể thấy rõ rằng biến thể Omicron đang lan truyền rất nhanh ở châu Phi”.

Liên minh châu Phi (AU) gần đây cảnh báo rằng các lệnh cấm đi lại và nhập cảnh liên quan đến sự xuất hiện của biến thể Omicron của COVID-19 đang hạn chế sự di chuyển tự do của người và hàng hóa, gây tác động tức thì và đáng kể đối với người dân các nước châu Phi.

Tính đến sáng ngày 23/12, châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 9.259.813 người mắc COVID-19 và 226.536 ca tử vong.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269002/dich-covid-19--no-luc-giai-ma-ve-thoi-ky-u-benh-cua-bien-the-omicron.html
Zalo