Đi qua dòng kênh chữ S
Sở dĩ dân gian quen gọi kênh chữ S, do đầu tuyến kênh có cây cầu bê-tông nối Quốc lộ 91 uốn lượn giống hình chữ S. Con kênh được đào sau ngày giải phóng, góp phần quan trọng trong điều tiết nước, lưu thông đường thủy nối liền từ sông Hậu cuộn chảy đến Hà Tiên.

Nhìn trên cao, cây cầu bắt ngang Quốc lộ 91 giống hình chữ S tại tuyến đầu con kênh
Dân cư đông đúc
Trong Hội thảo khoa học lịch sử khẩn hoang tứ giác Long Xuyên từ đầu thế kỷ XVIII đến nay, GS.TS. Trần Thị Mai (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) thông tin, sau ngày 30/4/1975, công tác thủy lợi được chính quyền các tỉnh trong vùng tứ giác Long Xuyên coi trọng, nhằm khai thác tài nguyên đất và nước. Tại An Giang, khởi đầu là công trình đào kênh 10 Châu Phú, từ nguồn ngân sách tỉnh, từ tháng 11/1976 đến tháng 12/1978. Chiều dài của kênh hơn 20km, chiều rộng mặt nước 20m, độ sâu trung bình 2,5m. Con kênh bắt đầu từ cầu chữ S, nối kênh Lộ Tẻ (huyện Tri Tôn) ở cầu sắt số 10 (huyện Châu Thành), trở thành nơi tiếp giáp giữa 4 địa phương: Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn và TX. Tịnh Biên.
Để khám phá dòng kênh này, mờ sáng, từ Quốc lộ 91, chúng tôi men theo con đường nông thôn, chạy một mạch xuyên qua cánh đồng vùng Láng Linh. Ngày trước, ven kênh là con đường đất, mùa nắng thì bụi, mùa mưa gặp bùn lầy khó đi, người dân phải lưu thông bằng ghe, xuồng.
Lúc này, nông dân Nguyễn Văn Thanh (71 tuổi, ngụ xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) đang trông coi đám mạ non xanh trên mảnh ruộng 20 công. Ông kể, ngày trước chưa có con kênh, ở đây đìu hiu lắm! Bà con chủ yếu trồng lúa mùa nổi. Vào mùa lũ, nước lên tới đâu thì lúa phát triển tới đó. Lũ rút cạn, bà con gặt lúa đồng loạt. Nhà nhà mang dụng cụ ra đồng đập lúa lịch bịch đông như ngày hội. Mỗi công được vài giạ, đủ ăn cả năm, chứ ít có dư để bán như bây giờ.
Nhưng sau ngày giải phóng, Nhà nước cho đào con kênh chữ S xẻ dọc cánh đồng, đưa nước ngọt vào tận vùng trong. Nông dân mạnh dạn chuyển sang canh tác lúa Thần nông, mỗi năm 2 vụ. “Dạo đó, nước vào sâu trong đồng, tôi trồng lúa trúng mùa, 20 công thu hoạch được 600 giạ lúa. Lần đầu tiên trong đời, nhà tôi canh tác lúa trúng mùa như vậy. Hồi đó, trồng lúa ít tốn phân thuốc hơn bây giờ mà lúa vẫn xanh tốt” - ông Thanh hồ hởi. Từ đó, trên cánh đồng hẻo lánh này, nhà cửa được dựng lên, dân cư đến lập nghiệp đông đúc. Đời sống bà con trên đồng dần thay đổi, tạo nên sức sống trù phú hôm nay.
Con kênh quan trọng
Tiếp tục rong ruổi vào sâu trong dinh Đá Nổi, chúng tôi gặp các chú nông dân đang ngồi huyên thuyên dưới bóng râm trên đồng. Khi hỏi về vai trò của con kênh này, chú Trần Văn Hùng (70 tuổi) nhớ lại, nghe Nhà nước chuẩn bị đào kênh, ai nấy vui mừng khấp khởi. Khi con kênh hoàn thành, dẫn nước nhập điền, bà con bơm lên ruộng canh tác được 2 vụ lúa. “Con kênh điều tiết nước từ sông Hậu vào sâu trong cánh đồng, vừa giúp nông dân canh tác lúa, vừa tạo điều kiện cho giao thông đường thủy hoạt động thông suốt từ An Giang cho tới Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Ngoài ra, kênh S còn giải quyết nước sinh hoạt cho bà con” - chú Hùng bày tỏ.
