Di sản: Nguồn lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Hà Nội

Với vị thế trung tâm đất nước hơn một nghìn năm văn hiến, các công trình kiến trúc lịch sử, truyền thống văn hóa đã góp phần làm nên diện mạo hấp dẫn của Hà Nội.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Cụm công trình này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. (Ảnh: Hoàng Thành)

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Cụm công trình này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. (Ảnh: Hoàng Thành)

Di tích lịch sử, văn hóa: “Kho báu” hút khách du lịch

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử; trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia; đặc biệt Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các di tích lịch sử văn hóa được phân bổ trên địa bàn các quận, huyện, trong đó một số địa phương có số lượng di tích lớn như huyện Thường Tín (440 di tích), huyện Ứng Hòa (433 di tích), huyện Ba Vì (394 di tích), huyện Chương Mỹ (374 di tích), huyện Phú Xuyên (345 di tích), huyện Sóc Sơn (341 di tích)…

Các quận nội thành do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích không lớn, nên số lượng di tích có phần kiêm tốn hơn, cụ thể như quận Thanh Xuân (29 di tích), quận Ba Đình (47 di tích), quận Cầu Giấy (49 di tích), quận Hai Bà Trưng (51 di tích), quận Hoàn Kiếm (66 di tích)…

Cột cờ Hà Nội hay được gọi là Kỳ đài Hà Nội được xây dựng dựa trên kết cấu dạng tháp, dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn từ đầu thế kỉ XIX, là địa danh chứng kiến biết bao biến cố lịch sử đất nước. (Ảnh: Hoàng Thành)

Cột cờ Hà Nội hay được gọi là Kỳ đài Hà Nội được xây dựng dựa trên kết cấu dạng tháp, dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn từ đầu thế kỉ XIX, là địa danh chứng kiến biết bao biến cố lịch sử đất nước. (Ảnh: Hoàng Thành)

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa về phân loại hình di tích, Thủ đô có đầy đủ cả 4 loại hình di tích lịch sử văn hóa gồm: Loại hình di tích lịch sử; Loại hình di tích khảo cổ; Loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật; Danh lam thắng cảnh.

Với nguồn lực đặc biệt là hệ thống các di tích, là nguồn tài nguyên đặc sắc, hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2023, Thành phố đã đón hơn 24 triệu du khách (trong đó có hơn 4 triệu lượt khách quốc tế, 20 triệu lượt khách nội địa), tăng 27% so với năm 2022 và tăng 9,1% so với kế hoạch. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 và tăng 13,83% so với kế hoạch.

Những con số trên là không chỉ là biểu hiện của sự quan tâm ngày càng tăng của mọi người đối với di sản văn hóa và lịch sử của Thủ đô, mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.

Di sản văn hóa ở Hà Nội là nguồn tài nguyên đặc sắc, hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Khánh Huy

Di sản văn hóa ở Hà Nội là nguồn tài nguyên đặc sắc, hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Khánh Huy

Các di sản, di tích của Thủ đô đều mang những giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học. Xét dưới góc độ phát triển, đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực đặc biệt có thể khai thác để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. Việc khai thác đó, dù ít dù nhiều, hay dù mới ở giai đoạn khai mở nhưng đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của hệ thống di tích trong bối cảnh phát triển hiện nay.

Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo

Năm 2019, Hà Nội được UNESCO công nhận tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới. Từ đó đến nay, Hà Nội đã và đang từng bước chuyển động theo hướng “Lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững”.

Trong quá trình ấy, di sản văn hóa vừa là nền tảng tinh thần và vật chất để xây dựng Thành phố sáng tạo, vừa chính là một nhân tố tham gia trực tiếp vào việc tạo lập các không gian sáng tạo của Thủ đô.

