Nhà vật lý tạo ra kính 'vô hình'

Katharine Burr Blodgett (10/01/1898 - 12/10/1979) là một nhà vật lý và hóa học người Mỹ. Bà là người đã có nhiều công trình nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực hóa học bề mặt và là người tạo ra kính 'vô hình' không phản xạ, từ đó cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp liên quan đến quang học.

 Cuộc đời và sự nghiệp của Katharine Blodgett là minh chứng cho tác động sâu sắc của sự cống hiến và đổi mới bền bỉ, bất chấp rào cản giới tính

Cuộc đời và sự nghiệp của Katharine Blodgett là minh chứng cho tác động sâu sắc của sự cống hiến và đổi mới bền bỉ, bất chấp rào cản giới tính

Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Vật lý tại Đại học Cambridge, phá vỡ "tấm kính vô hình" của phụ nữ trong các lĩnh vực khoa học.

Katharine Blodgett sinh ra tại bang New York và là con gái của một luật sư về bằng sáng chế tại GE. Cha mất trước khi bà chào đời, mẹ của bà một mình nuôi dưỡng bà và anh trai. Nhờ sự tận tâm và tập trung đầu tư về mặt giáo dục của mẹ, Katharine đã trở thành một cá nhân xuất sắc.

Thư chấp thuận luận án tiến sĩ của Katharine Blodgett bởi Hội đồng khoa Vật lý và Hóa học của Đại học Cambrigde năm 1926

Thư chấp thuận luận án tiến sĩ của Katharine Blodgett bởi Hội đồng khoa Vật lý và Hóa học của Đại học Cambrigde năm 1926

Bà nói được nhiều thứ tiếng, lấy bằng cử nhân ngành Vật lý ở tuổi 19, và bằng thạc sĩ ở tuổi 20. Sau đó, vào năm 1926, bà tốt nghiệp tiến sĩ tại Cao đẳng Newnham thuộc Đại học Cambridge, trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ vật lý của trường này.

Năm 1918, Katharine trở thành thành viên nữ đầu tiên của Phòng thí nghiệm nghiên cứu thuộc tập đoàn năng lượng General Electric - một trong những tập đoàn lớn của xứ cờ hoa.

Bà đã hợp tác chặt chẽ với Irving Langmuir - một nhà khoa học đoạt giải Nobel và cùng phát triển máng Langmuir-Blodgett, một thiết bị để tạo và nghiên cứu các lớp màng một phân tử dày trên bề mặt.

Nhà khoa học Katharine Blodgett Gebbie - cháu gái của nữ nhà khoa học Katharine Blodgett (tên của bà được đặt theo tên người cô thân thiết). Người cô chính là tấm gương để bà lựa chọn theo đuổi khoa học

Nhà khoa học Katharine Blodgett Gebbie - cháu gái của nữ nhà khoa học Katharine Blodgett (tên của bà được đặt theo tên người cô thân thiết). Người cô chính là tấm gương để bà lựa chọn theo đuổi khoa học

Năm 1938, bà phát triển một phương pháp sản xuất kính không phản chiếu, làm kính giảm phản xạ ánh sáng và tạo ra loại kính gần như vô hình.

Sáng kiến này của Katharine đã vượt ra khỏi phạm vi khoa học và đi vào thế giới điện ảnh. Bộ phim "Cuốn theo chiều gió" (1939) là tác phẩm điện ảnh lớn đầu tiên sử dụng kính vô hình của bà.

Ống kính không phản chiếu cũng đóng vai trò thiết yếu trong kính tiềm vọng của tàu ngầm và máy ảnh do thám trên máy bay trong Thế chiến II, bên cạnh việc được ngành công nghiệp phim ảnh sau chiến tranh sử dụng trong máy chiếu và máy ảnh.

Cuộc đời và sự nghiệp của Katharine Blodgett là minh chứng cho tác động sâu sắc của sự cống hiến và đổi mới bền bỉ, bất chấp rào cản giới tính.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Katharine đã được trao 8 bằng sáng chế của Hoa Kỳ và xuất bản hơn 30 bài báo kỹ thuật. Năm 1951, bà đã nhận được Huy chương Garvan-Olin danh giá của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ vì những đóng góp của mình. Ngay cả sau khi nghỉ hưu vào năm 1963, Katharine vẫn tiếp tục nghiên cứu và thí nghiệm cho đến khi qua đời năm 1979, để lại di sản về sự đổi mới cũng như phá vỡ rào cản cho phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.

Thiên Ánh (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nha-vat-ly-tao-ra-kinh-vo-hinh-20250107161802569.htm
Zalo