Địa ốc sẵn sàng đón chu kỳ phát triển mới

Khi thị trường xuất hiện những yếu tố tích cực cả về sức cầu lẫn pháp lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẵn sàng các kế hoạch cho chu kỳ phát triển mới.

Dự án Lotte Eco Smart City dự kiến đóng 16.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất sau khi được tháo gỡ. Ảnh: Lê Toàn

Dự án Lotte Eco Smart City dự kiến đóng 16.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất sau khi được tháo gỡ. Ảnh: Lê Toàn

Pháp lý được gỡ, hàng mới sẵn sàng bung

Trong các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP.HCM và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài diễn ra hàng năm, lãnh đạo Lotte Việt Nam cho biết, từ khi doanh nghiệp nhận bàn giao đất vào tháng 8/2022, việc thẩm định giá đất cho Dự án Lotte Eco Smart City tại khu chức năng 2A, Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) vẫn chưa xong.

Chưa kể, do các tiêu chuẩn thẩm định còn hạn chế trong việc phản ánh chi phí thực tế của nhà đầu tư, cùng sự thay đổi trong các hạng mục giả thiết khi thẩm định giá làm tăng thêm gánh nặng về nghĩa vụ tài chính đối với nhà đầu tư. Sau 2 năm tổ chức lễ động thổ rồi bất động, dự án tỷ USD nêu trên đang được kỳ vọng có bước chuyển biến lớn về pháp lý.

Trực tiếp tham dự các phiên họp thường kỳ về kinh tế - xã hội, phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận ít nhất 2 lần Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm như một dự án điểm để yêu cầu các sở, ngành phải tập trung tháo gỡ. “Cần sớm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án quy mô lớn để vừa có đầu tư mới, tăng thu ngân sách, gia tăng nguồn cung sản phẩm mới cho thị trường”, ông nói trong phiên họp diễn ra hồi tháng 10/2014 và đến đầu tháng 12, Dự án chính thức được đưa ra xem xét tháo gỡ, do Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì.

Ngoài dự án trên, đến cuối năm 2024, Thành phố đã dứt điểm gỡ vướng cho nhiều dự án khác như Metro Star của Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star; Khu nhà ở cao tầng Sông Đà - Thăng Long của Công ty Hưng Thịnh Incons; Celadon City của Công ty Gamuda Land… “Chúng tôi đánh giá tích cực các động thái rà soát, minh bạch hóa của TP.HCM. Những điều chỉnh này không chỉ tạo điều kiện cho các dự án mới tham gia thị trường, mà còn giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và người mua nhà”, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó tổng giám đốc Gamuda Land vui mừng nói.

Thực tế 70% dự án gặp vướng pháp lý không chỉ khiến doanh nghiệp khó khăn, mà thị trường cũng suy giảm niềm tin, nguồn cung dần cạn kiệt. Điều đáng mừng là, với sự tăng tốc tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong 2 năm qua, dù danh sách được tháo gỡ chưa dài, song thị trường một lần nữa lóe lên hy vọng khi nguồn cung vốn bị tắc nhiều năm sẵn sàng bung hàng.

Chẳng hạn, Tập đoàn Đất Xanh lên kế hoạch mở bán trở lại vào quý I/2025 Dự án DatXanhHomes Riverside nằm trên khu đất 6,7 ha (TP. Thủ Đức) sau khi được cấp giấy phép xây dựng. Dự án ban đầu được mở bán vào năm 2018 với giá từ 33 triệu đồng/m2, nhưng phải tạm dừng do vướng mắc pháp lý.

Chủ đầu tư Dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star (TP. Thủ Đức) cũng đang chuẩn bị khởi động lại kế hoạch mở bán dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đại diện chủ đầu tư khẳng định, giá các sản phẩm tại Dự án có thể tăng mạnh sau khi tuyến Metro số 1 vận hành nhờ vị trí lợi thế cạnh tuyến Metro số 1.

Không chỉ những dự án chưa triển khai, việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những dự án đã đưa vào sử dụng cũng ghi nhận những kết quả bước đầu.

Ông Dương Văn Bắc, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để dự kiến trong năm 2025 sẽ trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 7.000 căn hộ tại các dự án bất động sản đô thị trung tâm TP.HCM như Sunrise Riverside, The Sun Avenue, Sunrise City, Orchard Garden...

Săn quỹ đất, mở rộng thị trường

Có thể khẳng định, thị trường bất động sản đã vượt qua được “vùng đáy” và bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ năm 2025. Do vậy, cùng với việc tạo hàng cho năm mới, một số doanh nghiệp địa ốc lên kế hoạch “săn đất”, đảm bảo đủ dự án gối đầu cho các năm tới.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh đánh giá, thị trường bất động sản tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong vài năm qua đã chứng kiến sự khan hiếm nguồn cung, gây ra áp lực lớn về giá. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu, việc quan trọng nhất của chủ đầu tư là chuẩn bị quỹ đất, đây là nhiệm vụ tiên quyết.

Đối với những người mua nhà tại TP.HCM, yếu tố vị trí luôn được coi là cực kỳ quan trọng. Đầu tư bất động sản phải gắn liền với định hướng phát triển hạ tầng, bởi tốc độ hạ tầng sẽ là tiền đề quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường. Chính vì vậy, Gamuda Land luôn ưu tiên chuẩn bị quỹ đất sạch, với đầy đủ pháp lý, đảm bảo thời gian và tính sẵn sàng để tham gia thị trường khi nhu cầu tăng cao.

