'Địa chỉ đỏ' khơi dậy niềm tự hào, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

Đà Lạt, thành phố ngàn hoa, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng, kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu. Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt là một trong số các di tích lịch sử cách mạng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia vào năm 2009.

Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt

Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt

Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, hay còn gọi là "Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt" do chế độ cũ thành lập đầu năm 1971, là vỏ bọc che đậy âm mưu thâm độc của chế độ cũ nhằm cách ly, đàn áp, thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền Nam. Khác với các trung tâm giáo huấn khác, nơi đây được tổ chức quy mô lớn, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, thực chất là một nhà lao giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 - 17 tuổi, có tinh thần cách mạng đến từ khắp các nhà tù miền Nam.

Nhà lao được thiết kế khép kín, tường đá bao quanh, chia thành 8 phòng giam nam, nữ và các xà lim biệt giam. Mỗi phòng giam khoảng 30 m2, giam giữ từ 60 - 100 tù nhân. Đặc biệt, có một hầm đá khuất sau hành lang xà lim, không mái che, chỉ có lưới kẽm gai, dùng để phạt tù nhân phơi sương, phơi nắng. Dù bị giam cầm, các chiến sĩ nhỏ tuổi vẫn kiên cường đấu tranh, phản kháng. Ngày 21/11/1971, 5 đồng chí đã mổ bụng ngay tại sân chào cờ để phản đối sự đàn áp. Các chiến sĩ cũng 7 lần tổ chức vượt ngục, thể hiện khát vọng tự do. Tối 23/01/1973, họ tiêu diệt tên cai ngục Nguyễn Cương. Đầu năm 1973, cuộc đấu tranh làm chủ nhà lao nổ ra, buộc địch phải giải tán nhà lao cũng vào năm nay.

Sau ngày thống nhất, các cựu tù tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Năm 2009, tập thể cựu tù Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt nay là điểm tham quan lịch sử ý nghĩa. Nhiều hình ảnh, tư liệu, kỷ vật, câu chuyện kể, hình ảnh, tranh vẽ, tượng được trưng bày, tái hiện sống động tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ nhỏ tuổi. Đây là "địa chỉ đỏ" giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, để ngọn lửa truyền thống mãi bừng cháy.

Di tích hiện là nơi học tập, sinh hoạt chính trị, về nguồn,... điểm đến tham quan du lịch văn hóa, lịch sử của không chỉ người dân mà cả du khách bốn phương. Hiện nay, mỗi năm địa điểm này đón rất nhiều đoàn khách đến để tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu. Đặc biệt, năm học 2024 - 2025, Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - lớp 4”.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/dia-chi-do-khoi-day-niem-tu-hao-truyen-thong-yeu-nuoc-cho-the-he-tre-b894233/
Zalo