Bắc Bộ Phủ, nay là Nhà khách Chính phủ được xây dựng vào năm 1918 với phong cách kiến trúc Pháp cổ nổi bật. Công trình 106 tuổi này vừa lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan. Nhờ sự kiện mở cửa, rất nhiều người lần đầu được tận mắt chứng kiến những hình ảnh đặc biệt phía bên trong của tòa nhà, điều mà từ trước tới nay không phải ai cũng có cơ hội mục sở thị. (Ảnh: Đan Thanh)

Bắc Bộ Phủ, nay là Nhà khách Chính phủ được xây dựng vào năm 1918 với phong cách kiến trúc Pháp cổ nổi bật. Công trình 106 tuổi này vừa lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan. Nhờ sự kiện mở cửa, rất nhiều người lần đầu được tận mắt chứng kiến những hình ảnh đặc biệt phía bên trong của tòa nhà, điều mà từ trước tới nay không phải ai cũng có cơ hội mục sở thị. (Ảnh: Đan Thanh)

Các di sản văn hóa nói chung và các di tích kiến trúc nói riêng thường là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng tạo dựng, nuôi dưỡng, lưu truyền… Do đó nếu thích ứng tốt với xã hội đương đại sẽ có vai trò thu hút, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng, tận dụng sự sáng tạo của mọi tầng lớp trong xã hội.

Thời gian qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đồng hành, tham gia cùng UBND Hà Nội và các Kiến trúc sư trở thành nhân tố tiên phong trong quá trình thúc đẩy mối quan hệ giữa di sản văn hóa - kiến trúc với các hoạt động sáng tạo, kết nối liên ngành, góp phần cho sự phát triển Thành phố sáng tạo với bản sắc văn hóa mạnh mẽ. Đó chính là phần nội dung quan trọng được hiện thực hóa trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội.

Bên trong tòa nhà Đại học Tổng hợp ở 19 Lê Thánh Tông Hà Nội vừa trải qua một phép màu diệu kỳ dưới khối óc và bàn tay “ma thuật” của các thầy, cô giáo và sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Việt Khôi)

Bên trong tòa nhà Đại học Tổng hợp ở 19 Lê Thánh Tông Hà Nội vừa trải qua một phép màu diệu kỳ dưới khối óc và bàn tay “ma thuật” của các thầy, cô giáo và sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Việt Khôi)

Tại Tọa đàm “Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo”, sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, các chuyên gia, kiến trúc sư đã đánh giá vai trò của di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo.

Họ cũng đặt ra những câu hỏi đầy trăn trở về tính bền vững của các sáng tạo đang được tạo ra trong lòng các di sản kiến trúc, gợi những điểm nhìn mang tính hệ thống của các nhà nghiên cứu kiến trúc cũng như những giải pháp đem lại sức sống cho các di sản này.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ: “Có lẽ sống quá lâu với Hà Nội chúng ta sẽ ‘chai lì’ với những gì Hà Nội có nhưng phải nói Hà Nội là Thành phố ‘lạm phát’ sự đặc sắc. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã đánh thức để chúng ta không thờ ơ với thành phố mình đang sống. Tôi rất trân trọng sự dũng cảm của các kiến trúc sư, các nghệ sĩ với những tác phẩm ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để làm sống lại những di sản”.

Theo Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Hoàng Thúc Hào, di sản kiến trúc không chỉ là động lực về mặt tinh thần mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với nội dung tập trung vào di sản cho thấy sự tương tác, cộng hưởng của các tác giả đương đại với di sản trong quá khứ, từ các khoảng không tới các tác phẩm cộng sinh.

Tòa nhà Đại học Tổng hợp, di sản kiến trúc trăm tuổi nay được "đánh thức" qua lăng kính nghệ thuật và thiết kế hiện đại, mang đến cho công chúng những trải nghiệm vừa lạ lẫm vừa sâu sắc. (Ảnh: Việt Khôi)

Tòa nhà Đại học Tổng hợp, di sản kiến trúc trăm tuổi nay được "đánh thức" qua lăng kính nghệ thuật và thiết kế hiện đại, mang đến cho công chúng những trải nghiệm vừa lạ lẫm vừa sâu sắc. (Ảnh: Việt Khôi)

Từ kinh nghiệm làm sống lại nhiều di sản kiến trúc trên địa bàn, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, cần phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị trong việc vận hành, khai thác các tác phẩm sau lễ hội. Ông hy vọng, việc Luật Thủ đô được thông qua sẽ mở ra nhiều hướng trong hợp tác, khai thác sử dụng hiệu quả các không gian di sản, cũng như những tác phẩm độc đáo sau khi Lễ hội Thiết kế sáng tạo kết thúc.

