Địa chính trị Syria hậu Assad

Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể làm trầm trọng thêm cuộc cạnh tranh địa chính trị tại Trung Đông. Đất nước Syria hiện bị chia thành 4 khu vực kiểm soát chính, phản ánh sự phân cực quyền lực và lợi ích tại quốc gia này.

“Cuộc chiến của tất cả chống lại tất cả”

Cuộc tấn công của lực lượng đối lập Syria được tổ chức kỹ lưỡng và tính toán chính xác về thời điểm. Chính quyền Damascus đúng lúc đang rơi vào trạng thái suy yếu nghiêm trọng, phụ thuộc hoàn toàn vào sự hậu thuẫn từ Nga và Iran. Tuy nhiên, cả Moscow và Tehran đều đang mệt mỏi , Nga với cuộc chiến tại Ukraine và Iran trong các xung đột liên quan tới Israel.

Cuộc tấn công của HTS đã khiến quân đội Chính phủ Syria không kịp phản ứng. Tinh thần của lực lượng này nhanh chóng suy sụp, tỷ lệ đào ngũ tăng cao và tình trạng thiếu hụt trang bị quân sự ngày càng trầm trọng. Trong bối cảnh đó, quân đội Syria còn phải chịu thêm sức ép từ các đợt tấn công của Israel nhắm vào Hezbollah và Iran, cũng như sự giảm tập trung hỗ trợ của Nga. Dù không quân Nga đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào vành đai Aleppo và Idlib, đồng thời triển khai các đơn vị lính đánh thuê thuộc Quân đoàn châu Phi (một nhánh của nhóm Wagner), những nỗ lực này không đủ ngăn chặn quân nổi dậy tiên sâu vào trung tâm quyền lực của Damascus.

Lực lượng HTS đã chọn đúng thời điểm để tiến hành cuộc lật đổ.

Lực lượng HTS đã chọn đúng thời điểm để tiến hành cuộc lật đổ.

Vấn đề là, những gì xảy ra ở Syria không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ nước này. Trên thực tế, cuộc xung đột tại đây là hình mẫu điển hình của chiến tranh ủy nhiệm - một dạng xung đột mà các cường quốc toàn cầu hoặc khu vực gián tiếp đối đầu nhau trên lãnh thổ của quốc gia thứ 3. Thông qua việc hỗ trợ các phe nhóm địa phương - bao gồm các phe phái chính trị, sắc tộc hoặc tôn giáo - bằng tiền bạc, vũ khí và lính đánh thuê, các cường quốc không can thiệp chính thức nhưng vẫn tạo ảnh hưởng đáng kể lên kết cục cuộc chiến.

Tại Syria, cuộc xung đột trở thành đấu trường của nhiều bên tham gia: các cường quốc lớn như Nga và Mỹ, cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Israel, cùng các nhóm vũ trang phi nhà nước như Hezbollah và các lực lượng dân quân Shiite do lực lượng Pasdaran của Iran lãnh đạo. Điểm đáng chú ý là không có sự liên kết cứng nhắc giữa các liên minh tại Syria, biến khu vực này thành “cuộc chiến của tất cả chống lại tất cả”. Một khía cạnh đặc biệt khác là không có tác nhân nhà nước bên ngoài nào quan tâm đến việc hỗ trợ HTS lật đổ ông Assad. Cả Nga và Iran đều muốn duy trì chế độ Assad nhằm phục vụ lợi ích chiến lược của họ.

Đấu trường lợi ích

Với Nga, việc mất chế độ Assad là một nguy cơ chiến lược. Moscow sẽ buộc phải đàm phán với HTS và Thổ Nhĩ Kỳ để giữ lại quyền kiểm soát các căn cứ chiến lược như Latakia và Tartus - những điểm tựa quan trọng trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng ở Địa Trung Hải và Trung Đông. Đối với Iran thì đây là một thất bại chiến lược, mất đi vị thế quan trọng trong khu vực và khả năng duy trì sức ép lên Israel thông qua Hezbollah.