Hiện tại, chú Hùng đang canh tác 40 công lúa 2 vụ, mấy năm nay giá lúa nằm ở mức khá nên thu nhập ổn định. Sản xuất có dư, chú tiếp tục tái đầu tư canh tác lúa vụ hè thu. Sản xuất tới 70 công ruộng, chú mua máy cày về làm đất nhà. Thấy bà con có nhu cầu sang phẳng đất ruộng, chú mạnh dạn phục vụ luôn. Từ đó, với số tiền tích lũy, chú đầu tư thêm đất ruộng. “Bây giờ lớn tuổi, tôi chia cho 3 đứa con, mỗi đứa 10 công ruộng. Vụ đông xuân vừa rồi, tôi trồng lúa giống Đài Thơm, bán được 7.200 đồng/kg, mỗi công đạt năng suất 1 tấn. Sau khi trừ chi phí, tôi bỏ túi hơn 150 triệu đồng” - chú Hùng hồ hởi.
Chạy gần tới khoảng giữa đoạn kênh chữ S (đoạn nối kênh Mặc Cần Dưng, thuộc huyện Châu Thành), tôi gặp chú Nguyễn Văn Thạnh (68 tuổi, ngụ xã Vĩnh An, huyện Châu Thành). Chú ở đây từ nhỏ, nên rất rành câu chuyện đào kênh. Hồi đó, khu vực này chưa có người ở, buổi sáng nông dân đến canh tác lúa, chiều tranh thủ về nhà, bởi đồng vắng, đìu hiu dữ lắm! Khi con kênh được hoàn thành, nông dân đến cất nhà san sát. Con đường đất nông thôn sình lầy sau này được Nhà nước thảm nhựa phẳng phiu, xe chạy thẳng tắp từ đầu đến cuối con kênh.
Chỉ tay xuống dòng kênh, chú Thạnh cho biết, con kênh này quan trọng bậc nhất là điều tiết nước. Những năm lũ lớn, xuồng ghe chạy ngang kênh đều bị chìm hoài. “Bận trước khi lũ về, chúng tôi đều lập đội trực cứu hộ tại những đoạn ghe, xuồng thường bị lũ cuốn. Sau khi kênh chữ S hoàn thành, mỗi khi lũ về điều tiết nước ra biển, giảm được áp lực nước cuộn chảy tại các tuyến kênh” - chú Thạnh cho hay.
Sau hàng chục năm, tuyến kênh chữ S này vẫn mang nước từ sông Hậu vào cánh đồng cho nông dân sản xuất. Dưới kênh, ghe, xuồng chạy xuôi ngược chở lúa, hàng hóa phân phối khắp muôn nơi, tạo nên diện mạo phát triển ở vùng đất hẻo lánh một thời.
Tuyến đầu kênh chữ S, phía bờ Bắc là thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, phía bờ Nam là thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú) điểm cuối tiếp giáp với kênh Rạch Giá - Hà Tiên. Kênh có 2 đoạn, đoạn 1, từ sông Hậu đi qua huyện Châu Phú (dài 20km) cắt giao với kênh Mặc Cần Dưng, tại cầu số 10 (Đường tỉnh 941), nên còn gọi là kênh 10. Đoạn 2 (dài 19km), từ cầu số 10 đi thẳng qua xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn), tiếp nối kênh Mỹ Thái, đi tiếp đến kênh Rạch Giá - Hà Tiên. Từ năm 1990 đến năm 2002, kênh chữ S được chính quyền và Nhân dân nạo vét bằng xáng cạp, lấy đất bồi đắp lên 2 bờ kênh làm đê bao, nhờ vậy kênh sâu, rộng thêm.