Dịch bệnh tụ huyết trùng làm chết 39 con trâu ở Quảng Trị
UBND tỉnh Quảng Trị vừa chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh tụ huyết trùng trâu, bò.
Từ đầu tháng 2/2025 đến nay, bệnh tụ huyết trùng xảy ra tại xã Ba Lòng và xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị làm chết 39 con trâu, bò. UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Bệnh tụ huyết trùng đã làm chết 39 con trâu ở Quảng Trị
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch, kịp thời khống chế không để dịch lây lan. Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác để phòng bệnh.

Các địa phương triển khai các biện pháp phòng dịch trên đàn gia súc
Đặc biệt, UBND huyện Đakrông tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan và UBND 2 xã Ba Lòng, Triệu Nguyên triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống để dập tắt ổ dịch trong thời gian sớm nhất.

Dịch bệnh trên đàn trâu, bò ở tỉnh Quảng Trị diễn biến phức tạp
Ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết: “Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác theo dõi, chỉ đạo, khuyến cáo các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt đối với các ổ dịch; thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn trâu, bò; tiêm kháng sinh dự phòng đối với đàn trâu, bò tiếp xúc với con vật bị bệnh. Đối với các địa phương xung quanh, khẩn trương tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò để có kháng thể phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương kịp thời cấp hóa chất cho người dân tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh”.