'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' vận động nhân dân góp ý Hiến pháp

Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang tiên phong trong vận động người dân để lấy ý kiến nhân dân góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Ứng dụng công nghệ lấy ý kiến nhân dân

Trong bối cảnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động triển khai lấy ý kiến nhân dân qua ứng dụng VNeID, nền tảng công nghệ định danh điện tử quốc gia.

Điển hình như tỉnh Bình Định, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai lấy ý kiến qua VNeID với các giai đoạn từ tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng đến lấy ý kiến và tổng hợp phân tích dữ liệu.

Theo đó, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an tỉnh Bình Định đã thiết lập Điểm hướng dẫn cố định tại trụ sở đơn vị, bố trí cán bộ trực hỗ trợ người dân tra cứu, thao tác và gửi góp ý trên ứng dụng VNeID một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Công an Bình Định hướng dẫn người dân góp ý về sửa đổi Hiến pháp 2013 thông qua ứng dụng VNeID. Ảnh: Công an Bình Định.

Công an Bình Định hướng dẫn người dân góp ý về sửa đổi Hiến pháp 2013 thông qua ứng dụng VNeID. Ảnh: Công an Bình Định.

Ngoài Bình Định, Hải Dương cũng đã chủ động triển khai lấy ý kiến thông qua các hoạt động sinh hoạt, hội nghị chuyên đề và ứng dụng VNeID.

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương, các ý kiến đóng góp tập trung vào nhiều nội dung quan trọng, nhất là các điều khoản liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước, vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có công an nhân dân.

Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động nhân dân

Bên cạnh đó, Hà Nội, Thanh Hóa, Lai Châu, Bắc Kạn… cũng tích cực triển khai các hoạt động tương tự, đẩy mạnh tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để công dân dễ dàng tham gia góp ý qua VNeID.

Việc sử dụng nền tảng số giúp quá trình lấy ý kiến diễn ra nhanh chóng, tiện lợi và chính xác, góp phần vào việc xây dựng Hiến pháp phù hợp hơn với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại số.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an Thành phố Hà Nội cho biết, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các tổ chuyển đổi số và cảnh sát khu vực “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng trường hợp” vận động người dân tham gia, góp ý sửa đổi Hiến Pháp.

Mục tiêu của công tác này là đạt được tỷ lệ tham gia cao nhất, đảm bảo ý kiến người dân được ghi nhận đầy đủ trên hệ thống.

Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính cũng được tuyên truyền, vận động và hỗ trợ tận tình để tham gia góp ý. Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, thể hiện sự quan tâm của nhân dân đối với hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và Hiến pháp của đất nước.

Chị Nguyễn Thị Thương (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Bộ máy hành chính được tinh gọn để phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn là điều người dân chúng tôi rất mong muốn. Sửa đổi Hiến pháp là bước đi quan trọng để hoàn thiện thể chế và thúc đẩy kinh tế phát triển cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tôi rất vui khi được vận động tham gia trực tiếp góp ý và tôi cũng tin rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới”.

Cũng chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu cho biết, đơn vị này đã hướng dẫn người dân thực hiện góp ý sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID, với các bước cụ thể từ đăng nhập đến gửi ý kiến. Việc triển khai này nhằm thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật.

Chiều 16/5, tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Đại tá Hà Trọng Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn bày tỏ sự nhất trí cao với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ông Trung nhấn mạnh, việc sửa đổi Hiến pháp là yêu cầu quan trọng để tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Cùng với đó, công an tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-CAT-PC06 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân ứng dụng VNeID với mục tiêu phấn đấu đạt tối thiểu 90% công dân trên địa bàn có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tham gia góp ý.

Kết quả tham gia góp ý của Nhân dân sẽ được hệ thống tự động phân loại theo nhóm nội dung, đối tượng người dân, khu vực giúp phân tích, tổng hợp chính xác, kịp thời.

Việc nhiều địa phương tiên phong sử dụng VNeID trong góp ý Hiến pháp đánh dấu bước tiến trong đổi mới phương thức lấy ý kiến nhân dân, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và người dân đối với công cuộc hoàn thiện thể chế pháp luật quan trọng này.

Việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là nền tảng VNeID trong lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013 không chỉ thể hiện bước tiến trong đổi mới phương thức tiếp nhận ý kiến nhân dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật.

Với sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân cùng sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương, việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp sẽ phản ánh đúng nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước trong tương lai.

Minh Khánh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/di-tung-ngo-go-tung-nha-van-dong-nhan-dan-gop-y-hien-phap-388200.html
Zalo