Di sản xanh nơi đảo tiền tiêu Cồn Cỏ
Ngày 18/4/2025, sự kiện 17 cây xanh trên đảo Cồn Cỏ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. Đây là minh chứng sinh động cho hành trình bảo tồn, phát triển rừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ - một địa danh không chỉ mang đậm dấu ấn chiến tranh vệ quốc mà còn là nơi quy tụ những giá trị tự nhiên và hệ sinh học đa dạng.

Lãnh đạo tỉnh và đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện nghi thức gắn biển Cây di sản Việt Nam trên đảo Cồn Cỏ - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Những mảng xanh trên đảo tiền tiêu
Nằm cách đất liền khoảng 27 km, đảo Cồn Cỏ có diện tích tự nhiên 229,74 ha, trong đó rừng chiếm hơn 63% tổng diện tích, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân trên đảo. Với địa hình núi lửa ba dan đặc trưng, thảm thực vật ở Cồn Cỏ mang tính đặc hữu cao, là nơi hội tụ nhiều loài thực vật quý hiếm, phù hợp với phát triển rừng nhiệt đới ven biển và hình thành khu hệ sinh thái bán tự nhiên đặc trưng.
Tuy nhiên, phát triển cây xanh ở Cồn Cỏ không phải là hành trình bằng phẳng. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt với gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, hơi muối biển, đất đá khô cằn, thiếu nước ngọt... đặt ra những thách thức lớn cho việc bảo vệ và mở rộng diện tích rừng. Bên cạnh đó, đảo xa đất liền nên việc vận chuyển cây giống, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng đều gặp nhiều khó khăn.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ Võ Viết Cường cho hay: “Trong nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện đảo đã xác định nhiệm vụ trồng cây, gây rừng là một trong những trụ cột then chốt trong chiến lược phát triển KT-XH, gắn với bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo. Từ các chương trình hỗ trợ như “1 tỉ cây xanh” và nguồn lực địa phương, huyện đã từng bước hình thành được hệ thống cây xanh dọc các trục đường, khu dân cư, công viên, khu vực ven biển, đồng thời triển khai các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái theo quy hoạch”.

Một góc Cồn Cỏ hôm nay - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Hiện trạng rừng trên đảo đến cuối năm 2024 cho thấy diện tích đất có rừng đạt 117,84 ha, trong đó 116,44 ha là rừng tự nhiên. Diện tích đủ tiêu chuẩn tính tỉ lệ che phủ đạt 117,32 ha, tỉ lệ che phủ toàn đảo đạt 51,08% . Đây là kết quả đáng khích lệ trong điều kiện tự nhiên hết sức đặc thù của một huyện đảo độc lập giữa biển khơi. Không chỉ giữ vai trò chắn gió, giữ nước, bảo vệ đất, các khu rừng còn là điểm tựa cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học. Với hệ thực vật bản địa quý giá như bàng vuông, phong ba, mù u, liên diệp đồng... rừng trên đảo Cồn Cỏ đang trở thành biểu tượng sống động cho mô hình phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, mở rộng không gian phát triển bền vững giữa trùng khơi.
Hành trình trồng và giữ rừng
Trong suốt nhiều năm qua, chính quyền và Nhân dân huyện Cồn Cỏ đã nỗ lực phủ xanh đồi trọc, cải tạo môi trường trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Từ năm 2018 - 2023, toàn huyện đã tổ chức trồng được hơn 3.400 cây bóng mát từ nhiều nguồn hỗ trợ, nhưng tỉ lệ cây sống chỉ đạt khoảng 30%. Những loài cây bản địa như bàng vuông, mù u, phi lao là những giống loài thích nghi tốt nhất với điều kiện lập địa trên đảo .
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng công tác trồng cây, vệ sinh rừng, bảo vệ rừng vẫn được duy trì đều đặn. Một số chương trình trọng điểm như phát động “Tết trồng cây”, phân bổ cây giống từ vườn ươm địa phương, giao khoán chăm sóc cho các đơn vị đóng quân... đã phát huy hiệu quả. Các đợt tổng vệ sinh rừng, nhất là tại khu vực Đồi 37 được tổ chức định kỳ, góp phần cải thiện môi trường sinh thái tự nhiên.
Định hướng phát triển rừng bền vững
Việc công nhận 17 cây cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam là một dấu mốc quan trọng trong chiến lược bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện nay, huyện Cồn Cỏ đã triển khai dự án thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan đảo Cồn Cỏ với tổng diện tích 133,43 ha, phân chia theo 3 khu chức năng: bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái và tham quan du lịch. Mục tiêu đến năm 2030 là nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 60,6%.
Song song đó, nhiều chương trình hành động đang được huyện triển khai đồng bộ, như: xây dựng vườn ươm cây bản địa có diện tích 7.400 m2 , trồng rừng cây bản điện với diện tích 33 ha, làm giàu rừng 62 ha, trồng 1.000 cây phân tán mỗi năm. Đồng thời phát triển du lịch sinh thái, gắn bảng định danh cây di sản, mở tuyến đường xuyên rừng phục vụ nghiên cứu và giáo dục môi trường.
Tháng 8/2024, huyện Cồn Cỏ phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng cây cổ thụ trên đảo. Kết quả, 17 cây thuộc 5 loài đặc hữu được xác định đạt tiêu chí “Cây Di sản Việt Nam”, bao gồm: 5 cây liên diệp đồng, 4 cây bàng vuông, 3 cây bàng, 3 cây phong ba và 2 cây mù u, tất cả đều có tuổi đời từ 100 năm trở lên.
Ngày 9/4/2025, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chính thức ban hành Quyết định số 56/ QĐ-HMTg công nhận các cây nói trên là Cây Di sản. Những gốc cây trăm tuổi này không chỉ mang giá trị sinh học mà còn là chứng tích của chiến tranh, của lòng kiên cường bất khuất của quân dân Cồn Cỏ trong kháng chiến.
Nhiều cây còn in dấu vết bom đạn. Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, PGS.TS Trần Ngọc Hải nhận định: “Đây không chỉ là di sản tự nhiên, cung cấp nguồn giống để trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn là biểu tượng của lịch sử, những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước giữa biển khơi”.
Những “cụ thụ mộc” trên đảo Cồn Cỏ đang vươn cành, đơm lá trong gió biển, như một biểu tượng sống động về sức bền của tự nhiên, sự gắn bó của con người với đất và nước. Từ sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam, mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân và du khách đến với Cồn Cỏ thêm một lần được nhắc nhở rằng, bảo vệ cây xanh là bảo vệ chính sự sống của chúng ta.