Tương tự, ông Lee Leong Seng, Giám đốc Bộ phận Phát triển Bất động sản Nhà ở, Khối Bất động sản của Keppel Việt Nam cho biết, Keppel nhận thấy nhiều cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam, thị trường mà doanh nghiệp đã thiết lập thành công danh mục đầu tư chất lượng, gồm bất động sản nhà ở, văn phòng và bán lẻ. Sắp tới, Keppel sẽ mở rộng sự hiện diện tại Hà Nội với việc ra mắt Hanoi Centre, dự án bán lẻ dự kiến khai trương vào năm 2025.

Theo ông Ngô Hữu Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, năm 2025, thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều thách thức, nhưng không có nghĩa là bế tắc. Bước vào chu kỳ mới, doanh nghiệp cần phải chọn đúng thị trường, đúng phân khúc, và hướng đến đúng đối tượng khách hàng tiềm năng, tập trung vào các sản phẩm bất động sản có giá trị thực, nhà ở thật.

“Chúng ta cần cắt giảm chi phí một cách hợp lý và định giá phù hợp để thị trường dễ dàng hấp thụ. Như vậy, ngoài yếu tố vĩ mô và chính sách pháp luật, bản thân doanh nghiệp cũng cần tái hoạch định chiến lược và phát triển một cách bài bản hơn”, ông Trường nói thêm.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

- Ông Dương Văn Bắc, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland

Một số dự án trọng điểm của Novaland đã đạt được các bước tháo gỡ pháp lý đáng kể. Đây là thành quả của hơn hai năm nỗ lực không ngừng nghỉ từ Novaland và các cơ quan, ban, ngành, là cú hích về pháp lý, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp về chủ trương chung của Chính phủ trong việc chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ pháp lý cho các dự án còn vướng mắc.

Việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án trọng điểm, các dự án có tác động lan tỏa đến sự phát triển của một khu vực cũng chính là thực hiện chống lãng phí trong phát triển kinh tế, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Lợi thế cạnh tranh nằm ở chất lượng sản phẩm.

- Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó tổng giám đốc Gamuda Land

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với đối tác địa phương nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của chúng tôi không nằm ở giá đất, mà ở chất lượng sản phẩm và giá trị mang lại cho khách hàng.

Người mua nhà hiện tại không chỉ quan tâm đến chi phí, mà còn đánh giá cao các giá trị gia tăng như môi trường sống an toàn, tiện ích hiện đại và cộng đồng bền vững. Đây chính là mục tiêu mà chúng tôi đặt ra khi phát triển từng dự án, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đón đầu sức cầu mới về nhà ở xã hội.

- Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group

Nhằm đón đầu sức cầu mới, Kim Oanh Group đã nghiên cứu mô hình phát triển nhà ở xã hội tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Singapore, nơi có khoảng 90% dân số sinh sống trong các dự án nhà ở xã hội được thế giới đánh giá cao nhờ vào chất lượng xây dựng, tính hiện đại, tiện nghi và không gian xanh, cùng hàng loạt ưu điểm khác.

Trong thời gian tới, Kim Oanh Group sẽ ra mắt dự án nhà ở xã hội đầu tiên theo tiêu chuẩn Singapore với quy mô diện tích 26,9 ha tại trung tâm thành phố mới Bình Dương.

Đồng bộ hóa các quy định pháp lý.

- Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành

Nhà nước cần hợp nhất và đồng bộ hóa các quy định pháp lý, đảm bảo một dự án chỉ phải qua một quy trình phê duyệt nhanh gọn. Điều này không chỉ giúp giảm thời gian, mà còn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.

Khi người dân có nhiều cơ hội tiếp cận nhà ở giá hợp lý, còn doanh nghiệp vẫn duy trì được lợi nhuận bền vững, đây là chìa khóa để phát triển thị trường bất động sản ổn định, bền vững và công bằng hơn.

Cạnh tranh tăng lên trong năm 2025.

- Ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc Filmore Real

Khép lại năm 2024, chúng ta chứng kiến sự ra mắt của các dự án nhà ở mới với giá bán cao hơn, nguồn cung hạn chế. Xu hướng này dự kiến tiếp tục vào năm 2025. Chi phí xây dựng tăng và việc tuân thủ quy định có thể gây ra thách thức cho các nhà phát triển, ảnh hưởng đến giá nhà. Với nhiều hơn dự án được ra mắt và nguồn cung tăng trên thị trường, chúng ta có thể thấy sự cạnh tranh tăng lên, dẫn đến những đề nghị tốt hơn cho người mua.

Tiếp tục đưa các tiêu chuẩn toàn cầu vào áp dụng.

- Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc Công ty SLP Việt Nam

Để đón đầu xu hướng, SLP sẽ tiếp tục phát triển quỹ đất mới, triển khai xây dựng quỹ đất hiện tại, tiếp tục đưa các thông lệ quốc tế và các tiêu chuẩn toàn cầu của GLP/SLP vào áp dụng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi tin rằng, bằng cách đón nhận và đáp ứng những thay đổi của thị trường, doanh nghiệp có thể góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Triển khai nhanh các dự án TOD.

- Ông Vincent Choo Wing Sung, Giám đốc Đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star

Nếu TP.HCM vận dụng tốt Nghị quyết 98/2023/QH15, có thể giúp chúng tôi triển khai nhanh hơn 50 dự án dọc 8 tuyến Metro như đề xuất. Chúng tôi mong TP.HCM quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đã tham gia phát triển các dự án green TOD đầu tiên như chúng tôi hoàn thiện các mô hình thí điểm và thể chế hóa bằng các hướng dẫn rõ ràng, công bằng cho mọi thành phần kinh tế.

Trọng Tín - Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/dia-oc-san-sang-don-chu-ky-phat-trien-moi-d237630.html
Zalo