Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển

Bến Vàm Lũng được lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận là bến đón nhận chuyến tàu đầu tiên của con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển vào ngày 16/10/1962.

Tối 24/4, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển (bến Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Đây chính là di tích đầu tiên của Cà Mau được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Toàn cảnh bến Vàm Lũng. Ảnh: TTXVN.

Toàn cảnh bến Vàm Lũng. Ảnh: TTXVN.

Chuyến tàu lịch sử

Bến Vàm Lũng được lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận là bến đón nhận chuyến tàu đầu tiên của con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển vào ngày 16/10/1962.

Ngược dòng thời gian, sau Hiệp định Genève, Mỹ có ý định xây dựng miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự, chia cắt lâu dài nước ta, ngăn chặn và đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á và trên thế giới.

Ngày 13/01/1965, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp Hội nghị lần thứ XV mở rộng để xác định đường lối cách mạng miền Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị nêu rõ nhiệm vụ trước mắt của quân và dân miền Nam là: “Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự, giành và giữ vững thế chủ động, đẩy địch vào thế bị động hơn nữa, tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt... tiến lên xây dựng một lực lượng vũ trang lớn mạnh cùng với toàn dân đánh bại quân thù”.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương phân công Trung tướng Trần Văn Trà, Tổng Tham mưu phó trực tiếp phụ trách việc mở tuyến vận tải Bắc Nam trên biển, trong đó xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải tiếp tế vũ khí bằng đường biển từ Bắc vào Nam. Tháng 2/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các tỉnh Nam bộ chuẩn bị bến bãi, tổ chức lực lượng tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP do Trung tướng Hoàng Văn Thái - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký thành lập Đoàn 759, sau đổi lại là Đoàn 125 - đoàn vận tải quân sự đường biển đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.

Chấp hành Chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức tàu thuyền ra Bắc báo cáo tình hình và vận chuyển vũ khí về Cà Mau. Công việc được tiến hành khẩn trương và bí mật. Chuyến tàu đầu tiên do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy, khởi hành từ rạch Cá Mòi và cập bến Nhật Lệ (Quảng Bình) sau 7 ngày vượt biển. Ủy ban thống nhất Trung ương đưa đoàn về Hà Nội ở tại số nhà 18 Nguyễn Thượng Hiền từ tháng 8/1961 đến tháng 01/1962. Thời gian ở đây đoàn được học tập văn hóa và đi thăm nhiều tỉnh.

Đầu tháng 4/1962, Bộ Quốc Phòng giao nhiệm vụ cho đồng chí Bông Văn Dĩa và đội tàu quay về Cà Mau báo cáo với Khu ủy Nam bộ về chủ trương của Trung ương Đảng đưa vũ khí vào Nam bộ và đề ra ba phương án tổ chức xây dựng bến bãi để tiếp nhận hàng. Qua khảo sát nhiều đảo và cửa sông, Vàm Lũng được lựa chọn vì điều kiện địa hình thuận lợi và bảo đảm bí mật.

Ngày 11/10/1962, chuyến tàu đầu tiên mang phiên hiệu “Phương Đông I” chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) mở đường vào Nam. Ngày 16/10/1962, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn, sau đó đưa về rạch Chùm Gộng để lên hàng. Đây là chuyến tàu “của đoàn tàu không số” khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển vào bến Vàm Lũng đã đi vào lịch sử là bến đón nhận chuyến tàu đầu tiên của con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tượng đài chiến thắng trong khu di tích Bến Vàm Lũng. Ảnh: Báo Cà Mau.

Tượng đài chiến thắng trong khu di tích Bến Vàm Lũng. Ảnh: Báo Cà Mau.

Từ chuyến tàu đầu tiên đến con đường huyền thoại trên biển

Tin vui thắng lợi của chuyến chở vũ khí đầu tiên bằng đường biển vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Bác Hồ trực tiếp gửi điện biểu dương những cán bộ, chiến sĩ, công nhân đã góp công sức để lập nên chiến công xuất sắc. Tiếp theo tàu Phương Đông I, các tàu Phương Đông II, III, IV trong vòng 02 tháng đều lần lượt cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, chở được 111 tấn vũ khí cùng nhiều trang bị, thuốc men cho Quân khu 9. Đây là thắng lợi lớn trong lúc lực lượng vũ trang Nam bộ đang phát triển, rất cần vũ khí, việc đưa vũ khí vào vùng đất tận cùng Tổ quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần củng cố niềm tin, quyết tâm cho đồng chí, đồng bào đang chiến đấu củng cố niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, vào hậu phương lớn miền Bắc, vào thắng lợi của cách mạng miền Nam.

Sau khi đưa vũ khí vào Cà Mau, ba tàu được sửa chữa chuẩn bị trở ra Bắc để tiếp tục nhận nhiệm vụ vận chuyển, con tàu thứ nhất ở lại sử dụng tại bến. Để có lực lượng tại chỗ tiếp nhận, bảo quản và chuyển giao hàng hóa cho các địa phương, Khu 9 quyết định lập Đoàn 962 do đồng chí Tư Đức làm đoàn trưởng, đồng chí Sáu Toàn làm chính ủy, đồng chí Bông Văn Dĩa làm phó đoàn. Nhiệm vụ Đoàn 962 lúc bấy giờ là tổ chức triển khai bến bãi, kho chứa để tiếp nhận, cất giữ chuyển giao hàng theo lệnh phân phối của Trung ương cho các tỉnh như: Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Long An... và lực lượng trong tỉnh để kịp thời phục vụ chiến đấu.

Theo yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong hệ thống vận tải quân sự chi viện chiến lược cho cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân ta.

Trên con đường Hồ Chí Minh trên biển mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nguy hiểm, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng hải quân, nhân dân vẫn kiên quyết lên đường và đã lập được nhiều chiến công, nêu cao những tấm gương mẫu mực về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự hy sinh, sự mưu trí sáng tạo chiến đấu trên vùng biển của Tổ quốc, luôn đương đầu với địch, vật lộn với sóng to gió lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những tình huống phức tạp, khó khăn nhất, vững vàng nhất để đưa tàu và vũ khí tới bến bãi an toàn.

Trở lại với bến Vàm Lũng, tại bến tàu lịch sử này là nơi đã diễn ra nhiều trận chiến của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân, Đoàn 962 Quân khu 9 và quân dân địa phương với máy bay, tàu chiến địch, để bảo vệ tàu, vũ khí an toàn. Tiêu biểu như các trận chiến đấu của tàu 42, tàu 69, tàu 100, tàu 187, tàu 645... Những chiến công này góp phần làm nên con đường huyền thoại trên biển với những thành tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc...

Thanh Bình

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/hitech-xe/di-tich-quoc-gia-dac-biet-duong-ho-chi-minh-tren-bien-269694.htm
Zalo