Đối với Israel, sự sụp đổ của al - Assad mang lại chiến thắng lớn. Một quân cờ khác trong “Trục kháng chiến” do Iran dẫn đầu đã sụp đổ, đẩy ảnh hưởng của Tehran xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003. Tuy nhiên, Israel cũng đối mặt với rủi ro mới: khả năng một chính phủ Hồi giáo do Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar tài trợ sẽ được thành lập ngay sát biên giới.

Về phía Mỹ, chế độ Assad không phải là kẻ thù trực tiếp. Trên thực tế, trong những tháng gần đây, Washington đã đề xuất các cuộc đàm phán với Damascus, đề cập đến khả năng giảm lệnh trừng phạt và hứa hẹn các khoản đầu tư từ các quốc gia Arab Vùng Vịnh, đặc biệt là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tái thiết Syria. Vấn đề là chính quyền ông Assad phải tránh xa Tehran và đóng các tuyến đường tiếp tế vũ khí cho Hezbollah. Với Mỹ, sự tồn tại của ông Assad là lựa chọn ít rủi ro hơn so với các kịch bản khác: Sự trỗi dậy trở lại của IS hoặc việc thành lập một chính quyền Hồi giáo cực đoan tại Damascus có thể dẫn đến hỗn loạn kéo dài và làm tình hình khu vực thêm khó kiểm soát.

Thổ Nhĩ Kỳ là “nhân vật chính” trong các diễn biến mới nhất tại Syria. Ankara đã thực hiện đúng nguyên tắc địa chính trị: các khoảng trống quyền lực sẽ nhanh chóng được lấp đầy. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không đứng sau cuộc tấn công của HTS và phủ nhận việc ra chỉ thị cho lực lượng này. Tuy nhiên, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận đã biết trước về cuộc tấn công, đồng thời lập luận rằng mục tiêu ban đầu của nó chỉ giới hạn trong việc ngăn chặn các đợt tấn công của chính quyền Damascus vào Idlib.

Dù phủ nhận chính thức, nhiều dấu hiệu cho thấy sự liên quan của Thổ Nhĩ Kỳ. Các thiết bị quân sự hiện đại của HTS, bao gồm xe bọc thép và máy bay không người lái, cùng khả năng tổ chức các cuộc tấn công phối hợp phức tạp cho thấy có sự hỗ trợ từ các tác nhân nhà nước.

Thời điểm diễn ra cuộc tấn công cũng gây nhiều nghi vấn. Chiến dịch của HTS bắt đầu vào ngày 27/11, trùng với ngày đầu tiên lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực. Nếu phiến quân HTS hành động trong khi Israel đang tấn công Hezbollah, nó có thể mang màu sắc hỗ trợ “chế độ Zionist”, làm suy yếu mối quan hệ với cộng đồng Hồi giáo Sunni. Còn nếu HST khởi binh sau đó, sẽ giúp Hezbollah và các lực lượng do Iran hậu thuẫn có thời gian để chuẩn bị.

Tại Syrai, Ankara đang theo đuổi một mục tiêu chiến thuật: giành lợi thế lãnh thổ và địa chính trị so với Nga và Iran trong một cuộc cạnh tranh ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn có 2 mục tiêu chiến lược khác nữa. Đó là tạo đòn bẩy trong đàm phán với Damascus, với sự trung gian của Nga để đưa hàng triệu người tị nạn Syria (phần lớn là người Kurd) từ Tiểu Á trở về nước. Hai là đẩy lùi lực lượng YPG người Kurd (mà Ankara coi là một nhánh của PKK) khỏi các vị trí chiến lược ở Tây Bắc Syria. Tuy nhiên, mục tiêu này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Washington do Mỹ tiếp tục xem lực lượng người Kurd là một công cụ quan trọng trong chiến lược kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ và gây áp lực lên các đối thủ trong khu vực.

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/dia-chinh-tri-syria-hau-assad-i754333/
Zalo