Di sản điện ảnh - ký ức cho tương lai

Phía sau mỗi thước phim nhựa được thực hiện cách đây nhiều thập kỷ không chỉ là sự sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, vất vả của người làm phim; mà còn thể hiện đời sống, con người, hình ảnh vùng đất một thời kỳ. Bởi vậy, lưu giữ những tư liệu giá trị này chính là bảo tồn ký ức cho thế hệ tương lai.

Những giá trị trong thước phim mỏng manh

Tại tọa đàm “Điện ảnh là di sản, rồi sao?” cuối tuần qua, NSND Lan Hương kể: “Ký ức những ngày làm phim hằn trong trái tim, bộ óc tôi, không bao giờ phai mờ. Tuy không làm nhiều phim (điện ảnh), nhưng tham gia cùng các nhà làm phim chuyên nghiệp, tôi thấy để có một bộ phim không đơn giản. Chẳng hạn, đóng phim Trở về Sam Sao - lần đầu tiên tôi tiếp cận điện ảnh, chỉ với cảnh hai vợ chồng người dân tộc ngồi tâm sự trên núi, đạo diễn tập cho tôi từng câu, nói đúng cảm xúc, tập đi tập lại cho chính xác mới bấm máy. Khi quay được đúp ấy, sau cổ tôi bị nắng chiếu đến phồng rộp. Ngày ấy các nhà quay phim không có thiết bị hỗ trợ, muốn quay cảnh từ trên cao xuống, quay phim phải trèo lên cây. Mỗi cảnh như vậy mà quay từ sáng đến chiều mới xong. Nói như thế để thấy làm phim khó khăn ra sao”.

Nhưng nếu không có những thước phim như vậy, thế hệ hiện nay khó mường tượng được quang cảnh Dốc Cun, Hòa Bình; Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Yên Bái ngày ấy; hay biết về đời sống của người dân, trang phục xưa ra sao, họ đã sống, làm việc như thế nào… "Đó là những điều vô giá mà phim ghi lại được. Bởi vậy, điện ảnh là di sản cần bảo tồn, để các cuộn phim hỏng là điều đáng tiếc", NSND Lan Hương nhấn mạnh.

Cảnh trong phim "Đến hẹn lại lên" (1974). Ảnh: Viện Phim Việt Nam

Cảnh trong phim "Đến hẹn lại lên" (1974). Ảnh: Viện Phim Việt Nam

Tham gia làm phim liên tục từ những năm 1980 đến nay, NSND Minh Châu cũng nhớ nhiều kỷ niệm vui buồn, vất vả của người làm phim nhựa. “Xưa Việt Nam nghèo, khó khăn lắm mới mua được phim, mà một mét phim chỉ được 2 giây hình ảnh, nên đạo diễn nói với chúng tôi phải cố gắng diễn tập trung, diễn đúng. Mỗi người phải chịu trách nhiệm với từng thước phim, hình ảnh. Mỗi đợt quay xong, cả đoàn phim ngồi chờ phim mang về Hà Nội in tráng. Từ diễn viên, nhân viên ánh sáng, đạo diễn, quay phim, ai cũng căng thẳng, chỉ sợ phim hỏng. Bởi vậy, cần làm thế nào gìn giữ được những bộ phim làm từ mấy chục năm trước, với những hình ảnh lịch sử không thể làm lại”.

Nhớ lại thời gian làm phim nhựa và vật lộn với vật liệu này, NSND Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, khác với quay phim số đã được lập trình, quay phim nhựa là những khổ sở, lo âu, khó khăn. “Lớp thuốc tráng trên phim, độ dày phải tính bằng micromet, không bằng lớp hồ dán trên giấy. Bao nhiêu công sức, tiền bạc gửi gắm vào vật liệu mỏng manh như vậy, trong khi nóng, lạnh một chút hay gặp mưa là hỏng, rửa phim ngâm nước lâu cũng hỏng. Thậm chí, phim chưa quay đã mốc, vì vật liệu này vốn đòi hỏi ở điều kiện bảo quản cực kỳ nghiêm ngặt, xuất xưởng ra phải bảo đảm ở điều kiện 5 độ C. Đây là điều không thể thực hiện trong bối cảnh Việt Nam lúc ấy, nhất là khi phim được đưa từ Đức sang đây đã mất vài tháng trời”.

Phim ảnh là di sản!

Khẳng định phim ảnh là di sản, TS. Vũ Thị Minh Hương, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thông tin,UNESCO đã ghi danh rất nhiều di sản, và Việt Nam cũng tham gia tích cực trong việc ghi danh di sản vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu. Hiện nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu, bên cạnh các di sản vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, trong 10 di sản tư liệu đã được ghi danh ấy, chưa có cuốn phim điện ảnh nào.

“Những cuốn phim không chỉ hàm chứa câu chuyện nhà làm phim muốn thể hiện, mà còn phản ánh đời sống lịch sử Việt Nam giai đoạn đó, từ trang phục, bối cảnh, nhà cửa, rừng núi, âm nhạc, lời thoại… Nếu như chúng ta giữ được phim điện ảnh, thì đó là tư liệu quý về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, dân tộc học” - TS. Vũ Thị Minh Hương nhận định.

Cùng ý kiến, NSƯT Đỗ Kỷ cho rằng, hình ảnh trong ký ức nếu không được lưu giữ bằng chất liệu phim ảnh thì thế hệ sau không thể hình dung được. Chẳng hạn, hình ảnh Hà Nội những năm 1970 - 1990, hay giới trẻ hiện nay ít hình dung được cây rơm, cây rạ trước sân nhà ngày xưa. Hay khi phim “Đến hẹn lại lên” ra đời, cả nước biết đến dân ca quan họ...

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dành hẳn một chương về di sản tư liệu. Theo đó, những nội dung thông tin được chứa trên vật mang tin là phim nhựa, phim hình ảnh động trên các vật mang tin dạng số, đĩa bằng kim loại, bằng nhựa có thể là tiềm năng của di sản tư liệu. Theo TS. Vũ Thị Minh Hương, khi dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua sẽ có nghị định quy định chi tiết một số điều, thông tư hướng dẫn cho các cơ sở đang quản lý tư liệu chứa vật thông tin trên bất kỳ vật thể, chất liệu nào có thể xây dựng hồ sơ trình Chương trình Ký ức thế giới để xem xét ghi danh. Trong đó, Viện Phim Việt Nam đang quản lý nhiều tác phẩm điện ảnh do Hãng phim truyện Việt Nam và các hãng phim khác sản xuất.

Xót xa trước những thước phim đẹp được các nghệ sĩ vượt qua mọi khó khăn để ghi lại nay bị xuống cấp, ố màu, trở nên xấu xí trên những bản phim số hóa được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mong muốn, không chỉ ghi danh di sản, mà vẻ đẹp trong các bộ phim nhựa cần được lưu giữ, trân trọng. Đó không chỉ là tinh thần, mà còn là tài sản. "Điện ảnh là ký ức, nếu bị lãng quên thì khác nào ký ức bị mất đi. Bởi vậy, bảo tồn ký ức cho tương lai cũng là việc cần được quan tâm".

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/di-san-dien-anh---ky-uc-cho-tuong-lai-i382842/
Zalo