Thực tế qua 4 năm tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Hà Nội đã “đánh thức” một số công trình kiến trúc tưởng như đã “ngủ quên” trong lòng thành phố. Hội quán Quảng Đông lưu giữ ký ức của con phố Hàng Buồm đã trở thành một trung tâm văn hóa nghệ thuật đầy hấp dẫn với nhiều cuộc triển lãm, trưng bày, tọa đàm, hội chợ thủ công được tổ chức.

Khi Tháp nước Hàng Đậu, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ) hay Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Tổng hợp) lần đầu mở cửa cho khách tham quan, hàng trăm người dân đã xếp hàng để ít nhất một lần được “chạm” vào di sản.

Du khách từ khắp nơi, nhất là các bạn trẻ, háo hức đổ về để chiêm ngưỡng những không gian kiến trúc đậm chất hoài niệm, nơi quá khứ và sáng tạo đương đại giao thoa. (Ảnh: Việt Khôi)

Du khách từ khắp nơi, nhất là các bạn trẻ, háo hức đổ về để chiêm ngưỡng những không gian kiến trúc đậm chất hoài niệm, nơi quá khứ và sáng tạo đương đại giao thoa. (Ảnh: Việt Khôi)

Không ít người hào hứng đăng ký trải nghiệm các tour “Chuyến tàu di sản” từ Ga Hà Nội tới Ga Gia Lâm để đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tour “Những bước chân kể chuyện” giúp khách bộ hành tham quan các điểm trên tuyến phố “giao lộ sáng tạo” gồm Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cung Thiếu nhi Hà Nội..., tour “Lịch sử và Âm vang - Dấu thiêng Hà Nội” khám phá lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật tuồng...

Hay các địa điểm như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Vườn hoa Diên Hồng (Vườn hoa Con cóc), Vườn hoa Tao Đàn... với các triển lãm sắp đặt, các buổi biểu diễn nghệ thuật, workshop, hội chợ đã thu hút đông người dân tham gia, đặc biệt là giới trẻ.

Đặc biệt, lần đầu tiên tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, các đơn vị lữ hành đã thí điểm bán tour sáng tạo kết nối công trình di sản từng được coi là biểu tượng lịch sử văn hóa Thủ đô đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

“Tour di sản sáng tạo” với lộ trình tối ưu đã chuyển tải đến du khách giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của các di sản cũng như biểu tượng, hoạt động tại lễ hội. Hành trình tour là cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa lịch sử và nghệ thuật từ các điểm đến như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bắc Bộ Phủ, Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp (cũ)…

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đánh dấu lần đầu tiên Bắc Bộ Phủ mở cửa đón khách tham quan. Đây cũng là dịp hiếm có, du khách trong và ngoài nước được bước vào tham quan miễn phí, có thể lựa chọn có hướng dẫn viên hoặc không. (Ảnh: Đan Thanh)

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đánh dấu lần đầu tiên Bắc Bộ Phủ mở cửa đón khách tham quan. Đây cũng là dịp hiếm có, du khách trong và ngoài nước được bước vào tham quan miễn phí, có thể lựa chọn có hướng dẫn viên hoặc không. (Ảnh: Đan Thanh)

Ở bất cứ quốc gia nào, mỗi công trình kiến trúc đều mang trong mình một ngôn ngữ riêng. Không chỉ cho thấy sức sáng tạo tài hoa của con người, các công trình kiến trúc đều ít nhiều in dấu ấn của thời đại, biểu đạt những ý nghĩa văn hóa và tôn giáo, phản ánh đặc điểm địa lý, khí hậu của vùng đất nơi công trình kiến trúc được xây dựng.

Hà Nội mang trong mình rất nhiều di sản kiến trúc lưu giữ ký ức lịch sử, văn hóa của Thủ đô. Trong đó, nhiều công trình có thể chưa được công nhận là di sản nhưng giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật, về khai thác sử dụng... của chúng đang đặt ra yêu cầu về bảo tồn và phát huy giá trị, nhất là khi Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/di-san-nguon-luc-gop-phan-thuc-day-phat-trien-kinh-te-cua-ha-noi-294909.html
Zalo