'Địa chỉ đỏ' - 'Chứng nhân' lịch sử, khơi dậy lòng yêu nước
Ngày 30/4 hàng năm không chỉ là dịp để ôn lại chiến thắng vĩ đại của dân tộc mà còn là lời nhắc nhở về biết bao hy sinh, gian khổ mà các thế hệ cha anh đã trải qua để giành lại độc lập, tự do. Trên mảnh đất Long An 'trung dũng, kiên cường' vẫn còn đó nhiều 'địa chỉ đỏ' ghi dấu một thời kháng chiến chống Mỹ oanh liệt. Ngày nay, những địa danh ấy trở thành điểm đến ý nghĩa trong hành trình giáo dục truyền thống cách mạng, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về quá khứ để biết trân trọng hiện tại và sống có trách nhiệm với tương lai.

Ngày nay, đình Mương Trám (ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) trở thành “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Trang sử “đánh càn” vang dội trên đất Thạnh Lợi
Nằm nép mình bên dòng Vàm Cỏ Đông thuộc ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, đình Mương Trám là nơi ghi dấu chiến thắng vang dội của quân, dân Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thời điểm đó, xã Thạnh Lợi là vùng giải phóng nhưng nằm sát khu vực địch đóng quân nên thường xuyên bị càn quét, bắn phá. Với địa hình sông, rạch chằng chịt, đây là cửa ngõ quan trọng trên hành lang chiến lược, nơi ta vừa bảo vệ vùng giải phóng, vừa chủ động tổ chức phản công.
Ngày 27/4/1964, tại khu vực này, Tiểu đoàn 1 Long An, Đại đội II Độc Lập và quân, dân xã Thạnh Lợi đã tiêu diệt Tiểu đoàn 38 Biệt động quân ngụy - đơn vị được mệnh danh là “Hắc Báo” tinh nhuệ và tàn bạo bậc nhất của đối phương. Trận đánh diễn ra trong bối cảnh lực lượng Mỹ - ngụy đang đẩy mạnh chiến lược “Bình định có trọng điểm” đưa quân càn quét vào vùng giải phóng. Địch sử dụng hơn 40 trực thăng đổ quân xuống cánh đồng Thạnh Lợi nhưng đã vấp phải sự phản công quyết liệt. Với thế trận 3 mũi giáp công, chỉ trong vài giờ đồng hồ, quân ta bắn rơi 3 máy bay trực thăng, tiêu diệt và làm bị thương gần 250 tên địch, thu nhiều vũ khí và đạn dược.

Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã Thạnh Lợi, Thạnh Hòa trong khuôn viên đình Mương Trám
Chiến thắng Mương Trám là trận đầu tiên đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” của địch tại Long An. Đây còn là bước ngoặt chuyển từ “chống càn” sang chủ động “đánh càn” mở màn cho hàng loạt chiến thắng sau này. Sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, lực lượng du kích, các ban, ngành, đoàn thể xã Thạnh Lợi đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, chứng minh tinh thần đoàn kết keo sơn của quân, dân ta.
Ngày nay, trên nền cũ của đình, Đền tưởng niệm liệt sĩ và Bia chiến thắng Mương Trám đã được dựng lên. Đây không những là nơi nhắc nhớ một chiến công oanh liệt mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống sâu sắc cho thế hệ trẻ Long An hôm nay.
Bí thư Đoàn xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Hải cho biết: “Đoàn Thanh niên (TN) xã Thạnh Lợi thường xuyên tổ chức hành trình về nguồn tại đình Mương Trám với các hoạt động dâng hương tưởng niệm, vệ sinh khu di tích, sinh hoạt truyền thống, kết nạp đoàn viên,... Hoạt động trên giúp đoàn viên, TN ôn lại trang sử hào hùng của quê hương và bồi đắp lòng yêu nước, bên cạnh đó, còn giúp tuổi trẻ thêm gắn bó, tự hào với truyền thống cách mạng địa phương”.
Tham gia về nguồn tại đình Mương Trám, em cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. Em nhận ra nơi đây không chỉ là di tích lịch sử mà còn là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, sự hy sinh to lớn của bao thế hệ cha ông. Chuyến đi giúp em thêm biết ơn, trân trọng những giá trị lịch sử. Em quyết tâm học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Em Trần Kiều Nghi (học sinh lớp 9/2, Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tưởng, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức)
Gò Gòn - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Học sinh tham quan “địa chỉ đỏ” Khu di tích lịch sử Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng)
Khu di tích lịch sử Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) không chỉ là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn là điểm đến quen thuộc trong các hoạt động giáo dục truyền thống, về nguồn của đoàn viên, TN địa phương.
Gò Gòn gắn liền với những chiến thắng vang dội của quân, dân vùng Đồng Tháp Mười trong giai đoạn đầu của phong trào Đồng Khởi (1960-1961). Trong suốt những năm kháng chiến, Gò Gòn thuộc địa bàn Vùng 8 của tỉnh Kiến Tường. Tỉnh ủy Kiến Tường lúc bấy giờ chủ trương phối hợp các đơn vị chủ lực tiêu diệt lực lượng bảo an, dân vệ, giải phóng cơ sở và trừ khử các địa chủ trong vùng cùng người dân phá khu gom dân của địch để giành quyền làm chủ cơ sở.
Trận Gò Gòn ngày 03/02/1960 là một trong những trận đánh tiêu biểu, với hơn 90 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị 402, 408 và du kích địa phương tham gia. Sau 3 giờ chiến đấu quyết liệt, bộ đội ta tiêu diệt được 50 tên, bắn bị thương 70 tên, bắt sống 21 tên, trong đó có đại úy tiểu đoàn trưởng quân địch. Quân ta tịch thu thêm 39 súng, 5 máy thông tin PRC.1, du kích và nhân dân sau này còn nhặt được trăm khẩu súng các loại tại Gò Gòn. Trận chiến này đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn chủ lực Ó Đen của quân ngụy và đại đội bảo an quân Tuyên Bình.
Đây là chiến thắng đầu tiên có quy mô lớn tại vùng này, mở màn cho phong trào Đồng Khởi lan rộng khắp khu vực, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh một phía” của Mỹ - ngụy. Chiến thắng Gò Gòn từ đây đánh dấu chiến công vẻ vang của nhân dân tỉnh Kiến Tường nói chung và Đồng Tháp Mười nói riêng, góp phần vào trang sử đấu tranh anh dũng của tỉnh Long An trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn, UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng địa danh Gò Gòn là Di tích lịch sử vào năm 1997. Từ năm 2003, chính quyền huyện Tân Hưng đã đầu tư kinh phí xây dựng Bia chiến thắng Gò Gòn, đến năm 2012, tiếp tục trùng tu, xây dựng Khu di tích lịch sử Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, với tổng kinh phí 13 tỉ đồng. Ngày 20/01/2022, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện Tân Hưng tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Gò Gòn, chính thức đưa nơi đây vào hoạt động. Từ đó đến nay, nơi đây trở thành điểm đến quen thuộc trong hành trình giáo dục truyền thống của thế hệ trẻ.

Đoàn trường THPT Tân Hưng (huyện Tân Hưng) tổ chức lễ kết nạp đoàn viên tại Khu di tích lịch sử Gò Gòn
Để gìn giữ và phát huy giá trị khu di tích, chính quyền và Đoàn TN xã Hưng Thạnh tích cực tổ chức các hoạt động thiết thực như vệ sinh cảnh quan, trồng và chăm sóc cây xanh, bảo đảm an ninh khuôn viên. Vào các dịp lễ lớn, Thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh,... đoàn viên, TN đều tham gia ra quân, tạo nên hình ảnh gần gũi, sống động cho di tích.
Đặc biệt, ngày 10/10/2024, công trình TN Số hóa Khu di tích lịch sử Gò Gòn chính thức được đưa vào sử dụng. Công trình trang bị mã QR tích hợp thông tin lịch sử, kiến trúc, bản đồ, giúp đoàn viên, TN, học sinh, người dân và du khách dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu thông tin về di tích. Đây không chỉ là bước tiến trong chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa mà còn thể hiện sự sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn và lan tỏa giá trị lịch sử đến cộng đồng.
“Chúng tôi chọn Gò Gòn làm nơi kết nạp đoàn viên, tổ chức hoạt động tuyên truyền về truyền thống quê hương nhằm giáo dục lý tưởng cho đoàn viên, TN. Mỗi bạn trẻ sau khi tham quan, tìm hiểu đều trở thành một tuyên truyền viên về lịch sử địa phương” - Bí thư Đoàn xã Hưng Thạnh - Ngân Minh Thuận cho biết.
Gò Gòn - một chiến công xưa, một di tích hôm nay vẫn tiếp tục sống dậy qua từng chuyến về nguồn, từng bước chân TN và trong dòng chảy truyền thống của quê hương Long An trung dũng, kiên cường.
Giữa nhịp sống hiện đại, những “địa chỉ đỏ” trên quê hương Long An vẫn lặng lẽ “kể” lại một thời máu lửa, gợi nhắc thế hệ hôm nay về sự đánh đổi lớn lao cho độc lập dân tộc. Việc giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước và trách nhiệm với quê hương, đất nước cho lớp trẻ./.